Bộ Xây dựng tính chuyện gỡ vướng cho quản lý nhà chung cư
TCDN - Thực tế nhiều hội nghị nhà chung cư phải thực hiện nhiều lần, hoặc bất thành vì thực tế hiện nay nhiều người mua căn hộ để đầu tư cho thuê, còn người thuê không phải chủ sở hữu
Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn thực Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, thay thế quy chế hiện hành trong đó bổ sung một số quy định mới theo hướng tạo thuận lợi hơn cho cư dân trong việc thống nhất các vấn đề có liên quan đền tòa nhà nơi mình sinh sống.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là quy định hội nghị bầu ban quản trị tòa nhà chung cư phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự, thay vì con số 75% như quy chế hiện hành.
Giảm 25% chủ nhà khi bầu Ban quản trị
Theo Điều 13, Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng quy định: Hội nghị nhà chung cư lần đầu phải có tối thiểu 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự; trường hợp triệu tập hội nghị lần đầu không đủ 75% thì triệu tập hội nghị lần thứ hai khi có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Nếu triệu tập hội nghị lần thứ hai không đủ số người tham dự theo quy định tại thì chủ đầu tư đề nghị UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị theo quy định.
Về quy định này hiện còn nhiều bất cập bởi nhiều nhà đầu tư mua căn hộ để đó, hoặc cho thuê và nhiều lý do khác không thể triệu tập đủ 75% số chủ hộ theo quy định.
Thực tế nhiều hội nghị nhà chung cư phải thực hiện nhiều lần, hoặc bất thành vì thực tế hiện nay nhiều người mua căn hộ để đầu tư cho thuê, còn người thuê không phải chủ sở hữu nên không được tham dự, do vậy hội nghị không triệu tập đủ 75% số chủ hộ theo quy định.
Nắm bắt những bất cập này, mới đây, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, thay thế quy chế hiện hành, trong đó bổ sung một số quy định mới thay thế.
Một trong các quy định đáng lưu tâm là việc tổ chức hội nghị nhà chung cư (HNNCC) lần đầu được quy định: Có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự, giảm 25% so với của quy định hiện hành. Như vậy, khi dự thảo này hoàn tất và được ban hành sẽ tạo điều kiện cho cư dân dễ dàng hơn trong việc thành lập Ban quản trị, làm chủ trong việc quản lý điều hành chung cư.
Trường hợp không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức HNNCC và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự hội nghị về các nội dung quy định của Luật Nhà ở.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định tại điểm này mà không đủ 50% đại diện chủ sở hữu tham gia họp và số người lấy ý kiến thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ đề nghị UBND cấp phường tổ chức HNNCC theo quy định.
Phường sẽ làm thay nếu chủ đầu tư chây ì
Theo dự thảo, UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức HNNCC lần đầu khi nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng quá thời hạn 12 tháng và đã có đủ 50% số căn hộ được bàn giao. Trường hợp chủ đầu tư không tổ chức HNNCC và có đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ đề nghị UBND cấp phường tổ chức.
Theo đó, kinh phí tổ chức HNNCC lần đầu do UBND cấp phường tổ chức được lấy từ kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp và được đưa vào dự toán năm tiếp theo do HNNCC quyết định.
Thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ hoặc nhận được văn bản đề nghị của chủ đầu tư theo quy định, UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức HNNCC lần đầu. Kết quả của HNNCC lần đầu do UBND cấp phường tổ chức có giá trị áp dụng đối với các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư như HNNCC do chủ đầu tư tổ chức.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư hoặc người đại diện quản lý có văn bản yêu cầu bàn giao hồ sơ thì chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao 2 bộ cho BQT.
* Thống kê của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, trong năm 2018 có 40% chung cư thương mại chưa bàn giao quỹ bảo trì. Việc chiếm dụng, chây ì không bàn giao quỹ bảo trì đã trở thành “cuộc chiến” giữa chủ đầu tư và cư dân.
Đây là vấn đề nhức nhối tồn tại nhiều năm gây bức xúc dư luận, đã được đề cập trên nhiều diễn đàn thậm chí cả diễn đàn Quốc hội trong thời gian qua. Liên quan đến việc chiếm giữ quỹ bảo trì, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu 19 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị; ban hành 2 Quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì 2% đối với 2 Chủ đầu tư là Vinaconex 3, Sông Đà Thăng Long; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng 13 chủ đầu tư vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899