Buộc giải thể Quỹ Đầu tư phát triển địa phương nếu nợ xấu cao hơn 50% tổng dư nợ

12/02/2020, 17:33

TCDN - Theo Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (ĐTPTĐP), Quỹ ĐTPTĐP buộc phải giải thể khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50% hoặc tỷ lệ các khoản nợ phải thu khó đòi trên tổng số vốn đầu tư cao hơn 80% trong ba (03) năm liên tiếp.

13_vphp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện có 44 địa phương thành lập Quỹ ĐTPTĐP với mục tiêu huy động các nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện cho vay, đầu tư trực tiếp các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương. Đến 31/12/2018, số dư nguồn vốn hoạt động của hệ thống Quỹ là 34.980 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2007. Về cơ cấu, vốn chủ sở hữu chiếm 79% và vốn huy động chiếm 21%. Vốn huy động của các Quỹ ĐTPTĐP tương đương 26% vốn chủ sở hữu. Về sử dụng vốn, tính đến 31/12/2018, tổng vốn sử dụng cho các hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp của hệ thống Quỹ ĐTPTĐP là 18.111 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2007, trong đó hoạt động cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng là 14.084 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sử dụng vốn của Quỹ (chiếm 77,7%).

Nguồn vốn cho vay và đầu tư của Quỹ ĐTPTĐP đã phát huy hiệu quả, đóng vai trò làm “vốn mồi” để huy động các nguồn vốn khác tham gia vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương. Theo đó, tổng lợi nhuận của toàn hệ thống Quỹ ĐTPTĐP đến 31/12/2018 là 1.268 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2007. Hoạt động của hệ thống Quỹ ĐTPTĐP có tăng trưởng về quy mô, nguồn vốn hoạt động, góp phần vào việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thời gian qua cho thấy hệ thống Quỹ ĐTPTĐP chưa có sự phát triển đồng đều, một số Quỹ hoạt động chưa hiệu quả, quy mô nhỏ, không huy động được vốn và không triển khai được các hoạt động cho vay, đầu tư. Bên cạnh đó, quy mô và hoạt động của một số Quỹ chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, trong khi để phát triển kinh tế và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, các địa phương cần huy động được nguồn lực ngày càng lớn. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư và Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp mới được ban hành dẫn đến cần thiết rà soát lại các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đánh giá, phân tích các hạn chế trong tổ chức thực hiện, đồng thời rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, cần có các giải pháp chính sách nhằm cải cách và phát triển hệ thống Quỹ ĐTPTĐP. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, năng lực hoạt động của các Quỹ ĐTPTĐP vẫn còn hạn chế do nguồn vốn hoạt động còn thấp. Một số địa phương còn chưa bố trí đủ nguồn vốn điều lệ tối thiếu. Nguồn vốn hoạt động hạn chế đã ảnh hưởng tới việc triển khai các nghiệp vụ của Quỹ ĐTPTĐP, hầu hết các Quỹ mới chỉ tập trung vào hoạt động cho vay dự án, chỉ một số ít Quỹ có nguồn lực để triển khai nghiệp vụ đầu tư, do đó chưa phát huy được vai trò là nguồn vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác trong xã hội cùng tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng. Vì vậy, cần bổ sung quy định về điều kiện và quy trình thành lập Quỹ, tránh trường hợp địa phương không đủ nguồn lực và chưa xác định rõ mục tiêu đầu tư, cho vay vẫn thành lập Quỹ dẫn đến Quỹ có quy mô nhỏ, việc cho vay, đầu tư hạn chế. Đồng thời, cần thiết phải rà soát sửa đổi trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định thành lập Quỹ.

Thứ hai, Nghị định số 138 và Nghị định số 37 quy định Quỹ ĐTPTĐP là quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, áp dụng quy định cơ chế tiền lương, khen thưởng, xếp hạng doanh nghiệp như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, quy định liên quan đến cơ chế áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành mới ở cấp Luật và Nghị định, dẫn đến một số vướng mắc trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động, xác định tiền lương, tiền thưởng. Mô hình hoạt động của Quỹ với Hội đồng quản lý Quỹ bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cán bộ của một số Sở, Ban ngành tại địa phương tại một số thời điểm chưa thực sự linh hoạt và hiệu quả cao, tuy nhiên, có tác động tích cực là hỗ trợ Quỹ trong việc tìm kiếm, đầu tư và cho vay đối với các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương, định hướng hoạt động của Quỹ, hỗ trợ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Theo đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, cần rà soát, củng cố phương thức hoạt động của Quỹ phù hợp với cơ chế áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

Thứ ba, hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP còn một số bất cập như mức lãi suất cho vay tối thiểu chưa phản ánh được đầy đủ chi phí, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao của một số Quỹ chưa được xử lý dứt điểm, hoạt động đầu tư trực tiếp chưa được đẩy mạnh, cơ chế trích lập dự phòng rủi ro cho vay, đầu tư cần được hoàn thiện.

Thứ tư, cơ chế quản lý giám sát cần phải tiếp tục hoàn thiện theo hướng (i) có biện pháp xử lý dứt điểm đối với những Quỹ hoạt động không hiệu quả, không hoạt động theo đúng mục đích thành lập Quỹ (ii) bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân (UBND) trong việc quản lý giám sát hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP, đặc biệt là trách nhiệm của UBND. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc hướng dẫn và giám sát các địa phương về việc cho dừng và giải thể các Quỹ ĐTPTĐP hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, quy định của pháp luật theo Chỉ thị số 22/CT-TTg và Công văn số 5335/VPCP-KTTH. Theo đó, đối với những Quỹ hoạt động không hiệu quả (không triển khai được các hoạt động theo quy định của Nghị định), không có nguồn lực để hoạt động (không đủ mức vốn điều lệ thực có tối thiếu là 100 tỷ đồng), cần có căn cứ pháp lý để rà soát, chấm dứt, giải thể hoạt động nhằm tránh lãng phí nguồn lực, không hiệu quả trong việc duy trì bộ máy hoạt động.

Thứ năm, trong thời gian vừa qua, một số văn bản pháp luật có quy định điều chỉnh về hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP đã được ban hành mới như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Do đó, cần phải rà soát, sửa đổi các quy định tại Nghị định để phù hợp với các quy định hiện hành.

Để nâng cao hiệu quả thành lập và hoạt động Quỹ ĐTPTĐP, trên cơ sở quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Nghị định quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động, quản lý giám sát để kịp thời phát hiện các rủi ro và có giải pháp cơ cấu lại hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP (Điều 47 đến Điều 50). Theo đó, căn cứ vào xếp loại Quỹ ĐTPTĐP, UBND cấp tỉnh quyết định cơ cấu lại bộ máy tổ chức, điều hành và hoạt động đối với Quỹ xếp loại hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định theo hướng Quỹ ĐTPTĐP buộc phải giải thể khi thuộc các trường hợp sau: (i) mức vốn thực góp của chủ sở hữu không đáp ứng quy định về vốn điều lệ tối thiểu theo quy định; (ii) tỷ lệ tổng số vốn cho vay và đầu tư (không bao gồm các khoản ủy thác cho vay) trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% trong ba (03) năm liên tiếp; (iii) tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50% hoặc tỷ lệ các khoản nợ phải thu khó đòi trên tổng số vốn đầu tư cao hơn 80% trong ba (03) năm liên tiếp; (iv) có số chênh lệch thu chi âm lũy kế lớn hơn hoặc bằng 75% số vốn điều lệ thực có của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; (v) Quỹ ĐTPĐP đã được cơ cấu lại nhưng trong vòng 2 năm vẫn tiếp tục hoạt động không đúng quy định của pháp luật hoặc vẫn bị đánh giá xếp loại hoạt động chưa hiệu quả.

Xem tờ trình kèm nội dung dự thảo Nghị định tại đây

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Buộc giải thể Quỹ Đầu tư phát triển địa phương nếu nợ xấu cao hơn 50% tổng dư nợ tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899