Cá nhân rút về từ phần vốn đã góp vào công ty có phải nộp thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn không?

28/08/2023, 14:19
báo nói -

TCDN - Giải đáp vướng mắc về thuế TNCN liên quan đến phần vốn đã góp vào công ty.

Hỏi: Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức là công ty cổ phần theo luật Doanh nghiệp Việt nam, vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, chia đều cho 5 cổ đông sáng lập, mỗi cổ đông 20 tỷ đồng. Hiện nay công ty có nhu cầu giảm vốn điều lệ xuống còn 50 tỷ, mỗi cổ đông đều rút về 10 tỷ đồng.

Doanh nghiệp muốn hỏi phần 10 tỷ đồng mỗi cá nhân rút về từ phần vốn đã góp vào công ty có phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn không? Các tờ khai thuế, các chứng từ công ty cần có khi các cổ đông rút vốn theo đúng quy định của pháp luật hiện nay như thế nào?

Trả lời:

- Căn cứ vào Khoản 5 Điều 112 Luật Doanh Nghiệp 59/2020/QH14 quy định giảm vốn công ty cổ phần như sau:

“Điều 112. Vốn của công ty cổ phần

5. Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

a) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;

b) Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này;

c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật này.”

- Căn cứ vào Điều 11, Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế thu nhập cá nhân:

“Điều 11. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn

1. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.

a) Thu nhập tính thuế: thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển nhượng.

a.1) Giá chuyển nhượng

Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

 Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

a.2) Giá mua

Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn.”

 „ b) Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.

c)  Thời điểm xác định thu nhập tính thuế

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

d) Cách tính thuế

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế  x thuế suất (20%)”

Căn cứ vào các quy định hiện hành thì khi rút vốn vốn phải nộp thuế TNCN là 20% cho phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua.

Như vậy, nếu khoản vốn rút ra phù hợp quy định pháp luật, có phát sinh chênh lệch (có lãi) so với khi góp thì phải khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện hành.

- Mục VII Phụ lục II ban hành kèm hành kèm Thông tư 80/2021/TT-BTC có quy định về Mẫu 04/CNV-TNCN tờ khai thuế thu nhập cá nhân phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng vốn và NĐ 126/2020/NĐ-CP.

- Hồ sơ khai thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn gópCăn cứ Mục 9.4 của Phụ lục I ban hành kèm theo NĐ 126/2020/NĐ-CP, hồ sơ khai thuế TNCN theo từng lần phát sinh đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp do cá nhân trực tiếp khai thuế và tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân bao gồm:

+ Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu 04/CNV-TNCN.

+Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân chuyển nhượng vốn (áp dụng đối với tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho nhiều cá nhân) theo mẫu 04-1/CNV-TNCN ban hành kèm theo TT 80/2021/TT-BTC.

+ Bản sao hợp đồng chuyển nhượng vốn. Trong trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì Hợp đồng chuyển nhượng vốn được thay bằng bản sao Hợp đồng góp vốn.

+ Bản sao tài liệu xác định trị giá vốn góp theo sổ sách kế toán, trường hợp vốn góp do mua lại thì phải có hợp đồng chuyển nhượng khi mua.

+ Bản sao các chứng từ chứng minh chi phí liên quan đến việc xác định thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp.

+ Giấy tờ tùy thân hợp pháp của cá nhân…

PV
Bạn đang đọc bài viết Cá nhân rút về từ phần vốn đã góp vào công ty có phải nộp thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn không? tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận