Cà phê Buôn Ma Thuột muốn vươn xa
TCDN - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được coi là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam với chất lượng nổi tiếng thơm ngon. Lễ hội cà phê của địa phương này sắp được diễn ra với mong muốn tiếp cận thêm nhiều đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
Ngày 3/2, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chủ trì cuộc họp báo về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”.
Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra từ ngày 10 – 14/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam và từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
“Chúng tôi cho rằng đây là một trong những hoạt động quan trọng góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Sự kiện này cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của mình nhằm xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh”, bà H’Yim Kđoh nói.
Theo bà H’Yim Kđoh, so với những lần trước, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn hơn, thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế, phong cách hiện đại. Lễ hội có 18 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng của các địa phương.
Một số hoạt động tiêu biểu phải kể đến như: Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột; biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Đam Săn"; Lễ hội ánh sáng; triển lãm ảnh nghệ thuật; Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê…
Đồng thời, lễ hội còn tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch mới. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng triển khai các hội nghị xúc tiến đầu tư; hội nghị kết nối giao thương quốc tế; hội thảo cấp Bộ về ngành hàng cà phê…
Cũng theo Ban tổ chức lễ hội, mỗi người dân địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ là một đại sứ truyền thông, đồng thời là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi thông qua hoạt động quảng bá, truyền thông của lễ hội năm nay. Ban tổ chức cũng mời hoa hậu H’Hen Niê làm Đại sứ truyền thông cho sự kiện quan trọng này.
Trao đổi với Tài chính Doanh nghiệp, hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ, từ bé, hoa hậu này đã theo cha mẹ lên nương rẫy để chăm sóc, thu hoạch cà phê. Mỗi lần lên rẫy, cô đều mong ước rẫy cà phê có thật nhiều trái để gia đình đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.
“Đến bây giờ, tôi vẫn mong muốn chia sẻ và lan tỏa cà phê đến với mọi người. Vì thế, món quà mà tôi hay gởi tặng cho mọi người trong và ngoài nước luôn là cà phê. Đặc biệt, khi được mọi người khen cà phê ngon thì tôi rất vui và tự hào. Trong thâm tâm, tôi rất mong Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới”, H’Hen Niê nói.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt 798 triệu USD, chiếm 53,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 380.000 tấn (trong tổng số 550.000 tấn cà phê của toàn tỉnh), chủ yếu là cà phê nhân và cà phê hòa tan.
Giá xuất khẩu cà phê nhân bình quân của các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ cà phê 2021 - 2022 đạt 2.037 USD/tấn, tăng 363 USD/tấn so với niên vụ 2020 - 2021. Đây là năm tỉnh Đắk Lắk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899