Các công ty nông lâm nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng

15/07/2016, 09:35

TCDN - Việc triển khai sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp diễn ra chậm so với yêu cầu càng khiến tình trạng thua lỗ của các công ty này kéo dài, lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015–2016 và nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020 diễn ra sáng nay, 14-7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Công Tuấn cho hay, cả nước hiện có 254 công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118, trong đó có 120 công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 134 công ty lâm nghiệp.

Đến hết tháng 6-2016, Bộ NNPTNT đã thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mô hình sắp xếp đổi mới cho 243 công ty. Tính đến cuối năm 2015, tổng giá trị tài sản của các đơn vị này là hơn 40.500 tỉ đồng. Bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm từ năm 2012 đến năm 2014 đạt gần 2.800 tỉ đồng.


Cũng theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới gần 1.100 tỉ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. Điều này đã khiến nhiều công ty nông, lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do sản xuất cầm chừng, thậm chí nhiều công ty trong số này đã dừng hoạt động và giải thể.

Cụ thể, các công ty lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp như Công ty TNHH MTV Cà-phê Ia Châm lỗ 52 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Cà-phê Ea Tul 40 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Cà-phê Chư Quynh 33 tỉ đồng, Công ty THNN MTV Cao su Mang Yang 39 tỉ đồng, Công ty TNHHMTV Hà Tĩnh 56 tỉ đồng… Trường hợp lỗ lũy kế lớn nhất được ông Tuấn đề cập là Tổng công ty 15 – Bộ Quốc phòng lỗ lũy kế lên tới 334 tỉ đồng.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, những công ty có số lỗ lũy kế vượt quá 75% vốn chủ sở hữu đều thực hiện giải thể. Theo đó, có 8 công ty nông nghiệp và 2 công ty lâm nghiệp đã thực hiện giải thể.

Không chỉ vậy, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 3-2016, có 96 công ty nông, lâm nghiệp có phát sinh vay vốn tại các tổ chức tín dụng với dư nợ gần 6.455 tỉ đồng, trong đó, các công ty nông nghiệp chiếm tới 84% tổng dư nợ. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và hạch toán ngoại bảng đối với khoản dư nợ gần 340 tỉ đồng của 23 công ty nông, lâm nghiệp.

Song, Thứ trưởng Hà Công Tuấn thừa nhận: “Việc thu nợ gặp nhiều khó khăn và hầu như không thu được do các công ty này chỉ hoạt động cầm chừng, tình hình tài chính mất cân đối và không có nguồn trả nợ ngân hàng”.

Không chỉ lỗ đang ăn mòn vào vốn, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội nghị, việc triển khai sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm so với yêu cầu. Việc thẩm định phê duyệt các phương án còn chậm và triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, lúng túng.

Nguyên nhân trong việc chậm triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, theo Thứ trưởng Tuấn, là do gặp khó khăn về việc giải quyết đất đai, lao động và tài sản trên đất, diện tích khoán đất, khoán rừng. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sắp xếp, đổi mới, nhất là về tiêu chí để lựa chọn đối tác trong mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên….

Kinh tế Sài gòn

Bạn đang đọc bài viết Các công ty nông lâm nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng tại chuyên mục Cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận