Các hãng bay "oằn mình" gánh lỗ, đại gia quản lý sân bay ACV "khoe" lãi đậm

31/07/2022, 13:07
báo nói -

TCDN - Đại gia quản lý sân bay - ACV "gây choáng" vì lãi gần 30 tỷ đồng mỗi ngày; trong khi đó các hàng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways,..."than" lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

ACV lãi đậm

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã cổ phiếu: ACV) vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu quý II đạt 3.445 tỷ đồng - tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất kể từ quý II/2020 của doanh nghiệp quản lý các sân bay này.

Việc giá vốn tăng chậm hơn doanh thu giúp ACV lãi gộp 1.622 tỷ đồng, cao gấp 60 lần cùng kỳ. ACV cũng ghi nhận doanh thu tài chính tăng mạnh lên 1.906 tỷ đồng, trong đó phần lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ đem về 1.475 tỷ đồng.

acv-15191836

Khấu trừ chi phí, đại gia đang quản lý 22 sân bay này báo lãi ròng 2.598 tỷ đồng quý II, tăng gấp gần 8 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao nhất kể từ khi ACV niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016.

Lũy kế từ đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 5.564 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 3.473 tỷ đồng, tăng 189%.

Năm 2022, ban lãnh đạo ACV đặt ra kế hoạch kinh doanh hồi phục với kỳ vọng tổng doanh thu đạt 12.566 tỷ đồng và lãi trước thuế 4.696 tỷ đồng. Đối chiếu với kết quả 6 tháng đầu năm, đại gia này mới thực hiện được 44% kế hoạch doanh thu nhưng đã hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận.

Đáng chú ý, nợ xấu tại 4 hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam tại ACV đã lên tới 1.967 tỉ đồng, tăng gần 25% so với số đầu năm. Điều này khiến ACV phải trích lập dự phòng 540 tỉ đồng cho số nợ xấu trên, tăng 80 tỉ đồng so với đầu năm. Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của 4 hãng hàng không trên cũng ở mức hơn 3.851 tỉ đồng, tăng mạnh gần 57% so với cuối năm 2021.

Các hãng hàng không lỗ khủng

Trái ngược với con số lãi khủng của đơn vị quản lý sân bay, các hãng hàng không lên tục báo lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. 

Bất chấp doanh thu tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, Vietnam Airlines vẫn lỗ ròng 2.568 tỷ đồng trong quý II. Đáng chú ý, đây là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của Vietnam Airlines. Lũy kế 6 tháng đầu năm, sau khi khấu trừ chi phí, hãng bay này lỗ ròng 5.254 tỷ đồng, giảm gần 3.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thời điểm 30/6, khoản lỗ lũy kế của Vietnam Airlines là khoảng 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 4.914 tỷ đồng, tăng 2.700 tỷ đồng so với thời điểm hết quý I.

Về kết quả vận chuyển nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đạt gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch.

Thị trường quốc tế, vốn mang tới 65% doanh thu của Vietnam Airlines, nhưng mới chỉ đạt khoảng 12% so với trước đại dịch do các rào cản nhập cảnh khiến nhu cầu đi lại bị hạn chế đáng kể. Vietnam Airlines mới nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so với trước đại dịch.

Năm nay, "ông lớn" ngành hàng không Vietnam Airlines đặt mục tiêu lỗ ròng 9.335 tỷ đồng.

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền lý giải tại phiên họp thường niên rằng yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới ngành hàng không rất nhiều, đặc biệt là giá nhiên liệu. Giá dầu đang ở ngưỡng gấp đôi năm 2021 và Vietnam Airlines ước tính nếu giá vẫn giữ nguyên từ giờ đến cuối năm, chi phí của doanh nghiệp bị đội thêm 4.300 tỷ đồng.

Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực khác, theo ông Hiền, đến từ tỷ giá và lãi suất. Do đó, đại diện hãng cho rằng số lỗ mục tiêu 9.335 tỷ đồng trong năm nay "đã là một cố gắng, khá khiêm tốn và tích cực".

Bamboo Airways không thể đứng ngoài vòng xoáy của các hãng hàng không khi năm 2021 ghi nhận lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. 

Năm 2021 cũng là giai đoạn Bamboo Airways tăng vốn mạnh, từ 7.000 tỷ năm 2020 tăng lên 18.500 tỷ năm 2021. Tổng tài sản tăng mạnh từ 6.000 tỷ lên hơn 17.900 tỷ trong năm. Ngoài việc tăng vốn của chủ sở hữu, Bamboo Airways còn tăng gấp đôi nợ ngắn hạn lên 4.274 tỷ đồng và tăng gấp rưỡi nợ dài hạn lên 977 tỷ đồng để có thể chống chịu với cơn bão Covid-19.

Trên bảng cân đối kế toán của Bamboo Airways năm 2021 có khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 6.300 tỷ và phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 9.500 tỷ, gấp gần 4 lần số cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo tài chính của FLC, trong nửa đầu năm 2022 Bamboo Airways ước tính lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng - tức gần bằng mức lỗ của cả năm 2021.

Trước đó, Vietjet Air cũng báo lỗ hơn 100 tỷ quý 4/2021. Lũy kế cả năm 2021, hãng bay của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% còn 12.998 tỷ đồng. Lỗ gộp tăng 38% lên 1.953 tỷ đồng.

Trong hai năm gần đây, hoạt động của Vietjet nói riêng và các hãng hàng không nói chung bị ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 hoành hành và các đợt phong tỏa kéo dài. Biểu đồ sau đây cho thấy doanh thu năm 2021 của Vietjet chỉ bằng khoảng 1/4 trước dịch.

Ở cả hai năm 2020 và 2021, Vietjet đều lỗ gộp, nhưng nhờ có doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập bất thường khác, hãng bay này vẫn có lãi sau thuế.

Thái Bình
Bạn đang đọc bài viết Các hãng bay "oằn mình" gánh lỗ, đại gia quản lý sân bay ACV "khoe" lãi đậm tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan