Các khái niệm về vốn tại DNNN không còn phù hợp; lẫn lộn và sai lệch

07/04/2021, 10:50

TCDN - Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về vấn đề quản trị nhà nước đối với vốn đầu tư tại doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Phát biểu tại Hội thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69): Kết quả 05 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện các khái niệm về vốn không còn phù hợp; lẫn lộn và sai lệch về các loại vốn, tài sản, sở hữu tài sản thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu doanh nghiệp. Cụ thể, tại khoản 3 và 8 Điều 3 Luật số 69 quy định như sau, “Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp là việc Nhà nước sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước hoặc vốn từ các quỹ do Nhà nước quản lý để đầu tư vào doanh nghiệp”; “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.

Khi đầu tư vào doanh nghiệp, thì đổi lại là thành cổ đông, thành viên, và tài sản có được là số cổ phần, phần góp vốn tương ứng. Nhà nước giống như bất cứ nhà đầu tư khác đều đều có thể sử dụng mọi loại vốn có thể để đầu tư. Khi đã đầu tư, lấy sở hữu cổ phần và phần góp vốn, thì sau đó, tất cả là của doanh nghiệp; doanh nghiệp mua sắm tài sản, và trong bảng cân đối kế toán tương ứng với tài sản là nợ, tức là vốn của doanh nghiệp.

Như vậy, quy định hiện hành (Luật số 69) làm lẫn lộn và không phân biệt được về mặt pháp lý tài sản của doanh nghiệp và tài sản nhà nước.

Tương tự, khoản 9 Điều 3 Luật số 69 nêu, vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn do doanh nghiệp huy động.

“Vốn của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng như vậy, (không chỉ là doanh nghiệp do nhà nước “nắm giữ” 100% vốn điều lệ; đều gồm vốn cổ phần (ta hay gọi vốn chủ sở hữu) và vốn vay  dưới các hình thức khác nhau. Trong doanh nghiệp, thì chỉ có vốn doanh nghiệp mà không có vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” – TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, các nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định tại Điều 5 Luật số 69 vừa không chính xác, vừa không phải là “nguyên tắc”. Bởi, thứ nhất, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải tuân thủ tất cả các quy định pháp luật có liên quan chứ không chỉ pháp luật về đâu tư,  quản lý,  sử dụng vốn nhà nước.

Thứ hai, nếu có quy hoạch, thì đầu tư của tất cả thành phần kinh tế đều phải tuân thủ, chứ không phải chỉ đầu tư nhà nước.

Thứ ba, mục tiêu đầu tư không phải để hình thành và duy trì DNNN, mà phải xác định cụ thể khâu, công đoạn then chót là gì, và cần phải nắm dược gì ở công đoạn, khâu này (nắm giữ, phát triển công nghệ, hay một sản phẩm cốt lõi…).

Thứ tư, cơ quan chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước làm theo luật pháp.  Viết như khoản 4 có thể phù hợp trong nghị quyết của Đảng; nó không có ý nghĩa gì trong Luật số 69.

Thứ năm, chủ sở hữu (nhà đầu tư) phải dành nguồn lực hợp lý, sử dụng kiến thức, trí tuệ đa ngành, chuyên sâu, và công cụ phù hợp, hiện đại... để dự báo, dự đoán, theo dõi phân tích, đánh giá và hành động để đạt được mục tiêu với chi phí hợp lý; không qua người đại diện một cách đơn độc, hình thức như ở nước ta.

Thứ sáu, vấn đề chịu trách nhiệm phân theo cấp độ. Trong đó, Chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội về kết quả thực hiện chính sách chủ sở hữu; Cơ quan chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước chính phủ về kết quả thực hiện mục tiêu được giao (có thể toàn bộ hoặc một phần mục tiêu của chính sách sở hữu). HĐQT chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về kết quả đầutư, kinh doanh; và mỗi cổ đông có thẻ có mục tiêu khác nhau; có các cách thức và công cụ khác nhau để bảo vệ lợi ích và đạt mục tiêu của họ.

Thứ bảy, công khai minh bach về tất cả các vấn đề liên quan chứ không phải chỉ trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn….

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Các khái niệm về vốn tại DNNN không còn phù hợp; lẫn lộn và sai lệch tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan