Các nước bất an khi sức mạnh đồng USD tăng

15/04/2024, 19:13
báo nói -

TCDN - Tác động tiêu cực với nền kinh tế toàn cầu khi sức mạnh đồng USD tăng có thể là một trong những chủ đề nghị luận chính tại Hội nghị G20 sắp tới.

Nikkei Asia nhận định các quốc gia trên toàn cầu đang ngày càng cảnh giác trước sức mạnh của đồng USD.

Sự thống trị của đồng USD và tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế toàn cầu có thể là một trong những chủ đề chính trong quá trình thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm G20 vào ngày 20/4 tới tại Washington, Mỹ.

Nhật Bản và các nước phát triển khác cũng đang lo lắng về sự mất giá liên tục của đồng nội tệ. Phát biểu về cuộc họp G20 sắp tới, ông Shunichi Suzuki - Bộ trưởng Tài chính của Nhật Bản - nói rằng "có thể đồng USD sẽ nằm trong chương trình nghị sự".

Dấu hiệu đáng lo ngại

Đồng tiền của các quốc gia thành viên G20 hầu như mất giá so với đồng USD. Mức giảm kể từ đầu năm lên tới 8% đối với đồng yen của Nhật Bản và 5,5% đối với đồng won Hàn Quốc. Tuy nhiên, đồng tiền mất giá nặng nhất là lira của Thổ Nhĩ Kỳ, ở mức 8,8%.

Các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều chứng kiến đồng nội tệ suy yếu với tốc độ nhanh chóng, như đồng AUD của Australia, CAD của Canada và đồng euro giảm lần lượt 4,4%; 3,3% và 2,8%.

Nguyên nhân giúp sức mạnh đồng USD tăng là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất đang giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ công bố hôm 10/4 đã tăng cao hơn kỳ vọng của thị trường. Sau thông tin này, các loại tiền tệ lớn như đồng yen và euro tiếp tục giảm giá so với USD.

Các chính phủ ngày càng lo ngại về sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ. Riêng các nền kinh tế mới nổi đặc biệt nhạy cảm với tác động tiêu cực, khi gánh nặng nợ bằng đồng USD tăng lên cùng với chi phí lãi vay lớn hơn do lãi suất tăng.

dollar 2

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính việc USD tăng 10% trên thị trường tiền tệ sẽ đẩy GDP thực tế ở các nền kinh tế mới nổi giảm 1,9% sau một năm, với những tác động kinh tế bất lợi kéo dài hơn hai năm.

Vào năm 2022, khi sức mạnh của đồng USD tăng, Sri Lanka đã rơi vào tình trạng vỡ nợ do đồng tiền của nước này mất giá.

Hoạt động can thiệp của các nước

Vài quốc gia đã bắt đầu hành động. Ngày 1/4, ngân hàng trung ương Brazil lần đầu tiên can thiệp vào thị trường ngoại hối kể từ khi Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva nhậm chức. Mặc dù chính phủ và ngân hàng trung ương nước này chưa giải thích rõ, nhưng động thái được cho là nhằm điều chỉnh sự mất giá của đồng real (BRL).

Một số phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng ngân hàng trung ương Indonesia cũng quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng này. Mục tiêu là điều chỉnh mức giá của đồng rupiah đang ở mức thấp nhất trong 4 năm. Nhưng đồng rupiah càng có xu hướng giảm kể từ khi những thông tin này xuất hiện, vượt quá mốc quan trọng là 16.000 rupiah/USD.

Theo Reuters, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng lãi suất chính sách từ 5% lên 50% trong tháng 3 để đối phó với sự mất giá của đồng lira và lạm phát gia tăng.

Các nền kinh tế mới nổi đã cố gắng ngăn chặn đồng nội tệ mất giá bằng cách tăng lãi suất trước Fed vào năm 2021 và 2022, tuy nhiên sau đó nhiều quốc gia đã tạm dừng tăng lãi suất từ năm ngoái.

Ngay khi các quốc gia này đảo chiều chính sách tiền tệ thì việc Mỹ trì hoãn cắt giảm lãi suất khiến nhiều khả năng họ buộc phải tăng lãi suất trở lại.

Vào đầu năm nay, nhiều người tin rằng lãi suất của Mỹ sẽ giảm vào cuối năm và giá trị của đồng USD sẽ được đánh giá chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, thời điểm Mỹ cắt giảm lãi suất đang lùi, làm tăng nguy cơ đồng USD tăng giá kéo dài bất ngờ, có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi.

Bảo Long/Nikkei Asia
Bạn đang đọc bài viết Các nước bất an khi sức mạnh đồng USD tăng tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu trên 8 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong quý 1 đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD, theo công bố của Tổng cục Thống kê.