Cải thiện năng suất lao động để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia

19/04/2019, 10:20

TCDN - Trong khoảng một thập niên gần đây, năng suất lao động tại Việt Nam dù thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, nhưng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Điều này gợi ra những lo ngại về khả năng Việt Nam sẽ bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình ngay từ giai đoạn đầu.

Tăng năng suất chưa đủ nhanh để cất cánh


Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện liên tục, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua kém nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong tương quan so sánh với các thành viên ASEAN. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan… Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Sự hạn chế về năng suất lao động đã và đang trở thành rào cản, là yếu tố ngăn trở mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc đặt mục tiêu tăng năng suất lao động và tái cơ cấu lao động, kết hợp với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được đặt ra và cần được quan tâm hơn lúc nào hết.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, năng suất lao động của toàn nền kinh tế có xu hướng tăng dần theo thời gian nhưng còn chậm và không ổn định. So với các nước đã đạt được thành tựu kinh tế cao, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng năng suất đủ nhanh để cất cánh. Nếu xét theo thành phần kinh tế, năng suất lao động của khu vực FDI có xu hướng giảm dần, khu vực nhà nước và ngoài nhà nước tăng dần. Trong khi đó, năng suất lao động của khu vực ngoài quốc doanh là rất thấp, dù có cải thiện qua các năm.

Năng suất lao động của các ngành quan trọng chưa được cải thiện đáng kể. Theo đó, hai lĩnh vực là Công nghiệp và Xây dựng là nhóm ngành đóng góp gần 40% vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, năng suất lao động của các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm ngành như Công nghiệp chế biến, chế tạo (lần lượt chiếm khoảng 50% và 18% giá trị gia tăng của nhóm ngành) lại không tăng mà thậm chí còn giảm trong thời gian vừa qua.

Lý giải nguyên nhân của việc năng suất lao động của Việt Nam thấp, tăng trưởng chưa được như mong muốn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tuy Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng năng suất lao động lại ko tăng trưởng được như mong muốn và phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn. Khu vực công nghiệp lại có năng suất lao động thấp, những ngành Việt Nam đổ nhiều vốn nhất để đầu tư như khai thác công nghiệp, than khoáng sản, xây dựng thì đều có mức năng suất lao động rất thấp.

Xét về yếu tố doanh nghiệp, cả 3 khu vực doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân đều có năng suất lao động tương đối thấp, tuy doanh nghiệp FDI có năng suất lao động cao hơn nhưng vẫn thuộc hàng thấp trên thế giới. Đồng thời, do tính lan tỏa của của khu vực doanh nghiệp FDI cho các nền kinh tế khác trong nước lại không được bao nhiêu nên cũng không đẩy mạnh được năng suất lao động của các khu vực khác.

Còn doanh nghiệp tư nhân do nhỏ về quy mô đi cùng với đó là việc tiếp cận nguồn vốn, còn sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp cũng dẫn đến việc năng suất lao động của khu vực tư nhân là thấp nhất trong khi đáng lẽ năng suất lao động của khu vực tư nhân phải cao hơn.

Bên cạnh đó, còn nhiều nhân tố không kích thích được năng suất của Việt Nam, khoảng cách giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực ngày càng giãn ra và không thu hẹp được. Các chính sách thúc đẩy tăng năng suất lao động ban hành nhiều nhưng tổ chức thực thi còn kém cũng là những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam chưa được như mong muốn.

Phát động và triển khai Phong trào năng suất quốc gia


Bàn về các giải pháp cải thiện năng suất lao động, nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đúng và chú trọng cho hoạt động đầu tư mua sắm, thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại để hỗ trợ người lao động, tạo môi trường làm việc thuận lợi, tiến tiến để nhân công có thể tận dụng, phát huy tối đa năng lực và từ đó cũng nâng cao năng suất lao động...

Đồng thời, cũng phải làm rõ, năng suất ko chỉ là về vấn đề con người mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chính vì vậy, cần lập hội đồng năng suất quốc gia và tìm ra nguyên nhân năng suất lao động của Việt Nam bị “kẹt” là do đâu? Từ đó, có biện pháp khắc phục.

TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, để có giải pháp căn cơ nâng cao sức lao động của Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cần phát động và triển khai Phong trào năng suất quốc gia” tại Việt Nam. Phong trào sẽ tập trung xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động quảng bá, tạo nhận thức sâu rộng về năng suất, chất lượng; thúc đẩy phong trào năng suất trong các DN, tổ chức kinh tế thông qua Giải thưởng Top 100 DN cải thiện năng suất cao nhất… Để làm được điều đó cần xây dựng các công cụ chính sách, cải cách giáo dục - đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, chúng tôi đề xuất chọn 1 tháng trong năm làm Tháng Năng suất quốc gia (dự kiến tháng 11 trong năm) nhằm cải thiện năng suất lao động.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ông Kunio Umeda cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất tốt, đã và đang có những cơ hội tạo ra những bước tăng trưởng nhảy vọt nhưng đáng tiếc năng suất lao động của Việt Nam chỉ đứng thứ 3 ASEAN từ dưới lên. Việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam rất quan trọng, Nhật Bản sẵn sàng đầu tư cải cách hành chính, chính sách, hỗ trợ nhân lực, mong phối hợp cùng VCCI thực hiện các chính sách giúp nâng cao năng suất lao động của Viêt Nam.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản cho biết, nhiều nước đã xây dựng và thực hiện thành công phong trào năng suất quốc gia tiêu biểu như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Việt Nam muốn xây dựng thành công phong trào năng suất quốc gia cần tập trung các yếu tố từ cam kết của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến nâng cao nhận thức quốc gia và có các biện pháp thực thi hiệu quả, phải tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia về năng suất lao động. Tất cả mọi đối tượng trong xã hội từ bộ trưởng, cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp đến người lao động, nông dân và học sinh, sinh viên… cần nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của năng suất lao động đối với cá nhân và đất nước.



Hoàng Ngọc - Tạp chí TCDN số 4/2019
Bạn đang đọc bài viết Cải thiện năng suất lao động để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận