Cần làm gì để đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD năm nay?

17/07/2020, 15:36

TCDN - Theo Bộ Công Thương, sau nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu đang dần tăng trưởng trở lại. Trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn, hy vọng sẽ đạt mục tiêu 300 tỷ USD như kế hoạch đề ra.

Theo Tổng cục Hải quan, chỉ tính trong kỳ 2 tháng 6 (từ ngày 16-30/6), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 22,61 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 2,05 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 6/2020.

Như vậy, bình quân mỗi ngày trong nửa cuối tháng 6, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 1,5 tỷ USD, cao hơn so với con số bình quân 1,33 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 6 giúp đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 240,12 tỷ USD.

Trong kỳ 2 tháng 6, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,73 tỷ USD đưa mức thặng dư trong 2 quý đầu năm 2020 đạt 5,46 tỷ USD, là mức thặng dư sau 6 tháng cao nhất từ trước đến nay.

photo1526787668837-15267876688372000604420

Theo Bộ Công Thương, sau nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu đang dần tăng trưởng trở lại. Trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Bên cạnh đó, kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong nửa đầu năm cũng tương đối khả quan, tăng 11,7% so với cùng kỳ, thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh.

Kết quả này cũng cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không còn chỉ phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng mở ra một cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm nay và những năm tới.

Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

Cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP cũng đang rất lớn, mở ra tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu những tháng tới.

Làm gì để xuất khẩu đạt mục tiêu 300 tỷ USD ?

Đánh giá tình hình năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức. Tình hình thế giới về chính trị và thương mại còn diễn biến phức tạp.

Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là cần tiếp tục tạo điều kiện ổn định về vĩ mô và tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phục vụ cho hợp tác của Việt Nam với các đối tác, tiếp tục tăng cường phát triển năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng như tham gia thương mại quốc tế.

Kết quả xuất khẩu ngành dệt may được kỳ vọng nhiều vào những tháng cuối năm.

Kết quả xuất khẩu ngành dệt may được kỳ vọng nhiều vào những tháng cuối năm.

Để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, cần bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, đóng góp tích cực cho tăng trưởng; tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; thực hiện đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Đồng thời, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.

Còn theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2020 thì cần tạo được tính liên kết giữa các bộ phận của nền kinh tế.

Tức là để đạt 300 tỷ USD thì không chỉ có sự cố gắng của doanh nghiệp xuất khẩu mà còn phải tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực...

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Cần làm gì để đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD năm nay? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Kim ngạch XNK Việt Nam - Hoa Kỳ đạt hơn 31 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 25,11 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ 2019 và chiếm 25,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, nước ta nhập khẩu lượng hàng hóa từ nước này trị giá 6 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,71 tỷ USD trong nửa đầu 2020
Trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai gây nhiều khó khăn, tình hình xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2020. Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, lượng gạo xuất khẩu tiếp tục tăng do nhu cầu gạo trên thế giới tăng.