Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,71 tỷ USD trong nửa đầu 2020
TCDN - Trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai gây nhiều khó khăn, tình hình xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2020. Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, lượng gạo xuất khẩu tiếp tục tăng do nhu cầu gạo trên thế giới tăng.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 5/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750.000 tấn, trị giá 395 triệu USD.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, lượng gạo xuất khẩu tiếp tục tăng do nhu cầu gạo trên thế giới tăng. Gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, tác động xấu đến hoạt động xuất/nhập khẩu...
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 39,9% thị phần, khối lượng đạt 1,3 triệu tấn và 598,6 triệu USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 42,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, xuất khẩu gạo cũng ghi nhận sự tăng trưởng lớn tại một số thị trường như: Senegal tăng gấp 18,3 lần; Indonesia gấp 2,9 lần; Trung Quốc gấp 2,3 lần… Về chủng loại, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38,0% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm 38,0%; gạo nếp 19,6%; gạo Japonica và gạo giống Nhật 4,2%...
Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 43,046 triệu baht (tương đương 1,387 tỷ USD), giảm mạnh 32,1% về lượng và 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
GS-TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhận định, đây là một tín hiệu rất tốt, bằng chứng cho thấy, Việt Nam có đủ lượng gạo chất lượng cao - yếu tố quan trọng để đưa giá gạo Việt lên cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu cả năm có thể đạt 8 triệu tấn
Với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo của thế giới tăng cao từ khi Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp thương mại gạo nước ta đang có cơ hội tăng sản lượng và giá xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nhận định, giá gạo xuất khẩu tháng 5 tăng mạnh, nhưng sang đầu tháng 6 bắt đầu chững lại vì nhiều thị trường lớn đang tạm ngưng ký hợp đồng để chờ giá xuống. Tuy nhiên, tính chung, giá gạo năm 2020 tăng 25 - 30% so với năm ngoái và dự báo đến cuối năm, gạo vẫn tiếp tục giữ giá tốt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn trong năm 2020, tuy nhiên, con số này có thể lên 8 triệu tấn. Với mức giá xuất khẩu trung bình 480 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2020 của Việt Nam có thể đạt 3,9 tỷ USD.
Nhìn nhận về những con số này, ông Bình cho rằng, giá gạo xuất khẩu năm nay tăng không phải vì Covid-19, mà phần lớn nhờ giá trị hạt gạo Việt được đối tác đánh giá cao. “Covid-19 chỉ tác động thêm, tạo thuận lợi để tăng xuất khẩu gạo, chứ không phải nhờ dịch bệnh mà giá xuất khẩu gạo Việt tăng. Từ trước khi Covid-19 xảy ra, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã tăng khá tốt”, ông Bình phân tích
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã có bước chuyển tích cực. Hiện lượng gạo cao cấp và gạo thơm chiếm trên 60% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12%. Cách đây 10 năm, tỷ lệ xuất khẩu gạo cao cấp, gạo thơm chiếm chưa đến 10%.
Động lực mới cho xuất khẩu gạo
Lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có thêm động lực mới đến từ Liên minh châu Âu (EU), khu vực thị trường khó tính, đòi hỏi chuẩn cao khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn vào đầu tuần này, dự kiến có hiệu lực từ tháng 8 tới.
Với cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899