Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có gì mà khiến nguyên dàn lãnh đạo Bình Thuận vướng lao lý?

08/05/2024, 13:30
báo nói -

TCDN - Tính tới thời điểm hiện tại, có 12 trường hợp nguyên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận và các sở, ngành trực thuộc đã bị Bộ Công an khởi tố vì liên quan đến Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Căn cứ kết quả điều tra ngày 10/2/2022 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định mở rộng điều tra, tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và một số dự án khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Phối cảnh dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Phối cảnh dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Dự án gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng

Theo thông tin đã được công bố, Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nằm trên diện tích đất tiền thân là sân golf Phan Thiết, tọa lạc tại phường Phú Thủy, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với diện tích hơn 62ha.

Trước đây, chủ đầu tư dự án sân golf Phan Thiết là Công ty Regent Internationnal Overseas Corp (vốn 100% nước ngoài) được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy phép ngày 27/7/1993. Đây là dự án có vòng đời 50 năm.

Tháng 9/2013, nhà đầu tư nước ngoài đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn tại doanh nghiệp dự án (Công ty GolfCâu lạc bộ golf Phan Thiết, nay là Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết) cho Công ty cổ phần Rạng Đông.

Sau đó, theo đề nghị của Công ty cổ phần Rạng Đông, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp vào ngày 4/3/2014 với đầy đủ các thủ trưởng sở ngành, đoàn thể… trước khi Ban Thường vụ tỉnh ủy Bình Thuận thống nhất để UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi toàn bộ diện tích (62ha) đất sân golf sang xây dựng khu đô thị.

Đến ngày 26/3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận thay đổi lần thứ 6, với việc điều chỉnh nội dung từ đất sân golf sang khu đô thị biển Phan Thiết do Công ty cổ phần Rạng Đông làm chủ đầu tư.

Một góc khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đức Trong (Tuổi Trẻ)

Một góc khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đức Trong (Tuổi Trẻ)

Ngày 25/11/2015, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho phần diện tích gần 36,4ha (gồm đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, chiếm 58,57% diện tích dự án). Phần còn lại là diện tích không thu tiền sử dụng đất là 25,7 ha.

Theo đó, tổng số tiền sử dụng đất mà Công ty CP Rạng Đông phải nộp là 936,8 tỷ đồng. Tính chi tiết ra, giá đất bình quân chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thực tế tại thời điểm đó ở Tp. Phan Thiết và các tuyến đường nằm quanh dự án cao gấp 5 lần trở lên so với giá đất mà UBND tỉnh Bình Thuận áp vào dự án này của Rạng Đông.

Đó cũng là lý do khiến Dự án có nhiều lùm xùm, đơn thư tố cáo của công dân như xác định giá đất thấp gây thiệt hại ngân sách, không bố trí 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội…

Đến tháng 10/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có thông báo về kết luận giám định tài sản. Theo đó, kết quả định giá quyền sử dụng đất dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại thời điểm 10/4/2015 đến 25/11/2015 là hơn 2.863 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền mà tỉnh Bình Thuận đã áp thu đối với dự án nêu trên thấp hơn khoảng 1.900 tỷ đồng so với kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ.

Tập đoàn Rạng Đông hoạt động ra sao?

Công ty CP Rạng Đông (sau đổi tên là Tập đoàn Rạng Đông) do doanh nhân Nguyễn Văn Đông làm chủ tịch, hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực như thi công xây dựng các công trình cầu đường, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng và công nghiệp...; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến đồ gỗ; cơ khí; trồng rừng, trồng cao su; đầu tư xây dựng các khu dân cư, các khu du lịch phức hợp (resort, khách sạn, sân golf,…) và đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức hợp đồng BOT.

Sau nhiều lần tái cấu trúc, Công ty cổ phần Rạng Đông trở thành Tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất tại tỉnh Bình Thuận với hơn 15 công ty thành viên và hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư – xây dựng; khoáng sản kim loại; thương mại, dịch vụ và vật liệu xây dựng.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tháng 8/2016, Công ty CP Rạng Đông tăng vốn điều lệ từ 1.050 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật Nguyễn Văn Đông góp 1.056 tỷ đồng, tương đương 96% vốn góp, cổ đông còn lại là Huỳnh Tịnh Túy góp 22 tỷ đồng, tương đương 2% cổ phần.

Một biệt thự tọa lạc tại Dự án Khu đô thị biển, Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: CAND

Một biệt thự tọa lạc tại Dự án Khu đô thị biển, Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: CAND

Đến tháng 1/2018, vai trò người đại diện pháp luật của doanh nghiệp chuyển từ ông Nguyễn Văn Đông sang ông Nguyễn Ngọc Lân sinh năm 1997, ông Lân được giới thiệu giữ vị trí Tổng giám đốc.

Tới tháng 6/2019, doanh nghiệp này tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.804 tỷ đồng, Chủ tịch Nguyễn Văn Đông góp 1.749 tỷ đồng, tương đương 97% vốn góp ở lần thay đổi này.

Khoảng 4 tháng sau (tức tháng 10/2019), doanh nghiệp này tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ từ 1.804 tỷ đồng lên 2.345,656 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở lần thay đổi này vốn góp của các cổ đông không được công bố chi tiết. Đến tháng 6/2020, một lần nữa doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên gần 3.137 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố chi tiết. Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Lân tiếp tục là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Đến tháng 1/2017, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty chuyển từ ông Nguyễn Ngọc Lân sang bà Trịnh Thị Phương Hiền sinh năm 1981. Đến lần thay đổi vào tháng 8/2021, vốn điều lệ của doanh nghiệp tiếp tục tăng lên tới 4.500 tỷ đồng, bà Hiền vẫn giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và cũng không nêu rõ cơ cấu cổ đông.

Theo thông tin được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố, Tập đoàn Rạng Đông từng đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng khi nắm giữ 32,7 triệu cổ phần, tương đương 7,35% vốn tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – Mã CK: VAB) từ năm 2015. Tuy nhiên, thàng 7/2021, Công ty CP Rạng Đông đã bán ra gần 11 triệu cổ phiếu VAB, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 21,7 triệu cổ phiếu, tương đương 4,88% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của VietABank.

Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư một loạt dự án đáng chú ý tại Bình Thuận như khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City (dự án Sân Golf Sea Link Phan Thiết) rộng 167 ha (phường Phú Hài, Tp. Phan Thiết); dự án khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha (huyện Hàm Thuận Bắc); dự án khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha (huyện Bắc Bình).

Trong lĩnh vực xây lắp, Công ty CP Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài. Ngoài ra, Rạng Đông Group còn thi công các dự án khác, góp phần chỉnh trang đô thị thành phố biển như Công viên Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 55…

Từ năm 2016, Công ty CP Rạng Đông cũng đã trúng thầu hợp đồng BOT xây dựng sân bay Phan Thiết, có tổng mức đầu tư 1.548,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồi cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận liên quan hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (Dự án). Qua đó, chấm dứt hợp đồng BOT với doanh nghiệp này và đưa ra cơ chế lựa chọn nhà đầu tư mới cho Dự án.

Trong lĩnh vực khai khoáng, Rạng Đông Group là chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (xã Hàm Kiệm, trữ lượng 101.768 m3); khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân).

Võ Chí Kiên
Bạn đang đọc bài viết Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có gì mà khiến nguyên dàn lãnh đạo Bình Thuận vướng lao lý? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan