"Cạnh tranh ưu đãi thuế và đất đai thu hút FDI là cuộc đua xuống đáy"

11/11/2020, 16:32
báo nói -

TCDN - Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Sáng lập viên và Cố vấn trưởng, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: “Trong khi cạnh tranh về môi trường kinh doanh là cuộc đua để dẫn đầu, cạnh tranh về các ưu đãi thuế và đất đai thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một cuộc đua xuống đáy”.

Liên tục giảm thuế TNDN, giảm tiền thuê đất

Ngày 11/11, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng PRAKARSA tại Indonesia dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Towards sustainable FDI attraction in ASEAN: Business environment as the key driver” (Hướng tới thu hút FDI bền vững tại ASEAN: Môi trường kinh doanh là động lực chính).

Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Hướng tới phát triển ASEAN bền vững: Cải thiện môi trường kinh doanh chứ không phải cạnh tranh ưu đãi thuế và đất đai là chìa khóa để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”.

Báo cáo nêu rõ, trong vòng 10 năm qua, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia.

Các nước ASEAN đang có cạnh tranh ưu đãi thuế và đất đai trong việc thu hút đầu tư FDI.

Các nước ASEAN đang có cạnh tranh ưu đãi thuế và đất đai trong việc thu hút đầu tư FDI.

Mức thuế suất TNDN trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020. Ngoài việc cắt giảm thuế suất thuế TNDN, việc áp dụng các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận để thu hút FDI, như ân hạn thuế cũng rất phổ biến ở quốc gia ASEAN. Chi phí của các ưu đãi thuế dư thừa có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại. Việc cắt giảm thuế TNDN quá mức gây ra mối đe dọa đối với thu ngân sách quốc gia dưới hình thức chi qua thuế. Thất thu ngân sách do ưu đãi thuế doanh nghiệp ước tính bằng 6% GDP ở Campuchia và 1% ở Việt Nam và Philippines.

Báo cáo cũng chỉ ra, bên cạnh các ưu đãi thuế, việc sử dụng các ưu đãi phi thuế cũng phổ biến ở các nước ASEAN và góp phần làm trầm trọng thêm cuộc đua xuống đáy trong khu vực. Cạnh tranh trong việc cung cấp các ưu đãi phi thuế được thể hiện rõ nét ở các ưu đãi về đất đai. Các hình thức cho thuê đất dài hạn có mặt ở tất cả các quốc gia ASEAN, Thái Lan thậm chi còn cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đất trong một số trường hợp đặc biệt.

“Những ưu đãi thuế và phi thuế không cần thiết này ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn thu nội địa của các quốc gia, từ đó sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu cho các dịch vụ công thiết yếu nhằm chống đói nghèo và giảm bất bình đẳng. Điều vô lý là những chính sách này không hẳn có hiệu quả thiết thực trong việc thu hút dòng vốn FDI như các nhà hoạch định chính sách thường nghĩ”, ông Nguyễn Đức Thành cho hay.

Loại bỏ những ưu đãi về thuế với thời hạn nhất định

“Các nước ASEAN cần hành động nhất quán cùng nhau trong cuộc chiến chống đối nghèo cho cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực. Đã đến lúc phải nhìn nhận rằng các ưu đãi thuế và phi thuế đang làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội và không phải là chìa khóa hướng tới đầu tư nước ngoài bền vững.

Mỗi chính phủ cần có nguồn thu ngân sách bền vững để đầu tư cho y tế và giáo dục cũng như các dịch vụ công khác nhằm đầu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng; vì vậy, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần đoàn kết và cùng ưu tiên việc cải thiện môi trường kinh doanh thay vì đưa ra các ưu đãi không có hiệu quả”, ông Mustafa Talpur, Quản lý cấp khu vực Chiến dịch Thu hẹp khoảng cách, Oxfam tại châu Á nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc cấp ưu đãi đất đai, đặc biệt là kéo dài thời hạn thuê đất, thiếu minh bạch có thể làm tăng nguy cơ tham nhũng

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc cấp ưu đãi đất đai, đặc biệt là kéo dài thời hạn thuê đất, thiếu minh bạch có thể làm tăng nguy cơ tham nhũng

Báo cáo đưa ra 5 khuyến nghị. Thứ nhất, cần lập danh sách trắng và đen về ưu đãi thuế. ASEAN cần quy định các loại hình ưu đãi thuế không được phép sử dụng và đưa chúng vào danh sách đen, đồng thời đưa ra lộ trình loại bỏ những ưu đãi này trong khu vực với thời hạn nhất định.

Đồng thời, ASEAN nên thống nhất một danh sách trắng quy định những ưu đãi thuế có thể được cho phép và chấp nhận áp dụng trong khu vực. Danh sách đen nên bao gồm các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận, ví dụ: các ưu đãi thuế tạo ra mức thuế suất thấp cho lợi nhuận chịu thuế như ân hạn thuế, miễn thuế, chuyển lỗ, và thuế suất ưu đãi.

Cần áp dụng một cơ chế khu vực giám sát các chính sách thuế và cùng đồng thuận những ưu đãi nào nên được liệt kê vào danh sách đen hoặc danh sách trắng. Cơ chế này cần minh bạch và có sự tham gia thực chất của đại diện của các chính phủ, chuyên gia quốc tế, tổ chức xã hội, và giới học thuật tại ASEAN.

Thứ hai, các nước ASEAN cần ngăn chặn cuộc cạnh tranh trong việc cung cấp các ưu đãi về đất đai để thu hút FDI, bởi chúng gây ra những tác động tiêu cực đối với cộng đồng bản địa tạo ra xung đột đất đai và bất bình đẳng trong thu nhập. Miễn tiền thuê đất nên được loại bỏ dần khỏi các gói ưu đãi đất đai.

Thay vì đưa ra các ưu đãi về đất đai, các nước ASEAN cần phối hợp sử dụng nguồn lực và ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng như đường và các tiện ích dịch vụ, đặc biệt trong các khu công nghiệp và kinh tế, nhằm mục đích thu hút FDI.

Thứ ba, để ngăn chặn cuộc đua xuống đáy, các nước ASEAN cần quy định một mức thuế TNDN tối thiểu và đảm bảo không đưa ra các ưu đãi thuế TNDN khiến cho thuế trung bình thực nộp hạ xuống dưới mức thuế suất tối thiểu. Tỷ lệ thích hợp được đề xuất nằm trong khoảng 12,5% đến 20%.

Điều này sẽ bảo vệ nguồn thu từ thuế của các quốc gia và ngăn chặn vấn đề hoạch định chính sách có lợi cho nước mình nhưng có hại cho các nước láng giềng vẫn đang tồn tại hiện nay.

Thứ tư, báo cáo khuyến nghị các nước ASEAN nên có thống nhất về các quy tắc ưu đãi bao gồm thời hạn và tiêu chí lựa chọn người nhận rõ ràng cho từng ưu đãi thay vì cung cấp ưu đãi cho các công ty một cách tùy tiện. Các quốc gia thành viên cũng cần tạo dựng một cơ chế minh bạch và có trách nhiệm giải trình để báo cáo lại các ưu đãi đã cấp nhằm củng cố sự hợp tác trong toàn khu vực.

Thứ năm, các quốc gia thành viên ASEAN cần thống nhất danh sách các yếu tố môi trường kinh doanh quyết định trong việc thu hút FDI. Các quốc gia cũng nên xếp hạng hoặc phân loại các yếu tố theo mức độ quan trọng của chúng. Những ưu tiên hàng đầu mà tóm tắt này đề xuất là (i) độ mở của nền kinh tế, (ii) giảm gánh nặng hành chính trong kinh doanh, và (iii) phát triển nguồn nhân lực.

Song song với đó, các quốc gia cần có những hành động thiết thực để cải thiện các chỉ số khác về môi trường kinh tế vĩ mô và chất lượng thể chế như tự do kinh tế, hiệu quả chính phủ, chất lượng pháp lý, chất lượng cơ sở hạ tầng và khả năng hấp thụ công nghệ.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết "Cạnh tranh ưu đãi thuế và đất đai thu hút FDI là cuộc đua xuống đáy" tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

10 tháng các khu công nghiệp thu hút gần 600 dự án FDI mới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước tính trong 10 tháng năm 2020, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được 591 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,3 tỷ USD.
Chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI đã đến hồi cảnh báo
Phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội ngày 3/11, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) khẳng định, hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng đã đến hồi cảnh báo.
Chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI còn nhiều bất cập
Cần đánh giá lại các chính sách về mục tiêu, tác động, chi phí, lợi ích để đảm bảo chống thất thu ngân sách nhà nước và bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế khi các chính sách ưu đãi thuế để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang bộc lộ nhiều bất cập.