Bà Vũ Diệu Trang, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam tâm sự, khi dịch COVID-19 xảy ra, giáo dục và du lịch là những ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và dài hơn so với các ngành khác. Là trung tâm tiếng anh đầu tiên hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995, đứng trước thách thức đại dịch COVID-19, Apollo Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để có thể tồn tại, giữ vững mục tiêu của mình.
Đai dịch COVID-19 trong 2 năm qua ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Apollo vẫn đang duy trì hoạt động dạy và học, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình?
Ngay từ đợt dịch đầu tiên, là một lãnh đạo doanh nghiệp, tôi đã phải đối mặt với sự lựa chọn như dừng tất cả hoạt động để bảo vệ khả năng sinh tồn cho doanh nghiệp đồng nghĩa với việc cho học viên nghỉ hay tiếp tục hoạt động dạy học của mình mà chưa biết doanh nghiệp có thể tồn tại được bao lâu.
Học ngoại ngữ là cả một quá trình, gián đoạn học tập có nghĩa là đánh mất thành quả học tập mà nhà trường, bố mẹ và học viên đã tích lũy trong suốt thời gian dài. Apollo sẽ làm gì để học viên của mình không bị bỏ lại phía sau và quan trọng hơn là giúp các học viên tiếp tục tiến bộ, chinh phục sự tự tin thông qua tiếng Anh.
Vì vậy ngay sau thông báo nghỉ dịch, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình sản phẩm mới, từ hình thức trực tiếp tại trung tâm sang hình thức trực tuyến. Apollo là trung tâm tiếng Anh đầu tiên cung cấp học trực tuyến tiếng Anh tại nhà thông qua chương trình Apollo@home ngay từ những ngày đầu đại dịch bùng nổ. Và kể từ đó đến nay qua 4 đợt dịch chúng tôi vẫn luôn tìm kiếm các giải pháp để không ngừng đổi mới và nâng cao trải nghiệm dạy và học đồng thời đảm bảo được kết quả cho các học viên. Đó là lý do chúng tôi có thể duy trì hoạt động đến ngày hôm nay.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không hề dễ dàng. Giai đoạn đầu chỉ có một số ít các học viên tham gia học với rất nhiều bỡ ngỡ. Sau 4 đợt giãn cách vì dịch COVID-19 thông qua các cải tiến về phương pháp giảng dạy, giáo trình với sự trợ giúp từ công nghệ, tỷ lệ học viên học trực tuyến của chúng tôi đã dần ổn định.
Điều đáng nói là học viên của chúng tôi luôn có sự tiến bộ mỗi ngày. Sự thành công lớn nhất của Apollo trong thời gian dịch bệnh chính tinh thần kiên cường và luôn học hỏi đã được bồi đắp trong hơn 25 năm qua, đặc biệt là yếu tố con người trong tổ chức: từ nhân viên Việt Nam đến giáo viên nước ngoài, từ đội ngũ lãnh đạo đến đội nhóm trung tâm. Một tư duy rõ ràng được khẳng định là chúng tôi không để lại một học viên nào phía sau. Thế giới luôn luôn biến đổi và một trong những nhiệm vụ của Apollo là chuẩn bị hành trang tốt nhất để các con có thể luôn tiến bước tự tin và thích ứng với sự thay đổi. Điều này không chỉ gói gọn trong các bài học ngôn ngữ mà còn giúp hình thành thói quen học tập tốt cho học viên. Chính điều này luôn thôi thúc chúng tôi tiếp tục có những cải tiến mới trong thời gian tiếp theo.
Apollo Việt Nam vừa được vinh danh là Doanh nghiệp Quản trị tốt nhất Việt Nam, bà có thể chia sẻ cụ thể về chiến lược của Công ty?
Hướng đến sự bền vững là nguyên tắc cơ bản khi doanh nghiệp hoạch định chiến lược. Tại Apollo English, chúng tôi luôn lấy học viên làm trọng tâm trong mọi hoạt động của mình. Nguyên tắc được đồng bộ từ tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược và đây cũng là điều chúng tôi luôn hướng tới. Chúng tôi không ngừng học hỏi, cải thiện mỗi ngày. Đáp ứng sự hài lòng, mong đợi của người học, thấu hiểu phụ huynh và với gần 30 năm kinh nghiệm để từ đó hỗ trợ bố mẹ và các con tốt hơn là kim chỉ nam khi lên chiến lược cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng coi trọng yếu tố con người. Với một bộ máy, con người luôn là yếu tố tiên quyết. Tất cả các doanh nghiệp đều định vị hướng đến sự bền vững. Nhưng, đồng thời, chúng tôi cũng có những cam kết. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng thế hệ trẻ Việt Nam và hỗ trợ tích cực nhất cho việc học tập để thúc đẩy tiềm năng của các em thông qua sự tự tin với tiếng Anh. Bên cạnh đó, Apollo cũng không ngừng tìm hiểu nhu cầu, cố gắng hiểu được mong muốn của phụ huynh, đồng thời học hỏi những xu hướng mới nhất tại những thị trường bên ngoài Việt Nam. Từ đó, chúng tôi không ngừng đổi mới để tìm ra những điều tốt nhất cho học sinh Việt. Đó là cách chúng tôi hướng đến sự bền vững.
Trong 2 năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, bà đánh giá như thế nào về các chính sách đó?
Trong thời gian qua, tôi thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm và có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi mong tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách sớm đi vào thực tiễn và có hiệu quả thực chất.
Đơn cử như chúng tôi là một doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục với hơn 1.000 lao động trong đó đến 50% là người nước ngoài nhưng khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận sự hỗ trợ thuế, bảo hiểm; tiến độ gia hạn visa cho người nước ngoài, tiêm vaccine… cũng bị chậm nhịp.
Tôi mong nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ với các chính sách nhất quán, dài hạn và thực tiễn, cụ thể như: với đặc thù người lao động đều là các giáo viên nước ngoài, do vậy, trong thời gian này cần nới lỏng chính sách gia hạn visa và giấy phép lao động, đặc biệt có những hỗ trợ về thuế thu nhập cho số lao động nước ngoài là giáo viên tiếng Anh, hỗ trợ giảm miễn việc đóng bảo hiểm xã hội, BHYT và BHTN cho cả người Việt Nam và nước ngoài trong thời gian doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và 6 tháng sau khi hoạt động trở lại để hồi phục hoạt động.
Bà vừa nói, giáo dục là ngành ảnh hưởng lâu dài nhất, để phát triển được, theo bà cần làm gì?
Tôi phải nói rằng giai đoạn vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất đối với doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, khó khăn cũng là cơ hội để thử thách và bắt buộc doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững hơn
Tôi tin rằng, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tin ở phía trước. Cùng với các thay đổi linh hoạt, đặt khách hàng làm trọng tâm sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn dịch bệnh và hồi phục sau này.
Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm. Vì vậy, chúng tôi cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các ngành ổn định và có tính dài hạn để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững.
Qua đại dịch, Apollo nhìn thấy tương lai mới và doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi trong bất cứ tình huống nào. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện mô hình dạy học trong tình hình mới. Nhu cầu giáo dục là nhu cầu thiết yếu và là cơ hội nếu doanh nghiệp giáo dục tập trung cải tiến chiến lược kinh doanh dài hạn với mục tiêu phát triển bền vững.
Xin cảm ơn bà!
Thực hiện: Thanh Phương
Thiết kế: Mai Nguyễn