CEO Masan High-Tech Materials từ nhiệm
TCDN - Ông Craig Richard Bradshaw vừa nộp đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị trước khi hết nhiệm kỳ, đồng thời rút khỏi ghế Tổng giám đốc của Masan High-Tech Materials từ ngày 1/1/2025.
Sau khi ông Craig Richard Bradshaw nộp đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị, Công ty cũng đã nghị quyết thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc từ nhiệm của ông Bradshaw, đồng thời bổ nhiệm ông Ashley McAleese vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ông Bradshaw, sinh năm 1971, tốt nghiệp Cử nhân Kinh doanh tại Đại học Southern Queensland, Australia, từng đảm nhận nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các công ty quốc tế trước khi làm CEO Masan High-Tech Materials năm 2018.
Ông được biết đến là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp được trả lương và thù lao lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Theo báo cáo tài chính được công bố, năm 2021, ông được trả thù lao tới hơn 39 tỷ đồng. Năm 2022, thu nhập của ông là là 23,8 tỷ đồng.
Dưới thời của ông Bradshaw, công ty ghi nhận tăng trưởng doanh thu nhưng lợi nhuận lại đi xuống, với 9/10 quý gần đây báo lỗ, qua đó bào mòn gần như toàn bộ thành quả lãi lũy kế trước đó đã gây dựng.
Tính đến quý 3/2024, lợi nhuận chưa phân phối của công ty giảm mạnh từ hơn 3.000 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 33 tỷ đồng.
Riêng quý 3, công ty lỗ ròng 334 tỷ đồng, đưa lũy kế chín tháng đầu năm lên 1.467 tỷ đồng – mức thua lỗ thuộc hàng cao nhất trong ngành trên sàn chứng khoán.
Mỏ Núi Pháo, dự án trọng điểm của Masan High-Tech Materials, là tâm điểm gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Masan đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào mỏ này từ năm 2010, nhưng lợi nhuận thu về chưa tương xứng.
Năm ngoái, việc gián đoạn hoạt động nổ mìn khiến sản lượng khai thác giảm, chi phí tăng cao, và công ty lỗ kỷ lục 1.575 tỷ đồng, bất chấp doanh thu vượt 14.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ được lý giải là chi phí sản xuất ở mỏ Núi Pháo tăng cao trong khi nhu cầu toàn cầu suy yếu. Hiệu quả kinh doanh còn chịu ảnh hưởng bất lợi từ lãi suất tăng cao.
Núi Pháo là một trong những mỏ có trữ lượng Vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới ở ngoài Trung Quốc, được xem như nguồn cung Vonfram an toàn và đáng tin cậy cho các nhà sản xuất ô tô, máy bay mà không có khoáng chất hay chất hóa học khác có thể thay thế.
Tháng 6 năm ngoái, Masan High-Tech Materials hoàn tất thỏa thuận mua lại Chemitas, một công ty cung cấp dịch vụ kho vận, quản lý năng lượng và quản lý chất thải có trụ sở tại Goslar, Đức.
Đây được đánh giá là bước đi chiến lược giúp công ty kiểm soát chuỗi cung ứng Vonfram, tăng cường năng lực sản xuất và hậu cần, đồng thời phù hợp với chiến lược kiến tạo các giải pháp cho khách hàng toàn cầu.
Tuy vậy, từ giữa năm ngoái, hoạt động nổ mìn tại mỏ Núi Pháo bị gián đoạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng quặng được khai thác và chế biến. Điều này khiến chi phí hoạt động của công ty Núi Pháo tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Để khắc phục, công ty đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET) vào đầu năm 2024 nhằm tối ưu chi phí nổ mìn
Việc Núi Pháo hợp tác với GAET, một doanh nghiệp quân đội có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nổ mìn, sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Núi Pháo dự kiến sẽ tối ưu được đáng kể chi phí nổ mìn trong 5 năm tới nhờ GAET cam kết duy trì chất lượng dịch vụ tốt với giá hợp lý.
Việc nối lại hoạt động nổ mìn sẽ giúp công ty tiếp tục khai thác quặng hàm lượng cao, cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú cho nhà máy chế biến công nghệ cao, giúp gia tăng sản lượng và tối ưu chi phí sản xuất.
Năm 2024, công ty đang tiến hành xin cấp giấy phép mở rộng khai thác 28 triệu tấn trữ lượng tại mỏ Núi Pháo. Trong thời gian tới, các hoạt động khai thác và chế biến quặng dự kiến sẽ sôi động hơn nữa tạo lợi thế cạnh tranh cho Masan High-Tech Materials trong việc đảm bảo cung cấp ổn định vật liệu công nghệ cao cho khách hàng trên toàn thế giới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899