Chỉ 55% lao động có thu nhập đủ sống, đại biểu kiến nghị tăng lương tối thiểu

02/06/2022, 14:33

TCDN - Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện tăng lương tối thiểu vùng nhằm bù đắp một phần trượt giá và sự chia sẻ của công nhân lao động sau hơn 2 năm chưa được tăng lương.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, theo đều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1, 2 lần một tuần, 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần, 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản và thật xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4/2022 cho thấy, chỉ có khoảng 55% người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống, khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu. Trong 2 năm, 2020 và 2021 để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng từ ngày 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn).

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn).

Tuy nhiên, theo đại biểu Nghĩa tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay, nếu tính tổng vào năm 2020 là 2,31%, 2021 là 1,84% và 5 tháng đầu năm nay là 2,25% thì đã vượt quá con số 6% này. Với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua thì thực tiễn là người lao động giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ mà phải làm thêm việc, nhiều người lao động sau thời giờ làm công việc chính thức phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.

Phân tích về mức tăng lương tối thiểu 6%, ông Nghĩa cho hay, với mức tăng 6% lương tối thiểu, vùng 1 cao nhất của nước ta sẽ là 4.680.000 tương đương với 200 USD, so sánh với các quốc gia trong khu vực thì mức lương tối thiểu này vẫn còn thấp.

Ông Nghĩa dẫn chứng, Indonesia có dân số là 274 triệu thì mức lương tối thiểu tháng ở Jakarta là 323 đôla, Philippines dân số 110 triệu thì mức lương tối thiểu tối thiểu là 226 đôla, Thái Lan dân số 70 triệu mức lương tối thiểu là 260 đôla và dự kiến sẽ tăng lên hơn 300 đôla, Malaysia dân số 33 triệu thì lương tối thiểu ở 57 thành phố lớn là 282 đôla, ở Trung Quốc từ ngày 1/8/2021 lương tối thiểu tại thành phố Bắc Kinh nâng lên là 360 đôla.

“Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại, tăng lương tối thiểu một mặt cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao, mặt khác, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ và đây cũng là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế”, đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, như quy định của Bộ luật Lao động.

Cũng đồng tình với quan điểm đại biểu Nghĩa, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) khẳng định, vấn đề tăng lương tối thiểu được cử tri, nhất là người lao động làm việc theo hợp đồng, người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm.

Người lao động chờ tăng lương sau 2 năm dịch bệnh.

Người lao động chờ tăng lương sau 2 năm dịch bệnh.

Theo bà Xuân, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về phía người sử dụng lao động, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn khi điều chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ. Thực tế, chúng ta có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều.

Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Họ cho rằng, trong thời gian qua người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm.

“Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết”, bà Xuân khẳng định.

Chia sẻ về tình trạng người lao động, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho biết, những tháng đầu năm 2022 người lao động ồ ạt đến bảo hiểm xã hội nhận bảo hiểm một lần do cuộc sống khó khăn, bấp bênh. Vẫn còn những bức xúc cấp bách kéo dài chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng, qua hơn 2 năm đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ rệt. Đó chính là tiền lương thấp và thiếu tích lũy, việc làm, thu nhập bấp bênh. Nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn. An sinh và phúc lợi xã hội thiếu đảm bảo.

Vì vậy, đại biểu Lam đề nghị Chính phủ quyết liệt triển khai các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm song song với thực hiện các giải pháp, chính sách và quy định đảm bảo cuộc sống cho công nhân lao động. Trước tiên là bảo đảm việc làm bền vững, lương đủ sống, tiến tới có tích lũy, nâng lương tối thiểu vùng nhằm bù đắp một phần trượt giá và sự chia sẻ của công nhân lao động sau hơn 2 năm chưa được tăng lương.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Chỉ 55% lao động có thu nhập đủ sống, đại biểu kiến nghị tăng lương tối thiểu tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Sẽ có trên 2,9 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp
Chính phủ đã ban hành Nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với nhiều đối tượng.
Bộ Lao động: Không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021
Trước đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khuyến nghị Chính phủ không thực hiện việc điều chỉnh tiền lương do những khó khăn kinh tế trong giai đoạn hiện nay.