Chỉ định chủ tịch tỉnh, thành phố sau khi sáp nhập

20/04/2025, 16:49
báo nói -

TCDN - Thường vụ Quốc hội đề nghị thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị về việc không bầu chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh mà chỉ định, bổ nhiệm sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kết luận phiên họp cho ý kiến về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành nội dung của các hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và đề nghị thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp được giao thực hiện thủ tục đề nghị các cơ quan cử đại diện tham gia làm thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Toàn cảnh phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Dân trí).

Toàn cảnh phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Dân trí).

Cơ quan này cũng có nhiệm vụ tiếp thu, hoàn thiện các hồ sơ trình lãnh đạo Quốc hội ký ban hành, gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, chậm nhất là ngày 25/4.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các tài liệu thuộc trách nhiệm chuẩn bị của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, gồm hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nghị quyết này.

Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các luật, nghị quyết có liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kết hợp đề xuất phương án xử lý để thể chế hóa quy định liên quan việc bầu cử một số chức danh.

Cụ thể, khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thì không bầu cử các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; trưởng, phó Đoàn đại biểu Quốc hội; trưởng các ban của HĐND và Ủy viên UBND theo quy định.

Thay vào đó sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp xã căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, tiến hành chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh liên quan nêu trên.

Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã mới thành lập.

Những nội dung này đã được nêu tại Kết luận số 150 ngày 14/4 của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu, hoàn thiện các tài liệu để báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ngay khi được thành lập để kịp thời xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất xác định kể từ ngày 15/4, các hồ sơ, tài liệu trên là tài liệu công khai để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 9 và lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. 

Văn phòng Quốc hội được giao chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan tham mưu, xây dựng văn bản để quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về định mức chi cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, lập dự toán kinh phí phục vụ Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; áp dụng cơ chế khoán chi theo nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật, phù hợp với tính chất đặc thù của công tác xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để bảo đảm điều kiện hoạt động của Ủy ban và cơ quan thường trực.

PV
Bạn đang đọc bài viết Chỉ định chủ tịch tỉnh, thành phố sau khi sáp nhập tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

x