Chỉ số P/E của cổ phiếu VNM hao mòn vì giá nguyên liệu tăng mạnh

26/05/2021, 19:42

TCDN - Cổ phiếu VNM giảm do tình trạng giá sữa bột nguyên liệu tăng cao và kế hoạch lợi nhuận không tăng trong năm 2021 của ban lãnh đạo.

Kết phiên giao dịch chứng khoán 26/5, giá cổ phiếu VNM dừng ở mốc 91.000 đồng, giảm hơn 21% so với giữa tháng 1. Cùng giai đoạn ấy, VN-Index lại tăng hơn 10% và đạt mức kỷ lục hơn 1.316 điểm.

Cổ phiếu VNM đã tụt hạng trong danh sách các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE. Với đà tăng gần đây của HPG, CTG, hiện nay VNM chỉ còn đứng vị trí thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE, so với vị trí dẫn đầu trong thời kỳ hoàng kim 2014 - 2017. Do đó, tỷ trọng của VNM đang giảm dần trong các ETF và các quỹ lớn khác.

Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect chỉ ra rằng nguyên nhân đằng sau đà giảm giá của cổ phiếu VNM đến từ tình trạng giá sữa bột nguyên liệu tăng cao và kế hoạch lợi nhuận không tăng trong năm 2021 của ban lãnh đạo.

Bloomberg nhấn mạnh giá sữa bột toàn cầu đã tăng 32,7% so với đầu năm và chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2014 do nguồn cung trở nên thiếu.

trang-trai-bo-sua-tai-can-tho-buoc-phat-trien-nang-tam-chien-luoc-00-.7605

Kết quả tính toán của VNDirect cho thấy cứ 5% tăng lên của giá sữa bột nguyên liệu có thể khiến lợi nhuận gộp của Vinamilk giảm 0,4 đến 0,5 điểm %.

Quý I vừa qua, khi giá nguyên liệu sữa bột đầu vào tăng lên mức kỷ lục, cùng với giá đường cũng ghi nhận tăng mạnh từ năm 2020 kéo biên lợi nhuận gộp quý I của Vinamilk giảm 3,1 điểm % so với quý I/2020 xuống còn 43,6%. Mức biên lợi nhuận gộp của Vinamilk quý I đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ quý IV/2016.

Giá trung bình sữa bột nguyên liệu toàn cầu và giá đường đã tăng lần lượt 23,4% và 22% so với cùng kỳ trong quý I năm nay trong khi giá bán không thay đổi.

Theo Global Dairy Trade, giá sữa bột nguyên kem đã tăng 32,7% so với đầu năm và 23,4% so với cùng kỳ do nhu cầu nhập khẩu gia tăng từ các nước châu Á (đặc biệt là Trung Quốc), trước lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn bị ảnh hưởng bới dịch COVID-19. 

Vinamilk khá nhạy cảm với biến động giá sữa bột toàn cầu do hơn 60% nguyên liệu đầu vào của công ty dùng để sản xuất sữa bột và bột dinh dưỡng được nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, New Zealand và chi phí nguyên liệu sữa chiếm khoảng 20% đến 25% giá vốn hàng bán.

VNDirect nói rằng trong tháng 5, Vinamilk đã tăng giá bán lên 5% để giảm bớt một phần tác động của việc tăng giá sữa nguyên liệu lên biên lợi nhuận gộp. 

Ban lãnh đạo Vinamilk xác nhận họ sẽ nâng cấp danh mục sản phẩm và giảm chi phí khuyến mãi và quảng cáo để bù đắp chi phí giá sữa nguyên liệu tăng cao. Do đó, VNDirect cho rằng mặc dù biên lợi nhuận gộp của Vinamilk sẽ chịu ảnh hưởng bởi giá sữa bột toàn cầu tăng mạnh, công ty cũng đã chuẩn bị tốt để bảo toàn biên lợi nhuận ròng trong năm 2021.

Để ứng phó với việc giá nguyên liệu leo thang, doanh nghiệp cho biết vẫn đang theo dõi sát biến động giá nguyên vật liệu, thương thảo và ký kết hợp đồng với nhà cung cấp với mức giá tốt nhất. Một số nguyên vật liệu chính đã được ký hợp đồng mua đến hết quý III/2021, trong đó CEO của Vinamilk cho hay đã chốt giá bán sữa bột tới tháng 6 năm nay.

Ngoài ra, VNDirect cũng nhận thấy giá sữa bột nguyên liệu tăng mạnh đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến P/E của Vinamilk (giảm 15,6% so với đầu năm).

VNDirect dự phóng doanh thu nội địa trong giai đoạn 2021 - 2022 khoảng 2,5% nhằm phản ánh nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến. 

Ngoài ra, bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 cũng là yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu nội địa của Vinamilk khi các trường học tạm đóng cửa và chương trình Sữa học đường quốc gia của Vinamilk tạm dừng. 

Bộ phận phân tích VNDirect dự báo doanh thu của công ty con Angkor Milk sẽ tăng trưởng 13% trong giai đoạn 2021 - 2022 do lo ngại về tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Campuchia trong những thời gian gần đây có thể cản trở hoạt động kinh doanh của Angkor Milk trong quý II.

Dự báo chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm nhằm đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2021 trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.

Mặc dù biên lợi nhuận gộp thu hẹp 3 điểm % trong quý I, nhưng biên lợi nhuận ròng của Vinamilk vẫn duy trì ở mức không đổi 19,5% nhờ cắt giảm chi phí quảng cáo và khuyến mại.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Chỉ số P/E của cổ phiếu VNM hao mòn vì giá nguyên liệu tăng mạnh tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan