Chính sách tài chính cho DNKN: Thiếu đặc thù, khó thu hút

25/01/2019, 09:37

TCDN - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2018/NĐ- CP đã nêu một số chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN). Tuy nhiên, các văn bản này chỉ đề cập đến khái niệm và chưa có các quy định cụ thể về chính sách thuế, tài chính.

Chưa có sự phân biệt

PGS.TS Lý Phương Duyên, Học viện Tài chính nhận định, hiện chưa có một chính sách đặc thù đối với các DNKN nói chung, quy định về chính sách thuế, tài chính đối với DNKN nói riêng. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Hỗ trợ DNNVV đã đề cập đến khái niệm DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này bao gồm quy định hỗ trợ về thuế, đầu tư và vấn đề cấp bù lãi suất (Điều 17 và 18 Luật Hỗ trợ DNNVV). Tuy nhiên, các văn bản pháp luật này chỉ đề cập đến khái niệm DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và chưa có các quy định cụ thể về chính sách thuế, tài chính cho DNKN đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Bên cạnh đó, chính sách thuế chưa có sự phân biệt theo hướng dành ưu đãi cao hơn cho các DNKN. Cụ thể, thuế suất thuế TNDN đối với các DNKN hiện vẫn áp dụng mức thuế suất 20% như các doanh nghiệp khác. Việc ưu đãi thuế suất 10% hay miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ các hoạt động thuộc một số ngành nghề, lĩnh vực được ưu đãi cũng giống như các doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư mới.

Do đặc điểm của các DNKN ĐMST, việc đầu tư vào các doanh nghiệp này có độ rủi ro cao, chính sách thuế chưa quy định cho phép nhà đầu tư bù trừ lỗ từ việc đầu tưvào một số DNKN vào lãi của một số dự án đầu tư vào các dự án khởi nghiệp khác. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các DNKN. Bên cạnh đó, các quy định về thuế TNCN đối với các nhà đầu tư cá nhân cho hoạt động khởi nghiệp cũng chưa nhận được bất kỳ ưu đãi nào mà vẫn tuân thủ theo quy định chung cho các cá nhân có thu nhập.

Việc tiếp cận tín dụng của các DNKN ĐMST còn hạn chế. Phần lớn các DNKN ĐMST là doanh nghiệp mới thành lập, chủ doanh nghiệp là các nhóm cá nhân/cá nhân thực hiện các ý tưởng khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới nên việc xếp hạng tín dụng áp dụng trong trường hợp này không đáp ứng được các tiêu chí.

TS. Trần Dục Thức, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhấn mạnh, ngân hàng và các quỹ đầu tư của Nhà nước hoạt động theo một cơ chế an toàn. Tức là, khi rót vốn cho bất kỳ một dự án nào, ngân hàng phải dựa trên nguyên tắc có lãi dù ít hay nhiều và phải bảo toàn được nguồn vốn ban đầu bỏ ra. Còn các quỹ đầu tư mạo hiểm mà các nước trên thế giới đang hoạt động chấp nhận rủi ro khi đầu tư nhưng có nghiên cứu kỹ. Khi các dự án đầu tư thành công thì thường thành công lớn. Ví dụ một quỹ đầu tư mạo hiểm có 100 tỉ đồng, họ sẵn sàng chọn 10 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo để đầu tư, tương đương mỗi dự án họ sẽ rót vốn ban đầu là 10 tỉ đồng. Nhưng chỉ cần 1 - 2 dự án trong số đó thành công quỹ đã thắng lớn. Bởi 1 dự án khi đầu tư 10 tỉ đồng ban đầu, nếu thành công sẽ mang lại cho nhà đầu tư ít nhất 120 tỉ đồng hoặc nhiều hơn thế. Nói chung phải chấp nhận rủi ro trong khởi nghiệp nhưng có sự tính toán để bứt phá.

Lý giải nguyên nhân DNKN khó tiếp cận các chương trình hỗ trợ, TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ khoa học và Công nghệ cho biết, theo quy định, người quản lý quỹ, quản lý các trung tâm khởi nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu làm thất thoát quỹ, tùy theo mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cần xây dựng chế tài thông thoáng để quản lý các nguồn quỹ, kể cả quỹ tư nhân.

Bên cạnh đó, để phát triển, các DNKN cần sự hỗ trợ từ nhiều thành phần xã hội như: Viện nghiên cứu, trường đại học, các vườn ươm... Đặc biệt, xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế tài chính đặc thù, để thời gian tới các DNKN sáng tạo được hưởng các chính sách ưu đãi và tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng.


Trọng tâm phải là thị trường
TS. Võ Trí Thành nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý, khởi nghiệp sáng tạo luôn mang tính chu kỳ, ẩn chứa nhiều rủi ro, và khoảng 95% DNKN thất bại ngay trong 1 - 3 năm đầu. Khởi nghiệp như vậy chính là một trò chơi kinh doanh, trọng tâm của nó phải là thị trường, không phải do Nhà nước quyết định. Vì vậy, bất cứ cơ chế nào được xây dựng, ban hành, bao gồm cả chính sách tài chính, cần thiết phải lấy thị trường làm trung tâm và để thị trường tự đánh giá, định đoạt.

PGS.TS Lý Phương Duyên cho rằng, chính sách tài chính đối với DNKN cần tập trung vào các vấn đề sau: Thứ nhất, đối với các DNKN ĐMST. Các DNKN trong thời gian đầu hoạt động có thể chưa có doanh thu, thu nhập. Vì vậy, có thể áp dụng mức ưu đãi thuế cao hơn so với các doanh nghiệp khác như cho phép miễn thuế trong thời gian 5 năm đầu hoạt động của doanh nghiệp và áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian dài hơn so với thời hạn 15 năm hiện đang áp dụng với các doanh nghiệp được ưu đãi khác.
Đồng thời, cho phép chuyển lỗ không giới hạn thời gian thay vì 5 năm như hiện nay để đảm bảo hỗ trợ tối đa cho DNKN.

Thứ hai, đối với các nhà đầu tư khởi nghiệp: Các chính sách cần được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư cho khởi nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, cần ban hành quy định chính thức về đầu tư mạo hiểm bên cạnh việc quy định về đầu tư cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo như Nghị định số 38/2018/NĐ-CP. Trong đó, cần chỉ rõ nghĩa vụ thuế của các nhà đầu tư này khi thực hiện đầu tư cũng như khi chuyển nhượng vốn.

Thứ ba, đối với các đối tượng hỗ trợ DNKN bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, vườn ươm: Ban hành quy định về chính sách tài chính nói chung, chính sách thuế nói riêng có tính chất đặc thù đối với nhóm đối tượng này. Có thể vận dụng những kết quả đạt được từ việc thí điểm đối với vườn ươm tại Cần Thơ để phát triển cho tất cả các vườn ươm trên toàn quốc. Cụ thể: Miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được; Công nghệ trong nước chưa tạo ra được; Tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhập khẩu phục vụ trực tiếp vào hoạt động ươm tạo công nghệ tại vườn ươm.

Thứ tư, ban hành và cho phép DNKN ĐMST áp dụng những quy định về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán. Việc đăng ký thuế được thực hiện qua mạng internet và các DNKN trong 5 năm đầu nếu chưa có doanh thu có thể khai thuế GTGT 6 tháng hoặc 1 lần/năm.

Xuân Duy - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết Chính sách tài chính cho DNKN: Thiếu đặc thù, khó thu hút tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận