Thanh Hóa: Xe quá tải, quá khổ ngang nhiên hoạt động

13/05/2024, 09:57
báo nói -

TCDN - Xe quá tải, quá khổ lưu thông trên những tuyến đường hạn chế tải trọng là vấn nạn nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó có ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách và thuế của nhà nước.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tình trạng thất thoát thuế, hao hụt NSNN vẫn đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính quốc gia và sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và được Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết.

Dự án xử lý cấp bách tuyến đê tả đoạn từ K19+800 - K22 và đoạn từ K25 - Km34+100 chạy qua huyện Thiệu Hóa đi vào hoạt động từ tháng 4/2020. (Ảnh chụp ngày 23/4/2024 đoạn qua xã Thiệu Phúc)

Dự án xử lý cấp bách tuyến đê tả đoạn từ K19+800 - K22 và đoạn từ K25 - Km34+100 chạy qua huyện Thiệu Hóa đi vào hoạt động từ tháng 4/2020. (Ảnh chụp ngày 23/4/2024 đoạn qua xã Thiệu Phúc)

Xe vượt tải trọng, tác động tiêu cực lớn đến ngân sách và thuế

Trong những năm gần đây, việc xe tải vượt quá tải trọng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với hạ tầng giao thông. Khi tải trọng vượt quá giới hạn cho phép, mặt đường, cầu cống sẽ nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì tăng cao.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc vá ổ gà, thay thế lớp nhựa đường, gia cố cầu cống, thậm trí thường xuyên phải thi công lại những tuyến đường làm bằng bê tông do hư hỏng nặng từ xe quá tải trọng chạy qua; và mỗi tấn hàng vượt tải trọng có thể làm giảm tuổi thọ của đường bộ xuống 50%. Cũng chính từ việc gia tăng chi phí bảo trì đường bộ này đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, do xe chở quá tải trọng nên chủ phương tiện thường né tránh các trạm cân, trạm thu phí, đi vào các tuyến đường không phù hợp với tải trọng cho phép dẫn đến thất thu nguồn phí giao thông đáng kể. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có thể thất thu hàng trăm tỷ đồng thuế, phí giao thông do xe quá tải, quá khổ.

Ngoài ra, xe quá tải, quá khổ tiềm ẩn nguy cơ mất phanh, lật xe cao hơn nhiều so với xe bình thường. Do đó, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng tai nạn giao thông trên đường bộ, gây thiệt hại về người và tài sản. Kéo theo đó là chi phí cho công tác cứu hộ, cấp cứu, điều tra tai nạn, hỗ trợ người bị nạn cũng là khoản chi lớn cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, tai nạn giao thông còn ảnh hưởng đến năng suất lao động, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Tuyến đường đê hữu Sông Lèn đoạn qua xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) với tải trọng cho phép là không quá 12 tấn. Ảnh chụp ngày 26/4/2024.

Tuyến đường đê hữu Sông Lèn đoạn qua xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) với tải trọng cho phép là không quá 12 tấn. Ảnh chụp ngày 26/4/2024.

Xe “hổ vồ” băm nát nhiều tuyến đường có tải trọng thấp

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, nhưng tình trạng xe vi phạm tải trọng, kích thước thùng xe vẫn diễn ra khá phổ biến tại địa phương này, gây nhiều hệ lụy về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và kết cấu hạ tầng giao thông….Cũng chính từ những hệ lụy này đã khiến cho nguồn ngân sách của nhà nước hàng năm hao hụt.

Theo thống kê, trong 11 tháng năm 2023, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông Thanh Hoá đã phát hiện, xử lý gần 5.500 trường hợp vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng, phạt tiền nộp kho bạc nhà nước 25 tỷ đồng.

Ngoài xử phạt vi phạm chở hàng quá tải trọng, lực lượng Cảnh sát giao thông Thanh Hóa còn phát hiện, lập biên bản xử lý trên 3.400 trường hợp vi phạm kích thước, cải tạo thành thùng, phạt tiền 12,5 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2023, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hoá đã xử phạt 296 trường hợp vi phạm về tải trọng, phạt tiền 5.237.700.000 đồng.

Ghi nhận thực tế tại Thanh Hóa, hiện nay có rất nhiều tuyến đường đê, đường bê tông nông thôn đang phải “oằn” mình để “cõng” những chiếc xe có tải trọng lớn.

Và liệu rằng, đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tuyến đê bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê nứt toác, sụt lún, nhiều ổ voi, ổ gà… còn với những con đường dân sinh thì bị cấy lên mình những “bản đồ” không số.

Đoàn xe chở đất từ điểm khai thác đất của Công ty Phúc Đức (Ảnh ngày 22/4/2024).

Đoàn xe chở đất từ điểm khai thác đất của Công ty Phúc Đức (Ảnh ngày 22/4/2024).

Ngày 01/4/2024, tại tuyến đường Dốc cao, địa phận thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long, huyện Hà Trung, rất nhiều xe “hổ vồ” đàng ì ạch “bò” trên con đường bê tông có tải trọng dưới 10 tấn. 

Được biết, những chiếc xe này chở đất từ một dự án tận thu tại thôn Khắc Dũng, xã Hà Long, huyện Hà Trung để làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án: Sửa chữa, cải tạo kênh bờ ao Điền Lư, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Xây dựng trường tiểu học Lam Sơn 3, thị xã Bỉm Sơn…. Và để đi tới được những địa điểm như phê duyệt trên, những chiếc xe “hổ vồ” đã chạy trên tuyến đường bê tông có tải trọng yếu này khoảng 5-6 km.

Cũng tại huyện Hà Trung, trong những ngày giữa tháng 4/2024, nhiều người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã phản ánh về tình trạng xe chở đất có dấu hiệu quá khổ quá tải hoạt động cày nát đường, gây bụi bặm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để làm rõ hơn về những thông tin trên, PV đã có mặt tại nơi người dân phản ánh. Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến từng đoàn xe nối đuôi nhau vào lấy đất, xe đi thành hàng dài, di chuyển với tốc độ cao, bụi tung mù mịt; nhiều đoạn đường ổ voi, ổ gà, xe chở đất nặng phải di chuyển ì ạch, lắc lư, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện di chuyển bên cạnh.

Đoàn xe chở đất trong khu vực tận thu tại thôn Khắc Dũng, xã Hà Long, huyện Hà Trung. (Ảnh chụp ngày 1/4/2024.)

Đoàn xe chở đất trong khu vực tận thu tại thôn Khắc Dũng, xã Hà Long, huyện Hà Trung. (Ảnh chụp ngày 1/4/2024.)

Tiếp đến, theo chân đoàn xe chở đất trọng tải lớn, PV đã tìm được nơi các xe tải vào “ăn đất” là khu vực khai thác đất tại xã Hà Tiến do Công ty Phúc Đức đang khai thác. Tại đây, chỉ trong hơn 20 phút tác nghiệp, PV ghi nhận hàng chục xe trọng tải lớn đang lũ lượt vào lấy đất cùng một số xe tải khác đang ì ạch “cõng” đất di chuyển ra. 

Điều đáng nói là trong khi các xe tải liên tục ra vào vận chuyển đất nhưng các hoạt động hạn chế bụi và kiểm soát trọng tải như: lắp trạm cân, tưới nước phun ẩm mặt đường và làm sạch thân xe,… đều không được thực hiện. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân dọc tuyến đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Và các chủ phương tiện có cố tình né tránh các trạm cân, trạm thu phí để đi vào các tuyến đường không phù hợp với tải trọng dẫn đến thất thu nguồn thuế phí giao thông hay không, phải cần đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Hay như tại tuyến đê sông Chu, thuộc dự án xử lý cấp bách tuyến đê tả đoạn từ K19+800 - K22 và đoạn từ K25 - Km34+100 chạy qua huyện Thiệu Hóa, do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư có tổng nguồn vốn gần 100 tỷ đồng. Tháng 4/2020, tuyến đê này được bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng cũng đang xuống cấp, mặt đê nứt toác, nhiều điểm bị bong tróc, vỡ nát, lún sâu, tạo thành ổ gà với độ rộng gần một mét và sâu gần 10cm. 

Mặt đường đê hữu Sông Lèn đoạn qua xã Cầu Lộc (Hậu Lộc).

Mặt đường đê hữu Sông Lèn đoạn qua xã Cầu Lộc (Hậu Lộc).

Gần đây nhất, sau khi nhận được nhiều phản ánh từ người dân xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc về việc xe quá tải, quá khổ nối đuôi nhau, băm nát tuyến đường đê có tải trọng từ 12 tấn trở xuống.

Ngày 26/4/2024, có mặt tại nơi người dân phản ánh, trước mắt chúng tôi có hơn 10 chiếc xe “hổ vồ” đang chờ “ăn” đất tại khu vực núi Thiều, thuộc xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. 

Tìm hiểu được biết, để khắc phục tình trạng sạt lở chân núi Thiều, ảnh hưởng đến an toàn cho 5 hộ dân tại thôn Thiều Xá 2, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cho phép thực hiện dự án thi công chống sạt lở bằng hình thức xã hội hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác đơn vị thi công đã dùng những chiếc xe “hổ vồ” 3 chân chở đất, cho chạy trên mặt tuyến đường đê hữu Sông Lèn đoạn qua xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) với tải trọng cho phép là không quá 12 tấn.

Liên quan đến việc này, ngày 02/3 và ngày 15/4/2024, UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc đã làm việc với phía Công ty khai thác tận thu. Nội dung tại các buổi làm việc đều nêu rõ: Nghiêm cấm xe quá tải chạy trên đoạn đê qua xã Cầu Lộc, chỉ cho phép từ 8 tấn trở xuống.

Thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 1.008 km đê sông, đê biển, trong đó đê từ cấp III đến cấp I dài 315 km, đê dưới cấp III dài 693 km. Thanh Hóa là một tỉnh có tổng số chiều dài đê lớn nên việc sử dụng các tuyến đê làm trục giao thông chính đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hư hỏng mặt đê (chủ yếu là xe chở vật liệu cát, sỏi, đá,...). Qua thống kê, hành vi vi phạm nêu trên thường xảy ra trên một số tuyến đê như: Tuyến đê hữu sông Chu đoạn huyện Thọ Xuân; tuyến đê tả sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hóa; tuyến đê tả sông Lèn đoạn qua huyện Hà Trung; tuyến đê hữu sông Mã đoạn qua huyện Yên Định; tuyến đê tả sông Mã đoạn qua huyện Hoằng Hóa;....

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo, chủ động đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê tập trung tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các xe vi phạm quá khổ, quá tải trọng cho phép đi trên các tuyến đê, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đê điều và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Từ năm 2020 đến nay, tình trạng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê đã giảm dần, qua theo dõi chỉ còn xuất hiện tình trạng xe quá tải đi trên đê đoạn đê hữu sông Lèn qua các xã Cầu Lộc, Phong Lộc, huyện Hậu Lộc. Chi cục Thủy lợi đã có Văn bản số 28/CCTL-QLĐĐ ngày 09/01/2024 gửi UBND huyện Hậu Lộc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lê Doãn Tài
Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Xe quá tải, quá khổ ngang nhiên hoạt động tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Kinh tế cơ bản ổn định, thu ngân sách nhà nước tăng trên 10%
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Hải quan Thanh Hóa thu ngân sách hơn 6.200 tỷ đồng trong 4 tháng
Trong tháng 4/2024, hoạt động hải quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp tục duy trì thông suốt, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua biên giới của tỉnh. Tổng số thu ngân sách của Cục Hải quan Thanh Hóa trong tháng 4 ước đạt 2.376 tỷ đồng.