Giá vàng "nhảy múa": Kiểm soát đồng bộ, nếu không rất khó

13/05/2024, 16:09
báo nói -

TCDN - Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề giá vàng "nhảy múa" như vừa qua thì công tác quản lý nhà nước thế nào?Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói Chính phủ, Thủ tướng hết sức đau đầu vấn đề này. Nhưng thị trường này cần kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ, nếu không "rất khó".

Sáng 13/5, phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Cho ý kiến về vấn đề giá vàng, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương băn khoăn: "Không lẽ cứ để giá vàng nhảy múa như thế. Thị trường gì thì thị trường nhưng không để có thị trường nhảy múa như thế được. Tôi chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng - giảm đột biến thế. Tôi đề nghị công tác quản lý nhà nước phải rõ”.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Đồng tình với vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, có thể nói chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao.

Theo bà Nga, Thủ tướng, Chính phủ và Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có những chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng. Nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay thì giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đấu thầu vài phiên nhưng giá vàng lại tăng đến mức đỉnh.

Do đó, bà Nguyễn Thị Nga đề nghị cần quản lý chặt chẽ thị trường và cần có bàn tay của Nhà nước để can thiệp vào thị trường.

Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho rằng, quản lý thị trường vàng còn bất cập. Trong khi đó, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng chỉ rõ, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước đã bộc lộ những hạn chế, chênh lệch vàng miếng SJC trong nước và quốc tế thường xuyên ở mức cao. Nguyên nhân, do giá thế giới tăng và nguồn cung trong nước hạn chế, khiến giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá quốc tế.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói rằng, trước mắt sẽ tăng cung cho thị trường qua việc tổ chức các phiên đấu thầu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá trong nước và quốc tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh 63 tỉnh, thành tăng cường quản lý Nhà nước với thị trường vàng; tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng miếng…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị các bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, KH&CN phối hợp để cùng nắm tình hình, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công, kiểm tra giám sát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, đẩy giá. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với UBND các tỉnh triển khai công tác quản lý thị trường trên địa bàn.

Ông Hà thông tin, giá vàng trong nước đã chuyển biến khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay 13.5, giảm 3 triệu đồng so với tuần trước. Dự kiến ngày mai 14.5, cơ quan này tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tuần này sẽ có 2 phiên đấu thầu, tăng 1 phiên so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường. 

Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo tổng kết Nghị định 24, đề xuất giải pháp quản lý thị trường trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để có thể đề xuất thêm các giải pháp cho phù hợp với tình hình mới, để sửa Nghị định 24 trong thời gian tới.

Giải trình thêm nội dung này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng hết sức đau đầu vấn đề này. Nhưng theo ông, thị trường này cần kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ, nếu không "rất khó".

Chẳng hạn, giao dịch vàng hiện nay người dân chưa có thói quen lấy hóa đơn, doanh nghiệp cũng chưa xuất hóa đơn theo từng lần bán. Hiện, Chính phủ giao Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc xuất hóa đơn giao dịch vàng theo từng lần bán trong quý 2.

Phó thủ tướng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá toàn diện thị trường, xem nhu cầu vàng có thật hay không, tình trạng nhập lậu thế nào. Ông nói chia sẻ với sốt ruột của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cần đánh giá kỹ, bình tĩnh để tìm giải pháp, tức "cần tìm đúng bệnh mới bốc thuốc được".

Phó thủ tướng nói và cho biết, ngày mai 14/5 ông sẽ có thêm cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề quản lý thị trường vàng.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Giá vàng "nhảy múa": Kiểm soát đồng bộ, nếu không rất khó tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan