Chủ tịch EVN nêu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện
TCDN - Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công Thương sáng 20/12, nỗi lo thiếu điện được đại diện địa phương nhắc tới.
Nêu vấn đề tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công Thương sáng 20/12, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện tỉnh còn 520ha đất công nghiệp, sẵn sàng đầy đủ hạ tầng nhưng hạ tầng về điện chưa đáp ứng. Đất có, hạ tầng có nhưng chưa có điện.
Đơn cử như tại Khu công nghiệp Nam Bắc Tiên Phong mới có 50 MW, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp tại đây lên tới vài trăm MW để sản xuất, kinh doanh. Hay trạm biến áp tại Khu công nghiệp Hải Hà Móng Cái đã sử dụng hết công suất, nên cần được nâng cấp.
“Việc tăng năng lực cung ứng điện cho các khu công nghiệp hiện rất cấp bách đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, xử lý", đại diện tỉnh Quảng Ninh nói.
Trả lời vấn đề này, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Với các địa phương có nhu cầu phát triển phụ tải tại khu công nghiệp cần trao đổi và thông tin sớm để ngành điện có sự chuẩn bị, có kế hoạch đầu tư sớm bởi dự án điện cần nhiều thời gian để đầu tư.
Chủ tịch EVN cũng nêu lại nguyên nhân của việc thiếu điện cuối tháng 5/2023 vừa qua đã được Thanh tra Bộ Công Thương chỉ ra, thực hiện kiểm tra kiểm điểm rút kinh nghiệm với cán bộ, lãnh đạo của EVN. Đến nay, việc cung ứng điện đã trở lại bình thường, tăng trưởng điện thương phẩm 2023 ước tăng 4,6%.
“Việc đầu tư các dự án điện còn nhiều khó khăn nhưng EVN đã nỗ lực đạt được khối lượng lớn với trên 91.000 tỷ đồng, khởi công 146 công trình, đóng điện 163 công trình lưới điện từ 110-220 kV. Trong đó, việc cung ứng điện năm 2024 được EVN xác định là nhiệm vụ chính trị và trọng tâm. Hiện, EVN đang chuẩn bị cho kịch bản GDP tăng trưởng ở mức tương đối cao 6-6,5% tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện là 9,4-9,8%”, ông Đặng Hoàng An thông tin.
Đồng thời, EVN hiện cũng đang tập trung là hoàn thành sửa chữa các nhà máy điện, tích nước các hồ thủy điện ở mức cao nhất. Đến nay, công tác chuẩn bị kịch bản cho 3 tháng cuối mùa khô đã có, EVN sẽ nỗ lực để không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm 2023.
Chủ tịch EVN đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý tốt các nhà máy trong hệ thống có vai trò lớn. Trong cơ cấu nguồn điện hiện nay, EVN chiếm tỉ trọng là 37,7%, dầu khí chiếm 8% và TKV chiếm 2%… còn lại 52% hệ thống là chủ đầu tư và thành phần kinh tế khác.
“EVN đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị bám sát kế hoạch cung ứng điện đã được phê duyệt để giữ độ tin cậy tối đa trong vận hành hệ thống. Gắn với đó là chúng ta tập trung tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, xử lý vướng mắc với các công trình điện”, ông An nói.
Tại lễ tổng kết, Thứ trưởng Phan Thị Thắng thông tin, năm 2023, Bộ Công Thương đã tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt, ban hành toàn bộ 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Đây là kết quả đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các ngành năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản quốc gia và đối với cả nền kinh tế.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng quy hoạch điện VIII, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản. Dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu khí đốt quốc gia cũng đã hoàn thiện để trình Thủ tướng.
Bộ Công Thương cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đảm bảo ổn định thị trường than, cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện và các nhu cầu sản xuất công nghiệp khác.
Đối với ngành dầu khí, năm 2023, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã hoàn thành vượt mức 5-31% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện năm 2023 đạt 17,82 triệu tấn quy đổi, vượt 17% so với kế hoạch năm 2023.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899