Chủ tịch FLC: "Hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế"

31/05/2020, 09:06
báo nói -

TCDN - "Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay. Nếu trước Covid, hãng bay 150 chuyến một ngày thì hiện tại mới đạt 50%. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7".

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC phát biểu tại hội thảo.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC phát biểu tại hội thảo.

Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC Hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi nền kinh tế" diễn ra tại FLC Quy Nhơn ngày 30/5 do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp cùng Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức.

"Hàng không sẽ không chết yểu"

Tại hội thảo, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, cách đây gần sáu tuần, không ai nghĩ rằng có buổi gặp mặt đông đủ thế này. Khi đó, chúng ta mới bàn việc có tháo gỡ cách ly xã hội hay không. Hôm nay, có đông khách mời, người làm hàng không, du lịch, kinh tế, truyền thông báo chí có mặt ở hội thảo, cho thấy sự trỗi dậy của hàng không, kinh tế Việt Nam.

"Chúng ta tự hào vì toàn xã hội đồng lòng chống dịch, cùng nhau vượt qua đại dịch và phát triển kinh tế. Sự trỗi dậy của ngành hàng không là tự nhiên và tất yếu", ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, khi trong tâm dịch, chúng ta bàn luận làm sao để chống dịch nhưng không một giây phút lơ là bảo dưỡng, khai thác và đảm bảo có thể khai thác bất cứ lúc nào, khai thác an toàn.

Ngày 28/4, ngành hàng không bắt đầu nâng dần tần xuất, các hãng chia sẻ với nhau để bay trở lại.

"Do đó, để trả lời câu hỏi: "Tương lai của ngành thế nào?", chúng ta hãy đến sân bay. Các bạn sẽ thấy tất cả các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và sân bay địa phương để thấy hoạt động đi lại của hàng không nội địa rất nhộn nhịp. Đó là câu trả lời: Hàng không sẽ không chết yểu", ông Cường nói.

Khi được hỏi những khó khăn, vướng mắc và bất cập mà Bamboo Airways gặp phải trong và sau khi giãn cách xã hội, ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ, trước đó, đã kiến nghị với Cục Hàng không cùng Bộ Giao thông Vận tải và cơ bản đã được giải quyết.

Theo ông Quyết, nhìn chung, đến thời điểm này, Chính phủ, các bộ ngành đều làm rất quyết liệt, chính sách cho ngành hàng không, vì thế, khó khăn đã và đang được tháo gỡ. Bộ Giao thông và Cục Hàng không đã kịp thời vào cuộc, đặc biệt là sau lệnh giãn cách xã hội.

"Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay, tuy nhiên, nếu trước Covid, hãng bay 150 chuyến một ngày thì hiện tại mới đạt 50%. Tuy nhiên, Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7. Chúng tôi mong muốn tạo công ăn việc làm cho người lao động tốt nhất vì Bamboo Airways không bị ảnh hưởng bởi nhiều thị trường quốc tế. Tôi thấy rất vui vì hãng hàng không được người dân trong nước tin tưởng, ủng hộ", ông Quyết nói.

"Cơ hội để hàng không phát triển trở lại"

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, du lịch là ngành có tính lan tỏa cao. Đi du lịch, du khách quan tâm đến việc quan trọng đầu tiên là ở đâu, sau đó ăn gì rồi mới đến đi đâu chơi và mua gì về làm quà. Vì vậy ngành du lịch cần sự kết nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp du lịch, lưu trú và hàng không.

Qua thời kỳ bình thường mới, ngành du lịch khi đó mới trỗi dậy, cất cánh thực sự. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp để phát triển. Với ngành hàng không, không chỉ có máy bay mà còn có nhiều loại dịch vụ đi kèm vì vậy khi có khó khăn các dịch vụ cùng chia sẻ khó khăn với ngành để hỗ trợ ngành phát triển.

Còn theo Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện nay, chúng ta, nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu. Chúng ta đã có bài học từ chính phủ Mỹ, Nhật Bản về kích cầu du lịch. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có giải pháp ở mức hạn chế vì sợ dịch bệnh kéo dài, tung hết giải pháp thì sau không còn gì để tung.

Hôm nay, trong hội trường không ai đeo khẩu trang, sân bay, khu du lịch đông và đã trên 30 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Vì vậy, đây là cơ hội lớn của du lịch và hàng không để kích cầu và phát triển trở lại.

Với riêng FLC, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, FLC là doanh nghiệp trẻ, có tuyên ngôn vững chãi và nhiều cái nhất: An toàn nhất (máy bay mới, đi an tâm), đúng giờ nhất, dịch vụ của Bamboo Airways tốt. Ngoài ra, ông Lê Xuân Nghĩa mong muốn hãng hàng không này có quy trình chuyên nghiệp nhất, tiết kiệm thời gian nhất và tránh cho khách hàng chờ đợi mỏi mệt. Để làm được điều đó, hãng hàng không Bamboo Airways nên số hóa quy trình để tối ưu hóa và kết nối với ngành hàng không, du lịch nội địa cũng như toàn cầu. 

Ngoài ra, theo ông Nghĩa nên có chia sẻ lợi ích công bằng giữa Tổng cục Hàng không với doanh nghiệp trong ngành. Bất cứ tổn thất nào trong ngành đều ảnh hưởng đến nền kinh tế, cần đặt lợi ích quốc gia lên trên thay vì cạnh tranh sát sườn giữa các doanh nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nhận xét, buổi hội thảo hôm nay thể hiện thực tế mà xã hội đang chứng kiến sức bật của ngành hàng không. Bởi nếu không có hàng không, kết nối quan hệ kinh tế giữa địa phương, tỉnh thành, nhà kinh doanh, các tuyến tour du lịch sẽ chậm.

Ngành hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Nếu đi ra sân bay vắng bóng người, sức khỏe của nền kinh tế cũng như chống dịch của chúng ta chưa thành công. Ông cho biết hai tuần nay, lối ra - vào của khu vực nội địa sân bay phải dùng còi để chỉ đạo các phương tiện, sảnh sân bay cũng tấp nập.

La Giang
Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch FLC: "Hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế" tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Từ 29/4, các hãng hàng không được tăng chuyến bay
Từ 0 giờ ngày 29/4, các hãng hàng không sẽ được tăng tần suất chuyến bay và đến 16/5, tổng tần suất chuyến bay được phép khai thác hầu như sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của các hãng hàng không.