Chủ tịch VTCA: Không chỉ tiêu dùng trong mức giảm trừ gia cảnh
TCDN - Mức giảm trừ gia cảnh không phải là cơ sở để người nộp thuế, người phụ thuộc trang trải chi phí tiêu dùng cá nhân mà được tính cho mức tối thiểu dựa vào thu nhập bình quân GDP đầu người và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia - Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA nhận định.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, dự kiến từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng lên mức 11 triệu đồng/tháng. Còn mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trên cơ sở căn cứ pháp luật, tại khoản 4 điều 1 luật số 26/2012/QH13 quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Tuy nhiên, khi đưa mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng đã có nhiều cách hiểu khác nhau. Một số ý kiến cho rằng mức giảm trừ này không đủ để người nộp thuế và người phụ thuộc chi tiêu hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cần hiểu đúng việc giảm trừ gia cảnh, cách xác định thu nhập chịu thuế cũng như thuế thu nhập cá nhân phải nộp của người nộp thuế.
Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định theo công thức sau: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x thuế suất
Trong đó: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công - Các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ bao gồm: Thứ nhất, các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội là 8%; bảo hiểm y tế là 1,5%; bảo hiểm thất nghiệp là 1%. Phần này người lao động phải nộp từ tiền lương, tiền công để trang trải các chi phí khám chưa bệnh và sau này được hưởng lương hưu.
Thứ hai, giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.
Mức giảm trừ gia cảnh không phải là cơ sở để người nộp thuế, người phụ thuộc trang trải chi phí tiêu dùng cá nhân mà được tính cho mức tối thiểu dựa vào thu nhập bình quân GDP đầu người và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Hiện một số nước trên thế giới không chế số lượng người phụ thuộc hoặc số tiền giảm trừ gia cảnh nhưng Việt Nam không khống chế số lượng người giảm trừ gia cảnh.
Ngoài mức giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc, các khoản đóng góp từ thiện của người nộp thuế cũng không phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Sau khi trừ các khoản trên, thu nhập còn lại được xác định là thu nhập chịu thuế nhân với biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5- 35% để xác định mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Cụ thể:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Theo đó, nếu cá nhân có thu nhập 20.000.000 triệu đồng/tháng từ tiền lương, tiền công và có 2 người phụ thuộc thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Bởi:
Số tiền phải đóng bảo hiểm bắt buộc là 2.100.000 đồng (20.000.000 đồng x 8% Bảo hiểm xã hội x 1,5% bảo hiểm y tế x 1% bảo hiểm thất nghiệp); Mức giảm trừ gia cảnh là: 11.000.000 đồng; 02 người phụ thuộc là 8.800.000 đồng.
Sau khi trừ các khoản trên, người có thu nhập 20.000.000 đồng sẽ không còn thu nhập tính thuế để nộp thuế thu nhập cá nhân.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A có thu nhập 30.000.000 đồng, đăng ký người phụ thuộc: 02 con. Cách tính thuế TNCN của ông A như sau:
Các khoản giảm trừ:
Bảo hiểm bắt buộc: 3.129.000 đồng (tối đa 20 lần mức lương tối thiểu vùng: 20 x1.490.000 đồng = 29.800.000 đồng x 8% Bảo hiểm xã hội x 1,5% bảo hiểm y tế x 1% bảo hiểm thất nghiệp)
Bản thân: 11.000.000 triệu đồng
Người phụ thuộc: 8.800.000 đồng (2 x 4.400.000 đồng)
Thu nhập tính thuế của ông A được tính như sau:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ = 30.000.000 đồng – 3.129.000 đồng - 11.000.000 đồng - 8.800.000 đồng = 7.071.000 đồng
Như vậy, thu nhập tính thuế của ông A là 7.071.000 đồng. Theo biểu thuế lũy tiến từng phần, ông A phải nộp thuế theo các bậc sau:
Bậc 1: 5.000.000 x 5% = 250.000 đồng
Bậc 2: 2.071.000 x 10% = 202.000 đồng
Số thuế thu nhập cá nhân ông A phải nộp là 457.000 đồng, tương đương 1,5% tổng thu nhập. Rõ ràng, đối với cá nhân có thu nhập 30.000.000 đồng/tháng, chỉ phải nộp thuế 457.000 đồng, số tiền còn lại là 29.543.000 đồng để ông A tiêu dùng cho hiện tại hoặc khi về hưu.
Ví dụ 2:
Với người có thu nhập 60.000.000 đồng/tháng, đăng ký người phụ thuộc là 3 (1 mẹ già và 2 con nhỏ). Cách tính thuế của người này như sau:
Các khoản giảm trừ:
Bảo hiểm bắt buộc: 3.129.000 đồng (tối đa 20 lần mức lương tối thiểu vùng: 20 x 1.490.000 đồng = 29.800.000 đồng x 8% Bảo hiểm xã hội x 1,5% bảo hiểm y tế x 1% bảo hiểm thất nghiệp)
Bản thân: 11.000.000 triệu đồng
Người phụ thuộc: 13.200.000 đồng (3 x 4.400.000 đồng)
Thu nhập tính thuế được tính như sau: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ = 30.000.000 đồng – 3.129.000 đồng - 11.000.000 đồng – 13.200.000 đồng = 32.671.000 đồng
Như vậy, thu nhập tính thuế là 32.671.000 đồng. Theo biểu thuế lũy tiến từng phần, ông A phải nộp số tiền thuế là 4.917.000 đồng (25% thu nhập chịu thuế - 3.250.000 đồng)
Số tiền thuế thu nhập cá nhân của người có thu nhập 60.000.000 đồng/tháng là 4.917.000 đồng, tương đương 8,2% tổng thu nhập.
Qua các ví dụ nêu trên cho thấy, người nộp thuế không chỉ chi tiêu trong mức giảm trừ gia cảnh mà là toàn bộ thu nhập còn lại sau khi nộp thuế thu nhập cá nhân.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899