VTCA cập nhật chính sách thuế năm 2019 cho doanh nghiệp

26/09/2019, 15:57

TCDN - Ngày 26/9, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức lớp: “Cập nhật chính sách Thuế năm 2019 và Giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện” tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 120 hội viên, lãnh đạo doanh nghiệp; giám đốc tài chính; phụ trách kế toán, kế toán thuế các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cập nhật chính sách cho các học viên

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cập nhật chính sách cho các học viên

Bên cạnh cập nhật các nội dung mới của Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019, Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 về việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi, và bảo hành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công trình tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho biết, trong quá trình thực thi chính sách thuế, các doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, theo quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc khi thực hiện quy định này.

Theo đó, Tổng cục Thuế vừa có công văn số 3002/TCT-DNL ngày 1/8/2019 làm rõ một trong những khúc mắc này về việc xác định chi phí lãi vay được trừ theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP trong năm tài chính 2017 như sau: Chỉ áp dụng đối với chi phí lãi vay phát sinh từ ngày 1/5/2017 trở đi, không phân biệt hợp đồng vay được ký kết trước hay sau ngày 1/5/2017.

Công văn 3002/TCT-DNL hướng dẫn trường hợp người nộp thuế hạch toán theo dõi riêng được kết quả kinh doanh từ 01/5/2017 đến hết năm tài chính, các chỉ tiêu để tính “Tổng lợi nhuận thuần từ HĐKD cộng chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ” được xác định theo số liệu phát sinh thực tế.

Trường hợp người nộp thuế không hạch toán theo dõi riêng được KQKD từ ngày 01/5/2017 đến hết năm tài chính thì các chỉ tiêu để tính “Tổng lợi nhuận thuần từ HĐKD cộng chi phí lãi vay, CPKH trong kỳ” được phân bổ tương ứng với số tháng còn lại của năm tài chính kể từ ngày 01/5/2017.

IMG_5866
zalo (2)

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm, những kiến nghị về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã được Tổng cục Thuế nghiên cứu tổng hợp để tham mưu với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo sửa Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó có nội dung sửa đổi khoản 3, Điều 8.

Lưu ý doanh nghiệp về khai thuế GTGT, đại diện VTCA nhấn mạnh, để tránh rủi ro về thuế GTGT, doanh nghiệp nên rà soát, kiểm tra tính hợp pháp, điều kiện của hóa đơn thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ (kết hợp với rà soát chi phí đủ điều kiện tính thuế TNDN); Loại trừ các hóa đơn bất hợp pháp (kể cả trường hợp mua hàng hóa bên ngoài , sau đó mua hóa đơn của doanh nghiệp bất hợp pháp (hóa đơn khống) để kê khai khấu trừ thuế GTGT, kê khai chi phí tính thuế TNDN.

Đồng thời rà soát để được kê khai bổ sung các hóa đơn bỏ sót (nếu có). Xem xét điều chỉnh thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ của tài sản cố định, hàng hóa dịch vụ vừa chịu thuế vừa không chịu thuế GTGT. Chú ý loại trừ thuế GTGT đầu vào của ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không dùng cho kinh doanh vận tải, du lịch. Mức khấu trừ tối đa 160 triệu đồng.

Về việc áp dụng hóa đơn điện tử, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2018 nêu rõ, cơ sở kinh doanh và cơ quan thuế có thời hạn 24 tháng từ ngày 11/1/2018 đến ngày 11/1/2020 để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP. Trong thời gian từ 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, Nghị định 51/2010/NĐCP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực thi hành.

Hơn nữa, Chương X, Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019 cũng quy định về việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Tại Điều 151 quy định hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022; khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01/7/2022.

Tổng cục Thuế đã có công văn số 2296/TCT-DNL ngày 6/6/2019 về việc hướng dẫn thực hiện HĐĐT. Cụ thể: Về tiêu thức dấu của người bán trên HĐĐT chuyển đổi sang giấy: Ngân hàng TNHH Indovina thực hiện chuyển đổi HĐĐT sang HĐ giấy theo quy định tại Điều 12 TT số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011, trên HĐĐT chuyển đổi sang giấy của Ngân hàng TNHH Indovina không nhất thiết phải có dấu của người bán. Ngân hàng TNHH Indovina phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chuyển đổi HĐĐT sang HĐ giấy.

Khách hàng của Ngân hàng TNHH Indovina được sử dụng HĐĐT chuyển đổi này để kê khai, khấu trừ thuế, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và lưu trữ kế toán theo quy định.

Về chữ ký trên văn bản thỏa thuận trong trường hợp phát hiện sai sót: Trường hợp HDĐT đã lập cho khách hàng sau đó phát hiện sai sót theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì ngân hàng và khách hàng lập văn bản xác nhận sai sót bằng giấy có chữ ký người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định pháp luật về ủy quyền của người mua và người bán. Ngân hàng lập HĐĐT điều chỉnh sai sót theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, đề nghị Ngân hàng thực hiện theo hướng dẫn tại công văn này cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết VTCA cập nhật chính sách thuế năm 2019 cho doanh nghiệp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan