Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp:

Chưa phân định rõ chức năng, đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp và Nhà nước

25/09/2023, 15:12
báo nói -

TCDN - Việc ban hành Luật số 69/2014/QH13 đã hình thành một cơ chế thu ngân sách nhà nước mang tính ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, việc quy định sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn.

3-1

Tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định

Trong báo cáo về tình hình đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp vốn nhà nước với tổng tài sản hơn 3,7 triệu tỷ đồng. Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư là 1,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,50 triệu tỷ đồng và doanh nghiệp còn lại là 162.806 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, kể từ khi Luật số 69/2014/QH13 được ban hành, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các DNNN đã được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập; tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Cùng với việc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, Luật 69/2014/QH13 đã bổ sung thêm các nội dung mang tính định hướng, nguyên tắc chung đang diễn ra trong thực tiễn cần phải có sự quản lý của Nhà nước như các nội dung về cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần có vốn nhà nước.

Luật số 69/2014/QH13 đã bước đầu giải quyết việc phân định chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại DNNN; xác định quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp.

Ngoài việc nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và khắc phục việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh chưa đúng mục tiêu, chiến lược và đầu tư dàn trải, Luật 69/2014/QH13 còn định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát hoạt động quản lý vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Vẫn chịu sự can thiệp hành chính

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Luật số 69/2014/QH13 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như: tên của Luật số 69/2014/QH13 bao gồm việc “sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”, dẫn đến một số bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Thứ nhất, việc quy định sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn chịu sự can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước; chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp theo Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 5 khóa XII đã đặt ra. Đối với doanh nghiệp sẽ hạn chế tính chủ động, cạnh tranh, không kịp thời.

Thứ hai, còn đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước thực hiện quản lý phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, không quản lý doanh nghiệp theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ (đã chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp).

Thứ ba, chưa đảm bảo đầy đủ nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, công bằng, thị trường..., Nhà nước là một trong những chủ sở hữu của doanh nghiệp, có quyền và trách nhiệm theo tỷ lệ vốn góp như các chủ sở hữu khác. Bên cạnh đó, thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận trong công tác quản lý; Trong khi thực tế các doanh nghiệp có thể đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác; Nhà nước thông qua tỷ lệ sở hữu để chi phối và định hướng hoạt động theo các mục tiêu cần định hướng như: mục tiêu kinh tế, xã hội, mục tiêu chính trị, mục tiêu quản lý nhà nước khác...

Một vấn đề khác, phạm vi điều chỉnh chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thực tế trong thời gian qua cũng như giai đoạn tới việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ yếu thực hiện dưới hình thức sắp xếp, cơ cấu lại vốn), trong khi đó cơ chế cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ, các quy định này đã được thực hiện trong thời gian dài mang tính ổn định cần được Luật hóa.

Bạn soạn thảo dự thảo Luật 69/2014/QH13 sửa đổi cho rằng, để thực hiện nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; việc doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn. Trên cơ sở đó, Nhà nước xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn tương ứng với phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được chủ động đầu tư, sử dụng vốn sau khi chủ sở hữu vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm đối với việc đầu tư vốn của doanh nghiệp. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi tên và phạm vi điều chỉnh của Luật cho phù hợp.

Về đối tượng áp dụng, việc chỉ quy định cụ thể đối tượng áp dụng đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ quản lý thông qua Người đại diện chưa bao quát, chưa đầy đủ được hết nội dung Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 5 khóa XII đã xác định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối, tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn” và quy định về doanh nghiệp nhà nước tại Điều 88 Luật doanh nghiệp năm 2020.

Bên cạnh việc bổ sung thêm đối tượng áp dụng gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì cần xem xét các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước trực thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để có quy định cho phù hợp. Thực tế trong thời gian vừa qua, do việc quản lý doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa là đối tượng áp dụng của Luật 69/2014/QH13 nên quá trình quản lý các doanh nghiệp này còn có sự lúng túng chưa thống nhất, thiếu cơ sở pháp lý cho các quy định để quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các cơ quan chức năng.

Mặt khác, đối tượng áp dụng chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp đầu tư vốn vào các doanh nghiệp khác; Trên thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì các nghiệp vụ phát sinh về sử dụng vốn, đầu tư phát triển, phát sinh doanh thu - chi phí… cơ bản đều nằm tại các doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp đầu tư vốn.

Thanh Hải

Tạp chí in số tháng 9/2023
Bạn đang đọc bài viết Chưa phân định rõ chức năng, đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp và Nhà nước tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Khẩn trương xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước
Thủ tướng yêu cầu đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ đúng thời hạn đã được phân công, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.