Chuỗi cung ứng toàn cầu lâm nguy vì tắc nghẽn cảng biển Trung Quốc

19/03/2022, 09:27

TCDN - Sự tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển của Trung Quốc có nguy cơ gây ra một loạt cú sốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đà lây lan mạnh của biến thể Omicron tại Trung Quốc trong tháng này đã buộc nhà chức trách phải ban bố lệnh hạn chế đi lại ở nhiều khu vực, bao gồm hai trung tâm chế tạo lớn của cả nước là Thâm Quyến và Đông Hoản, gây gián đoạn hoạt động sản xuất hàng hóa.

Hiện các cảng chính của Trung Quốc vẫn mở, song số lượng tàu container đang neo chờ cập bến cứ tăng dần. Một số tàu thậm chí phải chuyển hướng sang các cảng khác để việc giao nhận hàng không chậm trễ. Theo các chủ sở hữu tàu, các nhà quản trị chuỗi cung ứng và các chuyên gia phân tích, tình trạng này có thể sẽ khiến cước phí thuê tàu vận tải hàng hóa gia tăng, trong khi thời gian chờ xếp dỡ hàng tại cảng kéo dài hơn.

Số liệu của Refinitiv cho thấy 34 tàu container đang xếp hàng chờ vào cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến - cảng container lớn thứ tư thế giới, so với trung bình 7 tàu cách đây một năm. Tại cảng Thanh Đảo ở miền Đông Trung Quốc, khoảng 30 tàu vẫn chưa thể cập bến, trong khi con số này một năm trước đó cũng chỉ là 7.

cang bien Trung Quoc

Nhà quản lý chuỗi cung ứng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty SEKO Logistics, bà Jasmine Wall, thừa nhận năng suất bốc dỡ container tại cảng Diêm Điền giảm mạnh do nhiều nhân viên cảng, lái xe tải và nhân viên nhà máy phải ở nhà để tuân thủ quy định hạn chế đi lại phòng dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành công ty tư vấn về vận tải biển Vespucci Maritime, Lars Jensen, cảnh báo tình trạng tắc nghẽn tại các cảng chính của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, theo đó kéo dài cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay.

Mặc dù các chuyên gia về chuỗi cung ứng toàn cầu cho rằng các cảng của Trung Quốc hiện vận hành linh hoạt hơn trong bối cảnh thiếu nhân lực và hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, song vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến có thể sẽ phải đóng cửa nếu các biện pháp hạn chế tiếp tục được duy trì để kiểm soát dịch COVID-19.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/3, nhà cung cấp Foxconn của tập đoàn công nghệ Apple thông báo họ đã nối lại hoạt động sản xuất tại nhà máy ở thành phố Thâm Quyến theo hình thức “bong bóng khép kín”. Khu nhà ở của nhân viên Foxconn cũng áp dụng cơ chế này để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19. Đây là cơ chế mà Trung Quốc áp dụng trong thời gian đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 vừa qua và được đánh giá là thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cuối tuần qua, Foxconn đã thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất tại Thâm Quyến để tuân thủ các quy định phòng dịch của Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhã Vy/Reuters
Bạn đang đọc bài viết Chuỗi cung ứng toàn cầu lâm nguy vì tắc nghẽn cảng biển Trung Quốc tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngành Hải quan: Đẩy mạnh thông quan hàng hóa, đảm bảo chuỗi cung ứng
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ngành Hải quan đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Tác động của từng nhóm rủi ro lên rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng đồ gỗ tại Việt Nam
Mục tiêu nghiên cứu về rủi ro trong chuỗi cung ứng lâm nghiệp, đặc biệt là đồ gỗ tại Việt Nam là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi trong ngành cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu này không tập trung giới thiệu nghiên cứu về ngành gỗ Việt Nam.
Khủng hoảng điện ở Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
Cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc khiến nhiều nhà máy khốn khổ khi phải chuyển sang dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel hoặc dừng hoạt động. Nhiều chuyên gia lo ngại điều này dẫn đến suy thoái kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
'Có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng tại Việt Nam'
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 đã làm đảo chiều một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng và có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng, gây tổn hại uy tín về khu vực sản xuất an toàn của Việt Nam.