Tác động của từng nhóm rủi ro lên rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng đồ gỗ tại Việt Nam
TCDN - Mục tiêu nghiên cứu về rủi ro trong chuỗi cung ứng lâm nghiệp, đặc biệt là đồ gỗ tại Việt Nam là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi trong ngành cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu này không tập trung giới thiệu nghiên cứu về ngành gỗ Việt Nam.
Tóm tắt
Chuỗi cung ứng có vai trò lớn không chỉ riêng đối với các nhà quản trị mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ doanh nghiệp nói chung. Tại Việt Nam những năm gần đây, ngành gỗ đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, quy mô sản xuất lâm nghiệp còn nhỏ, manh mún, các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến đồ gỗ và người trồng rừng chưa chặt chẽ. Nghiên cứu về rủi ro trong chuỗi cung ứng lâm nghiệp, đặc biệt là đồ gỗ tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của chuỗi trong ngành cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Khái niệm về chuỗi cung ứng đã không còn xa lạ trên thế giới, nhưng vẫn còn mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Gabriel và Ifenyinwa (2019), chuỗi cung ứng là một mạng lưới giữa một công ty và các nhà cung cấp của nó để sản xuất và phân phối một sản phẩm cụ thể cho người mua cuối cùng. Mạng này bao gồm các hoạt động, con người, thực thể, thông tin và tài nguyên khác nhau. Việc quản trị chuỗi cung ứng có vai trò lớn không chỉ riêng đối với các nhà quản trị mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ doanh nghiệp nói chung.
Trong gần hai thập kỷ trở lại đây, với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã có những con số ấn tượng trong quy mô phát triển, chất lượng sản phẩm. Giá trị xuất khẩu lâm nghiệp tăng từ 28.200 tỷ đồng năm 2016 lên 31.345 tỷ đồng năm 2018. Thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới, 2 châu Á và 1 Đông Nam Á trong giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản khi trong năm 2018 xuất khẩu lâm sản bao gồm gỗ ước đạt 9,38 tỷ USD. Tuy nhiên, quy mô sản xuất lâm nghiệp còn nhỏ, manh mún, các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến đồ gỗ và người trồng rừng chưa chặt chẽ. Mục tiêu nghiên cứu về rủi ro trong chuỗi cung ứng lâm nghiệp, đặc biệt là đồ gỗ tại Việt Nam là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi trong ngành cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu này đóng góp 1 điểm mới là đánh giá định lượng các nhân tố nhỏ trong tổng thể các nghiên cứu được đưa ra. Nghiên cứu này không tập trung giới thiệu nghiên cứu về ngành gỗ Việt Nam.
2. Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết
Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả sẽ định nghĩa “rủi ro” là tất cả những trường hợp hoặc sự kiện khiến cho giá trị của doanh nghiệp bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Định nghĩa trên cho thấy “rủi ro” được phản ánh thông qua rất nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, dựa trên tổng hợp và phát triển từ các nghiên cứu trước đó, có 6 nhân tố được xem là có ảnh hưởng tới “rủi ro” chuỗi cung ứng gỗ tại Việt Nam. Cụ thể:
Rủi ro cung ứng (kí hiệu S) được hiểu là những kết quả liên quan đến sự kiện bất lợi trong nguồn cung nội bộ trong chuỗi cung ứng ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như khả năng doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Giả thuyết 1 (H1): Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro cung ứng.
Rủi ro vận hành (kí hiệu M) được hiểu là những kết quả, rủi ro liên quan tới sự kém hiệu quả trong quá trình quản lý, hoạt động của công ty tham gia vào chuỗi cung ứng. Giả thuyết 2 (H2): Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro vận hành.
Rủi ro nhu cầu (kí hiệu D) là hệ quả của sự gián đoạn do sự chênh lệch giữa dự đoán của công ty và nhu cầu thực tế, gây nên những ảnh hưởng tới hoạt động của chuỗi cung ứng. Giả thuyết 3 (H3): Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro nhu cầu.
Rủi ro hậu cần (kí hiệu L) được hiểu là những kết quả bất lợi xảy ra trong quá trình vận chuyển và cung ứng hàng hóa giữa các bộ phận trong chuỗi cung ứng, các vấn đề liên quan tới lưu trữ của doanh nghiệp. Giả thuyết 4 (H4): Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro hậu cần.
Rủi ro thông tin (kí hiệu I) đến từ sự bất cân xứng thông tin dẫn đến sự hoạt động không hiệu quả của chuỗi cung ứng nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Giả thuyết 5 (H5): Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro thông tin.
Rủi ro môi trường (kí hiệu E) là những sự kiện xảy ra do môi trường bên ngoài (thảm họa tự nhiên, luật lệ, quy định, chính trị...) gây ảnh hưởng tới sự vận hành của toàn bộ hệ thống. Giả thuyết 6 (H6): Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro môi trường.
3. Phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu
3.1. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng cả định tính và định lượng. Đối với phương pháp định lượng, sẽ được nêu tại phần 3.2 của bài viết này. Phần này tập trung vào phương pháp nghiên cứu định tính, thông qua phỏng vấn sâu. Các cuộc phỏng vấn này được thực hiện nhằm xác định lại các nhóm nhân tố phản ánh rủi ro tổng thể trong mô hình nghiên cứu có phù hợp tại Việt Nam hay không, có yếu tố nào được loại bỏ hay thêm vào mô hình hay không. Nhóm tác giả lựa chọn 12 chuyên gia để phỏng vấn, bao gồm các chuyên gia chuyên sâu nghiên cứu về lĩnh vực quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và các chuyên gia thực tiễn đang công tác tại các doanh nghiệp gỗ lớn tại Việt Nam. Tác giả phỏng vấn trong năm 2019 (trước khi diễn ra dịch bệnh) và năm 2020 (trong thời gian không bị giãn cách xã hội). Các cuộc phỏng vấn này tiến hành trực tiếp tại nhà riêng, cơ quan hoặc các quán café để đảm bảo tính riêng tư cũng như vấn đề chia sẻ thoải mái. Thời gian phỏng vấn kéo dài từ 20 đến 60 phút. Kết quả phỏng vấn cho thấy: (1) Mô hình nghiên cứu của tác giả gồm 6 nhóm rủi ro tạo nên rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng; (2) Các rủi ro này đều có tác động cùng chiều lên rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng.
3.2. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu
Trong thời gian khảo sát, tác giả đã đã thu về được là 750 quan sát, trong đó có 94 quan sát không hợp lệ do thông tin điền thiếu và thông tin không xác thực. Như vậy, quan sát đưa vào nghiên cứu là 656 quan sát, đạt tỷ lệ 87,47% đảm bảo điều kiện chọn mẫu cho phép. Cơ cấu mẫu khảo sát không có sự chênh lệch lớn, đa dạng và đáng tin cậy.
Tính bình quân chung, lượng các doanh nghiệp hoạt động đầu trên khu vực cả nước. Miền Bắc có tỉ trọng doanh nghiệp lớn nhất, do khu vực này có thị trường truyền thống (sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ), sau đó là khu vực miền Nam. Đa phần các doanh nghiệp này có lãnh đạo là nam - phù hợp với điều kiện của Việt Nam tình hình hiện tại. Với đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên lượng doanh nghiệp có doanh thu bình quân hàng tháng dưới 30 tỉ khá cao, lên đến hơn 90%. doanh nghiệp lớn không nhiều. Kết quả điều tra cho thấy, có nhiều doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 5 năm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các doanh nghiệp đi lên từ các hộ kinh doanh, sau đó chuyển đổi mô hình. Tính từ khi đăng kí thành lập, có tất cả 21,04% doanh nghiệp dưới 5 năm, nhưng nhiều nhất là các doanh nghiệp từ 5 đến 10 năm.
3.2. Kết quả nghiên cứu
Mô hình CFA bậc 1
Kết quả phân tích CFA các chỉ tiêu đo lường độ phù hợp của mô hình cho thấy, giá trị Chi-square/df = 3,218 <5, tức trong ngưỡng có thể chấp nhận được; CFI = 0,904, TLI = 0,871, GFI = 0,891 đều xấp xỉ 0,9, hệ RMSEA = 0,058 < 0,08, vì thế mô hình đạt mức tiêu chuẩn, có sự phù hợp với thị trường. Kết quả các giá trị P-value của các biến quan sát biểu diễn các nhân tố đều có giá trị bằng 0,000, do đó các biến quan sát được khẳng định có khả năng biểu diễn tốt cho nhân tố trong mô hình CFA.
Như vậy, sau phân tích CFA thang đo “Rủi ro tổng thể” bao gồm 6 thành phần nhân tố (M, S, L, D, A, I) với 28 biến quan sát. Kết quả phân tích CFA cho thấy các thành phần của thang đo đều đạt được yêu cầu về giá trị cũng như độ tin cậy, các thang đo nghiên cứu đối với các nhân tố phản ánh đã đảm bảo các yêu cầu phân tích.
Mô hình CFA bậc 2
Kết quả phân tích CFA các chỉ tiêu đo lường độ phù hợp của mô hình cho thấy, giá trị Chi-square/df = 3,221 <5; GFI = 0,901, TLI = 0,871 CFI = 0,888 lớn xấp xỉ 0,9, hệ RMSEA = 0,058 < 0,08, vì thế mô hình đạt mức tiêu chuẩn và có sự phù hợp với thị trường. Kết quả các giá trị P-value của các biến quan sát biểu diễn các nhân tố đều có giá trị bằng 0.000, do đó các biến quan sát được khẳng định có khả năng biểu diễn tốt cho nhân tố trong mô hình CFA.
Theo hình 2, hệ độ tin cậy tổng hợp của thang đo đạt giá trị cao hơn 0,5 và hệ phương sai trích nằm trong ngưỡng có thể chấp nhận, vì thế, có thể khẳng định thang đo đạt được giá trị hội tụ và tính đơn hướng. Như vậy, thang đo nghiên cứu đối với rủi ro trong chuỗi cung ứng đã đảm bảo các yêu cầu phân tích.
Theo Bảng 1, hệ độ tin cậy tổng hợp của các thang đo đều đạt giá trị cao hơn 0,5 và hệ phương sai trích nằm trong ngưỡng có thể chấp nhận được (Hair và cộng sự, 2016). Vì thế, có thể khẳng định thang đo đạt được giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Như vậy, các thang đo nghiên cứu đối với các nhân tố phản ánh đã đảm bảo các yêu cầu phân tích.
4. Thảo luận kết quả nghiên cứu và hàm ý một chính sách
4.1. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Hiệu chỉnh và phát triển dựa trên các nghiên cứu đã công bố trước đó, kết quả của nghiên cứu định tính và định lượng cho thấy có 6 nhóm nhân tố phản ánh “Rủi ro tổng thể”.
Thứ nhất, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro cung ứng”. Kết quả từ mô hình nghiên cứu cho thấy hệ tương quan giữa “Rủi ro cung ứng” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0,60 và hệ Sig = 0,000 <0,05. Điều này cho thấy rằng giả thuyết H1: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro cung ứng” được chấp nhận.
Thứ hai, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro vận hành”. Kết quả từ mô hình nghiên cứu cho thấy hệ tương quan giữa “Rủi ro vận hành” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0.73 và hệ Sig = 0,000 <0,05. Điều này cho thấy rằng giả thuyết H2: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro vận hành” được chấp nhận.
Thứ ba, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro nhu cầu”. Kết quả từ mô hình nghiên cứu cho thấy hệ tương quan giữa “Rủi ro nhu cầu” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0,58 và hệ Sig = 0,000 <0,05. Điều này cho thấy rằng giả thuyết H3: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro nhu cầu” được chấp nhận.
Thứ tư, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro hậu cần”. Kết quả từ mô hình nghiên cứu cho thấy hệ tương quan giữa “Rủi ro hậu cần” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0,50 và hệ Sig = 0,000 <0,05. Điều này cho thấy rằng giả thuyết H4: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro hậu cần” được chấp nhận.
Thứ năm, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro thông tin”. Kết quả từ mô hình nghiên cứu cho thấy hệ tương quan giữa “Rủi ro thông tin” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0.50 và hệ Sig = 0,000 <0,05. Điều này cho thấy giả thuyết H5: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro thông tin” được chấp nhận.
Thứ sáu, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro môi trường”. Kết quả từ mô hình nghiên cứu cho thấy hệ tương quan giữa “Rủi ro môi trường” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0,57 và hệ Sig = 0,000 <0,05. Điều này cho thấy giả thuyết H6: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro môi trường” và được chấp nhận.
4.2. Hàm ý một chính sách
Thứ nhất, nhà nước định kỳ công bố danh sách các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp được phép khai thác và sử dụng gỗ theo quy định của nhà nước. Hiện nay, nhà nước đã ban hành Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về việc khai thác, sử dụng và tái tạo rừng kinh doanh tuy nhiên nhà nước vẫn chưa công bố rõ ràng về các doanh nghiệp được ủy quyền khai thác và sử dụng gỗ.
Thứ hai, quy định về truy suất nguồn gốc của gỗ. Các quy định liên quan tới việc truy suất nguồn gốc. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương pháp thủ công trong việc quản lý nguồn gốc xuất xứ gây ra những khó khăn trong việc các nhà chức trách và các cơ quan vận hành luật pháp theo sát được các chuẩn mực. Áp dụng các bước tiến trong công nghệ kỹ thuật vào việc quản lý và truy suất nguồn gốc gỗ giúp cho các cán bộ chức năng cũng như các doanh nghiệp dễ dàng hơn cũng như chi phí quản lý cũng như chi phí cơ hội trong việc phân bổ thời gian quản lý.
Thứ ba, nhà nước tiến hành hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sản xuất gỗ các máy móc tân tiến thông qua các gói vay vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này biểu hiện thông hỗ trợ các vấn đề liên quan đến nhập khẩu máy móc, linh kiện phục vụ quá trình vận hành và sản xuất tiên tiến. Các hệ thống máy móc tại Việt Nam đa phần đã lỗi thời và được mua lại từ các quốc gia khác.
Thứ tư, phân chia nhóm sản phẩm cao cấp và sản phẩm bình dân đối với từng phân khúc khách hàng khác nhau trên thị trường. Đối với các sản phẩm đồ gỗ bình dân, nên áp dụng máy móc và công nghệ cao vào việc sản xuất, chế biến và cung ứng những sản phẩm đến tay người tiêu dùng để giảm thiểu được các chi phí về nhân công, nguyên vật liệu đầu vào và thời gian sản xuất trung bình đối với từng sản phẩm.
Thứ năm, vấn đề thông tin sai lệch và bất cân xứng thông tin có thể xảy ra do sự gián đoạn trong truyền tải thông tin nội bộ doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, với đặc trưng là một ngành công nghiệp chế biến, thông tin giữa các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định việc hợp tác. Vì vậy, khi rủi ro thông tin xảy ra, không chỉ mắt xích kết nối giữa hai doanh nghiệp bị đứt gãy mà còn gây gián đoạn trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Để đảm bảo tốc độ cũng như chất lượng thông tin truyền tải giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và tăng cường độ chính xác của thông tin này, các doanh nghiệp nên áp dụng những công nghệ mới và hiện đại vào truyền thông và truyền tải thông tin trong doanh nghiệp mình.
Tài liệu tham khảo:
1. Blackhurst, Jennifer V, Scheibe, Kevin P và Johnson, Danny J (2008), Supplier risk assessment and monitoring for the automotive industry, International journal of physical distribution logistics management, 38(2),143-116.
2. Chopra, Sunil và Sodhi, MS (2004), Supply-chain breakdown, MIT Sloan management review, 46(1),53-61.
3. Cucchiella, Federica và Gastaldi, Massimo (2006), Risk management in supply chain: a real option approach, Journal of Manufacturing Technology Management, 7(6),700-720.
4. Gabriel, Ekpenyong Gregory và Ifenyinwa, Mbah Stella (2019), Capital investment and the sustainability of agricultural value chain of the poultry industry, International Journal of Management Entrepreneurship, 1(1),193-216.
5. Guo, Zhiling, Fang, Fang và Whinston, Andrew B (2006), Supply chain information sharing in a macro prediction market, Decision Support Systems, 42(3),1944-1958.
6. Tô Xuân Phúc, Trần Lê Huy, Cao Thị Cẩm, Nguyễn Tôn Quyền và Huỳnh Văn Hạnh (2016), Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu 2013-2016, Từ góc nhìn các loài nhập khẩu, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
TS. Lê Hoàng Anh
ThS. NCS. Nguyễn Duy Thanh
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
email: [email protected], hotline: 086 508 6899