Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện

06/12/2021, 15:03

TCDN - Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, trong những năm qua, ngành Y tế đã tăng cường ứng dụng kỹ thuật cao trong khám và chữa bệnh, nhằm bắt kịp trình độ y khoa với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời nhằm phục vụ sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất.

Tóm tắt

Những năm qua, ngành Y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Từ việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Những thành tựu mà ngành Y tế đạt được đã đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có thành tích hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về y tế.

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện hiện vẫn ở mức thấp, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao nên vẫn còn khó khăn. Việc xã hội hóa y tế vẫn còn nhiều hạn chế do chính sách chưa rõ ràng, sự bất bình đẳng giữa y tế công và y tế tư, chính sách bảo hiểm xã hội… nhất là thiếu cơ chế chính sách đảm bảo cho nhà đầu tư khiến cho nguồn vốn đầu tư vào y tế vẫn chưa tương xứng, thủ tục đầu tư còn rườm rà.

kham benh

Thực trạng

Hiện cả nước có 1.531 bệnh viện, trong đó hơn 86% là bệnh viện công và gần 14% là bệnh viên tư, chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. 1.318 bệnh viện công được quản lý theo hệ thống phân cấp, được phân loại theo tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện hoặc tuyến xã.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, trong những năm qua, ngành Y tế đã tăng cường ứng dụng kỹ thuật cao trong khám và chữa bệnh, nhằm bắt kịp trình độ y khoa với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời nhằm phục vụ sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất. Đồng thời đẩy mạnh chất lượng, ứng dụng các kỹ thuật cao trong khám và điều trị bệnh; tiến tới chuyên sâu hóa các lĩnh vực nhằm nâng cao giá trị của từng bệnh nhân. Trong đó, y tế đã phát triển công nghệ trong lĩnh vực y tế dự phòng và khám chữa bệnh ở Việt Nam: sản xuất vắcxin trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, áp dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị y khoa như CTscan, MRI, PET-CT, Gama Knife, xạ trị, công nghệ gen, sử dụng robot trong phẫu thuật...

Các bệnh viện đã đầu tư, ứng dụng các trang, thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: phẫu thuật nội soi, ứng dụng công nghệ laser vào y học, ứng dụng robot trong phẫu thuật đến các kỹ thuật vi phẫu tạo hình, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp như: chụp buồng tim, điều trị loạn nhịp tim… Đặc biệt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy đã bước đầu hoàn tất quy trình kỹ thuật trong ghép tạng từ người cho chết não và tim ngừng đập, việc làm này đã “chia sẻ quyền được sống”, kéo theo rất nhiều hy vọng cho bệnh nhân suy tạng cần ghép quay trở lại cuộc sống; đồng thời cùng với đó, chuyên môn của các chuyên khoa từ hồi sức cấp cứu đến phẫu thuật ghép tạng, nội khoa theo dõi sau ghép… đều được nâng cao.

Không chỉ có các bệnh viện tuyến trên, thông qua đề án bệnh viện vệ tinh, 4 năm qua, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã được chuyển giao kỹ thuật cao, nâng cao uy tín và trình độ chuyên môn, thu hút người bệnh tại địa phương và góp phần giảm tải. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản nhi, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã khám và điều trị cho 98% số người bệnh thuộc chuyên khoa phụ sản và nhi khoa thay vì phải chuyển tuyến trên.

Nhiều kỹ thuật lâm sàng mới cũng được triển khai như phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi lồng ngực trẻ dưới 12 tháng, lọc máu liên tục trẻ sơ sinh, thở máy HFO... hay các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm Real-time PCR chẩn đoán các chủng vi rút, vi khuẩn, xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, sàng lọc ung thư sớm, sàng lọc trước sinh, xét nghiệm tiền sản giật...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, thủ tục khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được đơn giản hóa mạnh mẽ (Trung bình thời gian khám bệnh/1 lượt khám đã giảm được 48,5 phút), giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh.

Trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện, ngành Y tế đã triển khai có hiệu quả Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 hướng dẫn quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện; Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016; Tổ chức hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện (Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013) theo hướng áp dụng quy trình khám bệnh thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế… Bệnh viện ở các tuyến, kể cả tuyến huyện sau khi áp dụng 83 Tiêu chí chất lượng đã có sự cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh rõ rệt và ngày càng tăng lên. Theo kết quả đánh giá 1.400 bệnh viện trên toàn quốc, điểm trung bình chất lượng bệnh viện trên toàn quốc năm 2019 ở mức 3,19/5, trong đó các bệnh viện tuyến quận/huyệt đạt mức 3,02/5, thể hiện chất lượng bệnh viện tuyến dưới đang thu hẹp dần với bệnh viện tuyến trên.

Việc nâng cao chất lượng hoạt động lâm sàng và thực hiện các hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 07/2015/TT-BYT áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh, Thông tư số 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật…

Về thực hiện các hoạt động để giảm tải các bệnh viện cho tuyến trên: Theo kết quả khảo sát năm 2018 tại 723 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ các khoa lâm sàng được cải tạo là 43.3% (2.700 khoa), khoa cận lâm sàng là 48,1% (977 khoa). Tỷ lệ khoa lâm sàng được nâng cấp là 38,5% (1.039 khoa), khoa cận lâm sàng là 17,8% (362 khoa).

Số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường (Tuyến Trung ương tăng 4.980 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 11.279 giường; tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường); giường bệnh thực kê là 56.501 giường (Tuyến Trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 24.290 giường; tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường).

Đối với công tác phát triển mạnh mạng lưới bệnh viện vệ tinh: Đến nay đã có 23 bệnh viện hạt nhân, 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố, trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa cũng tham gia Đề án. Phát triển hệ thống phòng khám y học gia đình theo Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày 22/3/2013 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình giai đoạn 2013 - 2020. Triển khai Đề án Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025.

Xây dựng và triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Đến nay có 32 bệnh viện tuyến trên tham gia Đề án; trong đó có 25/32 bệnh viện tổ chức Trung tâm Khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%) và thực hiện các cuộc hội chẩn thường quy. Các bệnh viện khác hiện đang xây dựng kế hoạch thực hiện.

Qua số liệu tổng hợp hơn 3.000 ca bệnh và 794 buổi hội chẩn đã được diễn ra, kết nối hơn 6.000 đầu cầu, 155 ca bệnh nguy kịch đã được cứu sống nhờ hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đây là những con số rất tích cực thể hiện hiệu quả Đề án khám chữa bệnh từ xa và việc triển khai công nghệ thông tin đối với lĩnh vực y tế, rút ngắn khoảng cách địa lý, kết nối các cơ sở y tế và mở ra cơ hội được điều trị có chất lượng cho rất nhiều bệnh nhân trên cả nước.

Ở tuyến dưới, chất lượng dịch vụ y tế hạn chế hơn so với tuyến trên tuy nhiên sau khi triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, 1.500 bệnh viện tuyến dưới đã được kết nối vào mạng lưới qua hệ thống Viettel. Đã có trên 4.000 nhân viên y tế tuyến trên và hơn 15.000 nhân viên y tế tại tuyến dưới đã được kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong công tác khám chữa bệnh và tư vấn. Các cơ sở y tế tuyến dưới đã được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Các bệnh viện bố trí lịch vào 1, 2 ngày trong tuần đều tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến Telehealth.

Với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho tất cả người dân, kể cả những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hệ thống các phòng khám chữa bệnh ban đầu từ xa đã được các bệnh viện phối hợp và thiết lập. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho người dân tại khu vực tuyến dưới được tiếp cận với các y bác sĩ tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh tế.

Với việc triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, trong thời gian tới Bộ Y tế không chỉ tăng cường đội ngũ bác sĩ cho các tuyến mà còn góp phẩn đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trong đổi mới, nhìn chung chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện hiện vẫn ở mức thấp, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao nên vẫn còn khó khăn.

Việc xã hội hóa y tế vẫn còn nhiều hạn chế do chính sách chưa rõ ràng, sự bất bình đẳng giữa y tế công và y tế tư, chính sách bảo hiểm xã hội… nhất là thiếu cơ chế chính sách đảm bảo cho nhà đầu tư khiến cho nguồn vốn đầu tư vào y tế vẫn chưa tương xứng, thủ tục đầu tư còn rườm rà.

Y tế tuyến cơ sở là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận nhưng do người dân chưa tin tưởng vào cơ sở y tế tuyến dưới, do chất lượng kỹ thuật chưa cao, đội ngũ cán bộ y tế mỏng, năng lực còn hạn chế. Mặt khác, người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu một phần do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015 người bệnh bảo hiểm y tế được quyền lựa chọn khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến trạm y tế xã.

Đội ngũ cán bộ y tế năng lực chuyên môn còn hạn chế, thiếu kỹ năng trong các lĩnh vực như: Sơ cứu, khám phát hiện sớm quản lý các bệnh không lây nhiễm và ít có cơ hội được đào tạo liên tục; danh mục thuốc cán bộ y tế xã được phép kê đơn rất hạn chế; ít có điều kiện thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Mức gia tăng chi cho y tế khó duy trì do những hạn chế trong nguồn ngân sách Nhà nước. Năm 2018 vẫn còn 20% dân số chưa có bảo hiểm y tế, chủ yếu thuộc nhóm lao động không chính thức hoặc lao động trong các doanh nghiệp nhỏ.

Giải pháp

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành Y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng từ trung ương đến cơ sở, tập trung phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, ngành y tế đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến y tế cơ sở để người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất... Ngoài ra, tiếp tục cải cách hành chính trong khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội để tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn; kịp thời đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách bảo hiểm y tế và chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế.

Hai là, hiện nay, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân càng ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Do đó, nhân viên y tế cần đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Cùng với đó, hội nhập quốc tế cũng ảnh hưởng đến việc các cơ sở y tế tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, kỹ thuật y học mới, tiên tiến mà trước đó không có. Chất lượng các dịch vụ y tế tăng lên và loại hình dịch vụ cũng đa dạng hơn nhờ tiếp cận tốt hơn với khoa học - công nghệ thế giới và dược phẩm nhập khẩu. Do đó, các bệnh viện cần thấy được sự quan trọng trong việc nâng cao vị thế của mình trong hội nhập qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng tiến tới tiêu chuẩn của thế giới.

Ba là, chính sách xã hội hóa y tế đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho các bệnh viện mạnh dạn tham gia đầu tư góp vốn, thành lập các cơ sở khám, chữa bệnh, góp cổ phần mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Có thể nói, chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính trong lĩnh vực y tế sẽ bảo đảm cho sự phát triển bền vững về tài chính của các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, các chính sách này cũng đang dẫn đến thực trạng là phá vỡ mô hình định hướng cơ bản của hệ thống y tế theo hướng công bằng, ổn định và phát triển. Các bệnh viện Trung ương đang phải gánh một lượng bệnh nhân khổng lồ.

Do vậy, các bệnh viện cần phải tăng hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng được lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Hiệu quả hoạt động của bệnh viện công lập tăng lên, hiệu suất xử lý khám, chữa bệnh sẽ nhanh hơn, tránh được tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Việc này đòi hỏi các bệnh viện phải có một nền tảng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế tốt và cập nhật trình độ tiên tiến, hiện đại; hệ thống thông tin y tế và cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh năng động, tài chính vững mạnh và đặc biệt là tài chính y tế phải được sử dụng hiệu quả.

Cùng với đó, trình độ nhân lực y tế cũng cần được nâng cao. Ngoài việc thực hiện nghiêm các chuẩn mực về y đức, lấy người bệnh làm trung tâm, nguồn nhân lực y tế cần được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực để có thể sử dụng các loại máy móc hiện đại, tiến gần tới các phương pháp khám, chữa bệnh mới trên thế giới.

Bốn là, xây dựng một thị trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh cho cả bệnh viện công và bệnh viện tư nhân. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hoàn thiện hệ thống chính sách về khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các tuyến; tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh viện tư nhân, không chỉ nội địa mà còn cả các bệnh viện có vốn nước ngoài hoạt động và phát triển; cần “buông” dần việc trợ cấp, hỗ trợ, ưu ái cho khu vực bệnh viện công, đồng thời xiết chặt việc quản lý chất lượng dịch vụ y tế.

Việc tạo điều kiện cho một thị trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh về dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ có vai trò tích cực thúc đẩy các bệnh viện Trung ương cũng như các bệnh viện thuộc quản lý của Sở Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần có thông tin về tiếp cận các dịch vụ y tế được chia theo các nhóm thu nhập khác nhau, vùng thành thị và nông thôn để có thể tập trung đến các nhóm yếu thế, giúp bảo đảm cho người nghèo ít nhất đạt được mức ngang bằng với các nhóm khá giả hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Mai Văn Nam (2008). “Kinh tế lượng”, NXB Văn hóa Thông tin.

2. Lê Văn Huy, Nguyễn Đăng Quang (2013). Thang đo chất lượng dịch vụ bệnh viện. Tạp chí Phát triển Kinh tế.

3. Nguyễn Song Thất, (2012). Đo lường sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh, Đại học Nha Trang.

4. Nguyễn Thị Kim Chi, (2013). Đánh giá mức độ hài lòng của bệnh nhân nội trú đối với chất lượng dịch vụ y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh, Đại học Nha Trang.

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Bệnh viện Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội

Tạp chí in số tháng 11/2021
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam - Vai trò của ngành ngân hàng
TCTD là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thuận tiện và phù hợp với nhu cầu nhằm góp phần tạo cơ hội luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.