Sự phát triển quan điểm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường của các trường phái kinh tế

03/12/2021, 16:41

TCDN - Tại Việt Nam, sau hơn 35 năm chuyển đổi mô hình kinh tế, chúng ta thấy việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chiến lược đúng đắn, phù hợp quy luật phát triển. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn còn gây nhiều tranh luận.

1

Tóm tắt

Bài viết này góp phần hệ thống hóa lại quan điểm của các trường phái kinh tế trong lịch sử; đánh giá quá trình thay đổi quan điểm về vai trò nhà nước; về mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong nền kinh tế. Từ đó, tác giả đề xuất những gợi ý chính sách cho quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Đặt vấn đề

Trong dòng chảy lịch sử kinh tế thế giới, kinh tế thị trường hình thành và phát triển trải qua nhiều thế kỷ, qua nhiều phương thức sản xuất khác nhau và được hoàn thiện trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong đó, riêng về vấn đề vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường, các trường phái kinh tế chia thành hai nhóm: một bên đề cao vai trò của thị trường (Phái Trọng nông, Kinh tế chính trị Tư sản cổ điển Anh, giai đoạn đầu của trường phái Tân cổ điển…) và một bên đề cao vai trò của nhà nước (Trường phái trọng thương, trường phái Tân cổ điển, trường phái tự do mới, trường phái Keynes…).

Tại Việt Nam, sau hơn 35 năm chuyển đổi mô hình kinh tế, chúng ta thấy việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chiến lược đúng đắn, phù hợp quy luật phát triển. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn còn gây nhiều tranh luận, trong đó vấn đề vai trò của nhà nước, vấn đề mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước là một điển hình.

1. Quan điểm của các trường phái kinh tế về vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

1.1 Quan điểm của trường phái Trọng thương

Phái Trọng thương là trường phái kinh tế đầu tiên khảo sát phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa về mặt lý luận. Theo phái Trọng thương, nhà nước phải tích cực can thiệp vào đời sống kinh tế để thu hút tiền tệ về càng nhiều và để cho tiền ra khỏi quốc gia mình càng ít càng tốt. Họ đã sử dụng tổng hợp các biện pháp hành chính và các biện pháp kinh tế như: tăng cường can thiệp của nhà nước vào đời sống kinh tế; cấm xuất khẩu tiền tệ (vàng, bạc); hạn chế nhập khẩu hàng hoá nước ngoài bằng cách lập hàng rào thuế quan cao bảo vệ mậu dịch trong nước; chỉ xuất khẩu thành phẩm, không xuất khẩu nguyên liệu; thực hiện thương mại trung gian, mang tiền ra nước ngoài để mua rẻ ở nước này, bán đắt ở nước khác… Tuy nhiên, đó là trước khi nền kinh tế thị trường xuất hiện.

1.2 Quan điểm của trường phái cổ điển Anh

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang hoàn thiện cuối thế kỷ XVIII, các nhà kinh tế học Trường phái cổ điển Anh chống lại sự can thiệp cứng nhắc, quá mức của nhà nước; nhưng họ không phủ nhận sự tồn tại khách quan của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Adam Smith (1723 - 1790) cho rằng nền kinh tế được điều tiết bởi “bàn tay vô hình”. Theo ông: “Bàn tay vô hình được hình thành bởi sự kết hợp của tính tư lợi, sự cạnh tranh, cầu và cung có khả năng điều tiết các nguồn lực trong xã hội”, nó giúp nền kinh tế vận hành ổn thoả và nhịp nhàng. Do đó, theo Smith, nhà nước chỉ cần thực hiện được ba chức năng cơ bản: i) bảo đảm môi trường hoà bình, không để xảy ra nội chiến, ngoại xâm; ii) tạo ra môi trường thể chế cho phát triển kinh tế thông qua hệ thống pháp luật; iii) cung cấp hàng hoá công cộng. Tư tưởng này đã thống trị trong học thuyết kinh tế phương Tây từ năm 1776.

1.3 Quan điểm của trường phái Tân cổ điển

Đến đầu thế kỷ XX, trường phái Tân cổ điển ra đời và họ tiếp tục quan điểm của các nhà kinh tế Cổ điển Anh, tức là không xem xét vai trò của nhà nước một cách biệt lập mà đặt nó trong một hệ thống lý thuyết chung. Họ đưa ra một quan niệm tổng quát về nền kinh tế thị trường để từ đó đánh giá vai trò của nhà nước. Theo phái Tân cổ điển, nền kinh tế thị trường là một hệ thống mang tính ổn định, mà sự ổn định bên trong là thuộc tính vốn có chứ không phải là kết quả sự sắp đặt của nhà nước. Khả năng đó được quyết định bởi một cơ chế đặc biệt - “cơ chế cạnh tranh tự do”. Điển hình trong trường phái này là Lý thuyết Cân bằng tổng quát của Léon Walras. Theo Walras, trong nền kinh tế thị trường có 3 loại thị trường: i) Thị trường sản phẩm là nơi mua bán các loại hàng hoá; ii) Thị trường tư bản là nơi cho vay tư bản, lãi suất tư bản cho vay là giá của tư bản; iii) Thị trường lao động: nơi thuê mướn công nhân, tiền lương hay tiền công là giá cả của lao động. Ba thị trường này độc lập với nhau, song chúng có quan hệ với nhau qua hoạt động của doanh nhân. Trong nền kinh tế thị trường, trạng thái cân bằng được thực hiện thông qua tự do cạnh tranh, thông qua sự dao động tự phát của cung cầu và giá cả hàng hoá trên thị trường.

Trường phái Tân cổ điển khuyến nghị nhà nước nên dừng ở ba chức năng chính: i) Duy trì ổn định chính trị; ii) Tạo môi trường pháp luật ổn định và chính sách thuế khóa hợp lý, khuyến khích người tiêu dùng; iii) Sử dụng hợp lý ngân sách quốc gia, hướng chi tiêu ngân sách cho mục tiêu phát triển kinh tế như đào tạo nhân lực, nghiên cứu cơ bản để đổi mới công nghệ, hỗ trợ cho những ngành sản xuất có triển vọng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới... Ngoài ra, nhà nước không nên can thiệp gì thêm, hãy để cho giới kinh doanh và người tiêu dùng quyết định những vấn đề còn lại.

1.4 Quan điểm của trường phái Keynes (trường phái trọng cầu)

Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933 đã gây nên cuộc “khủng hoảng thừa” lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ I, đánh dấu sự suy sụp kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Tình hình đó đã đặt ra sự hoài nghi về vai trò của “bàn tay vô hình”, về khả năng tự điều tiết của thị trường. Trước tình hình đó, John Maynard Keynes, nhà kinh tế học người Anh, cho rằng cần phải tổ chức lại toàn bộ hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa theo nguyên tắc kinh tế có điều tiết. Ông đã làm một cuộc cách mạng về lý thuyết kinh tế, trong đó nhấn mạnh vai trò của “bàn tay hữu hình”, vai trò nhà nước trong điều tiết nền kinh tế.

Theo J.M.Keynes, muốn thoát khỏi khủng hoảng, thất nghiệp và suy thoái, nhà nước phải trực tiếp điều tiết kinh tế. Cách thức điều tiết là thông qua những chương trình công cộng và dùng những chương trình này để kích thích, duy trì tốc độ gia tăng ổn định của tổng cầu. Khi tổng cầu tăng sẽ kích thích sức sản xuất, các doanh nghiệp hoạt động mở rộng sẽ thu nhận thêm nhân công, thất nghiệp được giải quyết và sản lượng quốc gia tăng lên.

1.5 Quan điểm của trường phái tự do mới

Khác với học thuyết Keynes, từ những năm 1930, chủ nghĩa tự do mới xuất hiện và phát triển mạnh mẽ. Trường phái này một mặt kế thừa quan điểm tự do kinh tế của phái Cổ điển, nhấn mạnh khả năng tự điều tiết của các quan hệ thị trường như một thuộc tính tự nhiên; mặt khác, họ lại muốn xây dựng một hệ thống lý thuyết mới nhằm điều tiết nền kinh tế thị trường hiện đại một cách hiệu quả hơn. Theo Chủ nghĩa tự do mới, sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường hiện đại có khả năng tự điều tiết cao nên phương châm của họ là: “thị trường nhiều hơn, nhà nước can thiệp ít hơn”.

Chủ nghĩa tự do mới ở Mỹ biểu hiện thành nhiều trào lưu cụ thể như: phái Trọng tiền (phái Chicago), phái Trọng cung và phái Kinh tế vĩ mô mong đợi hợp lý. Nhìn chung, các phái của chủ nghĩa tự do mới ở Mỹ đều cho rằng chính sách can thiệp kinh tế của nhà nước có hại nhiều hơn là có lợi và cần giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế.

Ở Đức, quan điểm tự do mới biểu hiện rõ ở Lý thuyết chủ nghĩa thị trường xã hội. Trong nền kinh tế thị trường xã hội, các quá trình kinh tế - xã hội vận hành trên nguyên tắc cạnh tranh có hiệu quả và phát huy cao độ tính chủ động và sáng kiến của các cá nhân. Do đó, chính phủ chỉ can thiệp vào nơi nào cạnh tranh không có hiệu quả, ở nơi cần phải bảo vệ và thúc đẩy cạnh tranh có hiệu quả trên hai nguyên tắc hỗ trợ và tương hợp…

1.6 Quan điểm của trường phái chính hiện đại

Đến những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, Trường phái chính hiện đại xuất hiện như một sự dung hòa và xích lại gần nhau giữa hai khuynh hướng trước đó: (1) tuyệt đối hóa vai trò của Nhà nước, xem nhẹ vai trò của cơ chế tự điều chỉnh của Trường phái Keynes và (2) chỉ chấp nhận vai trò điều tiết kinh tế của nhà nước trong một phạm vi hạn chế của Chủ nghĩa tự do mới. Đại biểu nổi bật trong trào lưu này là P.A. Samuelson với quan điểm về Nền kinh tế hỗn hợp. Samuelson cho rằng nền kinh tế thị trường có ba tiêu chí cơ bản: hiệu quả, công bằng và ổn định.

1.7 Một số kết luận mang tính quy luật về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường

Từ những quan điểm của các trường phái kinh tế về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, ta có thể rút ra một số vấn đề mang tính quy luật.

Thứ nhất, tất cả các trường phái kinh tế lớn trong thời cận và hiện đại đều đề cập đến vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, do tình trạng của nền kinh tế ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau, do những biến cố kinh tế lớn trong từng thời kỳ, do sự khác biệt về lợi ích của các giai cấp đứng sau các quan điểm lý thuyết nên cách tiếp cận và quan điểm cụ thể của mỗi trường phái là khác nhau. Mỗi cách tiếp cận đều có những ưu điểm và giới hạn nhất định, không một cách tiếp cận nào hoàn toàn tối ưu, có thể giải đáp được tất cả các tình huống khác nhau của nền kinh tế.

Thứ hai, cho đến nay, mặc dù đã tồn tại nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau nhưng trên thực tế chưa bao giờ tồn tại kiểu kinh tế thị trường hoàn toàn không có nhà nước. Nhà nước luôn là một bộ phận hữu cơ, tồn tại tất yếu trong cấu trúc tổng thể của kinh tế thị trường.

Thứ ba, xuyên suốt các trường phái kinh tế, vai trò nhà nước thể hiện ở chỗ nhà nước vừa là một chủ thể sở hữu, bên cạnh những chủ thể sở hữu khác; đồng thời là một chủ thể quản lý. Sự khác biệt giữa các giai đoạn lịch sử và các mô hình kinh tế thị trường chỉ ở chỗ tính chất của nhà nước như thế nào; cách thức can thiệp, quản lý điều tiết và hệ quả của sự can thiệp này ra sao đối với nền kinh tế.

2. Những hàm ý chính sách đối với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Đường lối đổi mới kinh tế theo hướng thị trường đã được chính thức khẳng định từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), khi thông qua kế hoạch cải cách kinh tế theo hướng “Đổi mới”. Đường lối này sau đó đã được thể chế hóa trong Hiến pháp (1992) và được tiếp tục phát triển trong các văn kiện của các Đại hội Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ Việt Nam về “phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trong quá trình đó, cùng với việc vận dụng các lý thuyết kinh tế và học tập các mô hình kinh tế thị trường ở các quốc gia khác, Việt Nam đã có những thành công nhất định trong việc hình thành và hoàn thiện cơ chế thị trường, cũng như điều chỉnh vai trò tương ứng của nhà nước trong nền kinh tế.

Một là, thay đổi cơ bản quan niệm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991) xác định nhiệm vụ của nhà nước: “Bộ máy nhà nước từng bước chuyển sang chức năng quản lý nhà nước, khắc phục dần sự can thiệp vào điều hành kinh doanh...” và đề ra phương hướng “Nhà nước quản lý kinh tế theo định hướng, dẫn dắt, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh,… đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế và xã hội…”.

Tiếp đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996), Đại hội IX (2001) đã xác định rõ định hướng đổi mới chính sách căn bản là: “Tiếp tục đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước đối với nền kinh tế. Đổi mới hơn nữa công tác kế hoạch hóa, nâng cao công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” (Đại hội IX).

Đến Đại hội XI (2011), báo cáo chính trị nêu rõ: “Phân định rõ hơn chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước và chức năng của các tổ chức kinh doanh vốn và tài sản nhà nước”.

Đại hội XII (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển”.

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có mối quan hệ chặt chẽ và tiếp tục yêu cầu phải nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý nền kinh tế; đồng thời, có nhiều nhận thức mới, quan điểm mới làm rõ hơn mối quan hệ này.

Hai là, phát huy vai trò của nhà nước trong việc sửa chữa những “khiếm khuyết của thị trường” thông qua các chính sách bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên và môi trường…

- Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế; tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế của các cơ quan nhà nước, chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước của Nhà nước ra khỏi chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chuyển từ quản lý cụ thể các hoạt động của nền kinh tế sang quản lý tổng thể nền kinh tế quốc dân; chuyển từ can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế sang can thiệp gián tiếp thông qua hệ thống pháp luật, kế hoạch, cơ chế chính sách và các công cụ điều tiết vĩ mô. Nhà nước thực hiện chức năng này thông qua các công cụ kinh tế, pháp luật, hành chính.

- Coi trong đúng mức chức năng chủ sở hữu và sự tham gia trực tiếp của nhà nước vào lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ. Mặc dù trong thời gian gần đây, cùng với quá trình thay đổi tư duy và hội nhập kinh tế quốc tế, nhà nước đã giảm mạnh sự can thiệp của mình vào các lĩnh vực kinh tế nhưng sự tham gia trực tiếp của nhà nước trong nền kinh tế vẫn đóng vai trò quan trọng để phát huy mọi nguồn lực cho phát triển, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, vốn, tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

- Thực hiện tốt chức năng sửa chữa những “khiếm khuyết của thị trường”.

Bên cạnh việc chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, Việt Nam còn phải thực hiện mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển bền vững. Cần nhận thức rằng thị trường là điều kiện cần chứ không thể là điều kiện đủ cho một xã hội tự do, thịnh vượng, công bằng và ổn định. Do đó, bên cạnh vai trò xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng và cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh, nhà nước còn phải thực hiện chức năng can thiệp vào nền kinh tế với mục tiêu sửa chữa những khuyết tật của thị trường. Ngoài ra, nhà nước cần đổi mới trong chức năng bảo đảm phúc lợi thông qua chính sách phân phối thu nhập, các chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu tiên phát triển các vùng then chốt…

Kết luận

Từ các lý thuyết kinh tế và thực tiễn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng vai trò nhà nước đối với nền kinh tế không phải là vấn đề bất biến mà linh hoạt thay đổi tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Do đó, đối với từng hoàn cảnh lịch sử, việc nhân thức đúng và phát huy hiệu quả vai trò nhà nước; giải quyết hài mối quan hệ giữa “bàn tay vô hình” của thị trường với “bàn tay hữu hình” của Nhà nước luôn là vấn đề cấp bách cần nhận thức và giải quyết triệt để.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Mai Ngọc Cường, Giáo trình Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng về phát triển kinh tế - xã hội từ Đổi mới (năm 1986) đến nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.

Nguyễn Thị Quý - Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Nguyễn Hữu Lợi - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế

Bạn đang đọc bài viết Sự phát triển quan điểm về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường của các trường phái kinh tế tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm”
Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là việc cán bộ với tư duy, cách làm mới tạo ra những thay đổi, tiến bộ để giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra bằng các giải pháp sáng tạo, đột phá, mang lại những giá trị mới, thiết thực, hiệu quả.
Một số ý kiến về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong làn sóng đại dịch lần thứ tư ở Việt Nam
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp, chủ yếu mang tính ngắn hạn.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam
Về việc duy trì ổn định giá trị đồng tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bám sát diễn biến thị trường nhằm kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu lạm phát, ổn định thị trường.