Một số ý kiến về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong làn sóng đại dịch lần thứ tư ở Việt Nam
TCDN - Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp, chủ yếu mang tính ngắn hạn.
Tóm tắt
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các doanh nghiệp (DN) nói riêng. Các DN vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ các đợt sóng dịch bệnh trước thì đợt sóng lần thứ tư càng chất thêm các khó khăn, làm cho nhiều DN trên bờ vực phá sản. Do vậy, rất cần phải có các chính sách can thiệp của Nhà nước để cứu các DN.
1. Thực trạng các doanh nghiệp
Làn sóng thứ tư của dịch bệnh đã làm các DN khỏe và trung bình cũng đã bị tác động tiêu cực nặng nề, dẫn đến đóng cửa dừng hoạt động hoặc phá sản. Về quy mô của DN, bị ảnh hưởng trên diện rộng, đáng kể nhất là với các DN siêu nhỏ và DN nhỏ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (hợp tác xã) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 90% hợp tác xã giảm doanh thu và lợi nhuận; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm hơn 50% tổng số lao động.
Trong các ngành bị ảnh hưởng, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh, tăng trưởng thấp, chỉ đạt 3,96% so với cùng kỳ năm 2020; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục giảm mạnh (5,12%), dịch vụ vận tải và kho bãi giảm 0,39%. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Hoạt động tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thủy sản tươi/đông lạnh và có tính thời vụ cao bị ảnh hưởng lớn; có tình trạng giá nông sản giảm tại chỗ, ứ hàng cục bộ nhưng giá bán nông sản tới người tiêu dùng trong nước không giảm. Một số ngành, lĩnh vực khác chịu ảnh hưởng lớn thời kỳ đầu bùng phát dịch bệnh bao gồm dệt may và sản xuất da, các sản phẩm từ da, điện tử tiêu dùng, sản xuất, lắp ráp ô tô...
Thực tế đó đang đòi hỏi các cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp, chủ yếu mang tính ngắn hạn, ứng phó với dịch bệnh như: Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 về việc giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết số 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 22/4/2020, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19… Các bộ, ngành ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn hỗ trợ theo thẩm quyền…
Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống, ví dụ như vì khó khăn về thủ tục nên gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% dành cho DN để trả lương cho người lao động mất việc vì Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020 gần như không có được kết quả bao nhiêu. Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ hỗ trợ DN vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai, đến ngày 17/9, hệ thống đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền trên 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động. Trong đó đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh thành phố. Con số như vậy là quá ít trong bối cảnh rất nhiều DN cần hỗ trợ.
Số lượng DN nộp hồ sơ vay vốn trả lương cho người lao động như vậy là rất ít so với nhu cầu hiện nay mà thực trạng này bắt nguồn từ thủ tục còn khó khăn cộng với tình trạng giãn cách xã hội làm cho việc đi lại rất khó khăn. Nhiều DN phản ánh đang gặp những khó khăn trong các điều kiện vay vốn, nhất là yêu cầu DN phải có quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 và hiện không có nợ xấu. Trong điều kiện dịch dã kéo dài, những yêu cầu đó là quá khó với DN.
2. Một số đề xuất chính sách
2.1 Về định hướng chung
1) Cần phải có cách tiếp cận kết hợp: Khoanh vùng dịch bệnh và thích ứng với sự tồn tại dai dẳng của Covid cùng với phục hồi nền kinh tế. Như vậy, cần phải xác định nền kinh tế vẫn có thể phục hồi trong khi vẫn còn Covid. Tuy nhiên, mở rộng diện tiêm chủng vắc-xin có hiệu quả và kịp thời là điều kiện quan trọng và tiên quyết để phục hồi kinh tế thành công. Do vậy, cách thức kết hợp, lộ trình dỡ bỏ giãn cách và mở cửa nền kinh tế cần được xây dựng cẩn trọng có tính tới các phương án và kịch bản khác nhau.
2) Trong bối cảnh nền kinh tế, DN và người dân chịu tác động rất mạnh của bệnh dịch, các giải pháp kiểm soát dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế trước tiên phải lấy DN và người dân làm trung tâm và là mục tiêu của các chính sách can thiệp. Duy trì được cho DN sống sót, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh ở mức tối thiểu là yêu cầu đầu tiên.
3) Chính phủ nên xem xét giải cứu tất cả DN gặp khó khăn vì các DN khác nhau cho đến thời điểm này đều đã yếu đi rất nhiều, nhiều DN đã và đang trên bờ vực phá sản. Việc cứu trợ là cấp thiết hơn bao giờ hết do đó không nên phân biệt DN nào. Còn trong tình huống bắt buộc phải lựa chọn một số đối tượng để giải cứu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm do nguồn lực có hạn, thì cần có các tiêu chí phù hợp, bao gồm: DN có triển vọng phục hồi tốt, có năng lực cạnh tranh và chống chịu, thuộc ngành hàng ưu tiên hay thiết yếu, các DN lớn có đóng góp và có ảnh hưởng lớn ở thị trường vì DN lớn mà đổ vỡ có thể kéo theo nhiều đổ vỡ khác trên thị trường.
4) Cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở trên các lĩnh vực khác nhau.
5) Cần phát huy các động lực của các trụ cột của tăng trưởng kinh tế, trong đó đặc biệt là xuất khẩu, đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa. Cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam, tận dụng lợi thế của các FTA thế hệ mới. Hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ trong việc khắc phục các tình huống bị phạt thẻ vàng đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính. Khẩn trương thúc đẩy giải ngân đầu tư công thông qua các cơ chế bảo lãnh cách làm mới, sáng tạo, bảo vệ người dám làm, dám đột phá. Xem xét các hình thức kích cầu tiêu dùng thông qua các công cụ lãi suất và tín dụng.
6) Xem xét mở cửa cho phép người lao động có đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh (tiêm hai mũi vaccine) có thể tham gia hoạt động sản xuất và các hoạt động xã hội khác một cách bình thường để đảm bảo nguồn lao động bị thiếu hụt do dãn cách xã hội và do di cư trở lại quê hương của lao động.
2.2. Một số giải pháp chính sách chủ yếu
2.2.1. Hỗ trợ sản xuất kinh doanh
- Hỗ trợ miễn, giảm thuế: Giảm mạnh thuế thu nhập DN cho các DN có doanh thu dưới ngưỡng tối thiểu, giảm thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực, ngành hàng.
- Ưu đãi về tín dụng ngân hàng: Tiếp tục giảm lãi suất, lãi vay từ phía các ngân hàng thương mại để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của DN; xem xét cấp tín dụng mới với lãi suất ưu đãi và bằng hình thức tín chấp hoặc thế chấp bằng hàng hóa.
- Cho phép các DN khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, dãn, hoãn nợ, hoãn các nghĩa vụ đóng góp về bảo hiểm, công đoàn và các nghĩa vụ khác.
- Hỗ trợ đầu tư tư nhân, nhất là DNNVV, theo hướng áp dụng công nghệ nhiều hơn, tăng cường chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Tiếp tục tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh để thu hút các DN FDI theo hướng chọn lọc, hướng tới những dự án có tính lan tỏa lớn (liên kết ngành) cho các DN trong nước (nhất là công nghiệp hỗ trợ), đi liền chuyển giao công nghệ phù hợp và khuyến khích FDI kéo DN trong nước tham gia và/hoặc tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- Thúc đẩy các DN xuất khẩu thông qua việc tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu theo hướng thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy thương mại điện tử, đảm bảo tính an toàn, an ninh tiền tệ/số liệu, phát huy tối đa vai trò của công nghệ số trong thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ và sự đi lại, nhất là lưu chuyển hàng hóa bằng vận tải đa phương thức để bảo đảm cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, tăng cường sự hợp tác để tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông thủy sản có tính thời vụ...
- Rà soát để có chính sách hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực dịch vụ du lịch khi mở cửa có kiểm soát, coi đó như là những đột phá để phục hồi hoạt động kinh tế trong bối cảnh chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, cho phép DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, miễn, giảm thuế mạnh mẽ cho các DN lữ hành, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển kinh doanh dịch vụ lữ hành.
- Tạo điều kiện và phục hồi lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, tháo gỡ khó khăn về lao động và chuyên gia.
- Theo lộ trình hỗ trợ DN, liên tục đối thoại với DN (kể cả DN trong và ngoài nước) để nắm bắt và hỗ trợ kịp thời các DN trong những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát và điều chỉnh các chính sách chưa hợp lý, khó đi vào cuộc sống, để tăng cường hỗ trợ DN trong đại dịch.
2.2.2. Ổn định vĩ mô
Hiện tại, do kinh tế suy thoái và lãi suất thấp nên mức lạm phát Việt Nam vẫn ở mức chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo tiến trình kiểm soát Covid và phục hồi nền kinh tế, giá dầu và giá nguyên vật liệu tăng, rủi ro gia tăng lạm phát vẫn là hiện hữu. Chính vì vậy, để kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp, cần phối hợp hữu hiệu chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa. Kinh tế số là một nhân tố giúp giảm áp lực tăng giá từ yếu tố tiền tệ.
Nợ xấu của khu vực ngân hàng sẽ bộc lộ rõ hơn khi có tổng kết về hoạt động của các DN đã dừng hoạt động, phá sản và khi dự phòng rủi ro bắt đầu được áp dụng. Do vậy, cần phải cẩn trọng với xu hướng nợ xấu tăng nhanh.
2.2.3. Tận dụng đại dịch Covid-19 để đẩy nhanh phát triển kinh tế số và chuyển đổi số
- Cần nghiên cứu xây dựng, thực hiện nhóm giải pháp cụ thể khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử.
- Rà soát khung pháp lý, chính sách hiện hành có liên quan đến chuyển đổi số và các định hướng trong Chiến lược chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, xác định những bất hợp lý trên các phương diện khác nhau để có thể hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến chuyển đổi số.
- Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến quá trình chuyển đổi kinh tế truyền thống sang kinh tế số, nhất là trong công nhận, kiểm chứng các vấn đề khác nhau (ví dụ, tính chính danh cho việc nhận hỗ trợ đối với lao động chính thức trong lĩnh vực kinh tế truyền thống và trong kinh tế số; hoặc vấn đề hóa đơn điện tử). Những điều này giúp việc hỗ trợ người lao động, DN phi chính thức (theo nghĩa truyền thống) dễ dàng và kịp thời hơn.
- Xây dựng các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số ở các lĩnh vực truyền thống cho các DN nhỏ và vừa giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số ở Việt Nam.
- Chú trọng nâng cao trình độ và kỹ năng số cho DN và người dân, hỗ trợ người lao động, nhất là người yếu thế từng bước thích ứng với công nghệ số. Việt Nam cần tham gia tích cực hơn sáng kiến quản lý dữ liệu trong Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các yêu cầu về quy định dữ liệu trong ASEAN, đồng thời xác định các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy hiệu quả và điều phối.
2.3 Giải pháp trọng tâm, trước mắt để hỗ trợ DN
- Cần ban hành gói hỗ trợ mới cho DN: Dựa trên kinh nghiệm và xu hướng của các quốc gia trên thế giới và nhu cầu thực tế của DN, để gói kích thích ban hành “vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng” để thực thi nhanh vào cuộc sống.
Gói kích thích nhằm hỗ trợ DN kịp thời, bao gồm: Gia hạn nợ, khoanh nợ cho các DN, nhất là các DN trong khu vực dịch vụ; Thực hiện miễn, giảm thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh, miễn, giảm các nghĩa vụ đóng góp, chú ý đến khoanh nợ cho các DN bị tác động nặng nề; Cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; thuận lợi hóa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN; miễn giảm thuế trong đó có thuế VAT ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề và có tầm quan trọng để DN có thời gian phục hồi (Có thể xem xét một số chính sách cụ thể như: Giảm 100% thuế thu nhập DN năm 2021 cho các DN có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2022 cho các DN có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Miễn tiền phạt chậm nộp thuế năm 2021 cho các DN có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ; Gia hạn nộp thuế đất, tiền thuê đất….)
- Tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển: Cần đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển, thành lập tổ công tác liên ngành của các bộ và các cơ quan liên quan để rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu công-ten-nơ; tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với các hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.
- Khẩn trương xây dựng chính sách mở cửa cho thị trường du lịch quốc tế: Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “Hộ chiếu vaccine” cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 để nhanh chóng thí điểm phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở các trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng chống dịch: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An...
- Bảo toàn hoạt động của các khu công nghiệp: Cần coi các khu công nghiệp là các thành trì cần được bảo vệ và duy trì sản xuất, ngăn chặn để đảm bảo dịch không xâm nhập và lây lan tại các khu công nghiệp và một vài trọng điểm kinh tế. Bảo vệ và duy trì sản xuất các khu công nghiệp là bảo vệ uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phục hồi chuỗi cung ứng để giữ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số: Ngoài ra, dịch bệnh là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng suất lao động và bao trùm lên tất cả lĩnh vực. Tôi muốn đề cập đến thanh toán di động (mobile money). Ngoài thanh toán di động, chuyển đổi số cũng nên được đẩy nhanh ở các lĩnh vực sát sườn với người dân như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe - y tế, các ứng dụng giáo dục.
Bài tham luận tại Toạ đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn
Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
email: [email protected], hotline: 086 508 6899