Ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính:

Bằng chứng từ các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2017- 2019

07/10/2021, 11:06

TCDN - Trong hơn một thập kỷ qua, số lượng các công ty trên toàn thế giới nhận ra lợi ích kinh tế của các chính sách và biện pháp CSR đang ngày một gia tăng. Những cam kết CSR vượt ra khỏi mong muốn gia tăng lợi nhuận, và cho thấy công ty đã nhận thức một cách đầy đủ về trách nhiệm của mình.

Tóm tắt

Việc thực hiện các chính sách trách nhiệm xã hội là rất quan trọng đối với các tổ chức kinh doanh trong quá trình hội nhập thị trường vì nó không những mang lại lợi ích cho công ty mà còn cho cả xã hội, đặc biệt là làm tăng tính cạnh tranh của chính các công ty.

trachnhiemxh

1. Giới thiệu

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) từ lâu đã trở thành một chủ đề gây nhiều tranh luận cho tất cả các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà kinh tế học, và cả các chính trị gia trên toàn thế giới. Trong hơn một thập kỷ qua, số lượng các công ty trên toàn thế giới nhận ra lợi ích kinh tế của các chính sách và biện pháp CSR đang ngày một gia tăng. Những cam kết CSR vượt ra khỏi mong muốn gia tăng lợi nhuận, và cho thấy công ty đã nhận thức một cách đầy đủ về trách nhiệm của mình tới nhân viên, khách hàng, cộng đồng và môi trường. Nhiều công ty đã sử dụng CSR như một hướng kinh doanh mới khi nhận ra rằng nó có thể giúp nâng cao vai trò của nhà quản trị, cải thiện tình hình tài chính, nâng cao động cơ làm việc của các nhân viên, đẩy mạnh lòng trung thành của khách hàng cùng danh tiếng công ty đối với xã hội.

Nghiên cứu này sẽ đánh giá ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp (đo lường bằng ROA) trong giai đoạn 2017 - 2019. Nghiên cứu này sử dụng một số biến kiểm soát mà được xem là có ảnh hưởng lên mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả tài chính như quy mô công ty (Size), đòn bẩy tài chính (LEV), ngành (Industry). Đánh giá này tập trung vào toàn bộ doanh nghiệp, từ đó đưa ra một số ý tưởng trong các giải pháp.

2. Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lí luận

2.1. Quan điểm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả tài chính

Có rất nhiều những định nghĩa về trách nhiệm xã hội từ nhiều quan điểm khác nhau được đề cập và sử dụng tuỳ thuộc vào bối cảnh nghiên cứu. Mỗi tổ chức, chính phủ, DN có những khái niệm nhìn nhận khác nhau về CSR dưới những góc độ riêng, phụ thuộc vào điều kiện, đặc điểm, trình độ phát triển của mình. Theo Matten và Moon (2004) thì cho rằng CSR bao gồm các khái niệm đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp làm từ thiện, công dân doanh nghiệp, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. ISO 26000 (2010) cho rằng tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội bao gồm bảy yếu tố quab trọng: Quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm với người lao động, môi trường, quyền con người, quản lý tổ chức minh bạch, người tiêu dùng, đóng góp cho cộng đồng.

Theo Ủy ban Kinh tế Thế giới về phát triển bền vững thì trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là doanh nghiệp cam kết nhằm đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, cộng đồng và cho toàn xã hội theo cách đem lại cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển của cộng đồng - xã hội.

Như vậy, với sự phát triển của xã hội theo thời gian mở rộng đối tượng của mình ra nhiều doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Các doanh nghiệp đã ý thức được việc hoạt động kinh doanh của mình có ảnh hưởng trực tiếp đối với vấn đề xã hội xung quanh. Mặc dù, có rất nhiều tranh luận về một định nghĩa rõ ràng và thống nhất về CSR do bản thân khái niệm này là một thuật ngữ không rõ ràng và được hiểu dưới các tầng ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, sau rất nhiều định nghĩa CSR thì khái niệm mà Ủy ban Cộng đồng Châu Âu và Hội đồng doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững được xem như là toàn diện và bao phủ toàn bộ các đặc điểm CSR, cho thấy rõ nhất bản chất của CSR. Do đó, nghiên cứu thống nhất theo khái niệm của Ủy ban Kinh tế Thế giới về phát triển bền vững.

Người ta cho rằng hiệu quả tài chính là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong chiến lược kinh doanh và quản lý ngày. Một trong những mục tiêu quan trọng mà tất cả các công ty phải cải thiện để tồn tại hay để đảm bảo yêu cầu của các bên liên quan của nó là hiệu quả tài chính.

Theo Richard và cộng sự (2009), không tồn tại một định nghĩa chính xác và phổ biến của hiệu quả tài chính mặc dù có một lượng lớn các công trình nghiên cứu và tài liệu xem xét hiệu quả tài chính như là biến phụ thuộc chính. Glick và cộng sự (2005) cho rằng có xu hướng sử dụng chỉ có một hoặc một số chỉ số để đại diện cho hiệu quả tài chính mà các nhà nghiên cứu hay dùng.

Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến hiệu quả tài chính cho những kết quả khác nhau có thể do thiếu sự đồng thuận hoặc do các cách đo lường khác nhau về hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Hiệu quả tài chính của một công ty có thể được đánh giá bởi một số chỉ tiêu dựa trên tài chính hoặc kế toán của công ty đó. Bằng cách quan sát tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của công ty, các chỉ số này có xu hướng đo lường lợi nhuận công ty. Một số biến cơ bản đại diện cho hiệu quả tài chính có thể là ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận trên tài sản), và ROS (lợi nhuận trên doanh thu). Trong nghiên cứu này, hiệu quả tài chính chỉ xem xét trên góc độ ROA.

2.2. Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hiệu quả tài chính

Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả tài chính có nhiều kết luận khác nhau. Câu hỏi các công ty có nên hay không nên tham gia vào các hoạt động trách nhiệm xã hội vẫn cần thiết một câu trả lời hợp lý và các nghiên cứu vẫn được thực hiện để tiếp tục tìm hiểu về mối quan hệ này.

Một số lượng đáng kể các nghiên cứu ủng hộ sự tồn tại của mối quan hệ cùng chiều giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả tài chính, theo thứ tự thời gian: Moskowitz (1972, 1975), Cochram và Wood (1984), Waddock và Graves (1997), Simpson và Kohers (2002).. Những kết quả này cũng được hỗ trợ bởi các phân tích tổng hợp gần đây ủng hộ ý tưởng rằng việc áp dụng các thực hành CSR và đáp ứng kỳ vọng của cổ đông có thể tạo ra lợi thế hoàn chỉnh và cải thiện kết quả của công ty (Allouche & Laroche, 2005; Margolis, Elfenbein, & Walsh, 2007; Peloza, 2009).

Lý thuyết các bên liên quan ủng hộ sự liên kết tích cực này (Freeman, 1984) bởi vì CSR cho phép các bên liên quan khác nhau hài lòng, do đó dẫn đến cải thiện danh tiếng bên ngoài của công ty và do đó, trong hoạt động của nó. Việc thực hiện các thực hành CSR cũng được coi là thực hiện trong bối cảnh của chiến lược khác biệt hóa đối với một bộ phận của công ty, dẫn đến tác động tích cực đến việc tạo ra giá trị cho công ty và lợi ích cho khách hàng của công ty, và tất nhiên là cải thiện hiệu suất của riêng mình (Baron, 2008; Maignan & Ralston, 2002).

Đầu tư vào CSR cũng có thể tạo ra sự trung thành cao hơn của khách hàng, các cơ hội thị trường mới và phát triển năng lực mới, v.v., cũng có thể dẫn đến cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty (Peloza, 2009). Carroll và Shabana (2010) giải thích cách các hoạt động CSR có thể có ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận dựa trên các lập luận của Kurucz, Colbert và Wheeler (2008). Những lập luận này liên quan cụ thể đến việc giảm chi phí và rủi ro đi kèm với việc áp dụng các hoạt động CSR, vì chúng làm giảm mối đe dọa của các quy định về môi trường, tránh phản ứng tiêu cực từ xã hội và mang lại lợi thế về thuế.

Theo những điều đã nói ở trên, giả thuyết sau được đề xuất:

H1: Có mối quan hệ cùng chiều giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả tài chính trong các công ty tại Việt Nam.

3. Phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu

3.1. Phương pháp nghiên cứu

Mẫu các công ty được lựa chọn trong nghiên cứu này gồm các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam có công bố báo cáo thường niên, trong đó có công bố đến CSR. Mẫu của nghiên cứu này là 293 doanh nghiệp niêm yết với 848 quan sát. Nghiên cứu này chọn khoảng thời gian nghiên cứu là ba năm (2017 - 2019) bởi đây là khoảng thời gian gần đây nhất, là thời điểm mà cho đến hiện tại các công ty đã công bố đủ báo cáo thường niên cho ba năm. Các biến kiểm soát bao gồm quy mô công ty, đòn bẩy tài chính và ngành công nghiệp. Biến quy mô công ty (Size), đòn bẩy tài chính (LEV) được tính toán bằng công thức: SIZE = Log (Tổng tài sản); LEV = Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản.

Trong nghiên cứu này CSR được tiếp cận trên 4 khía cạnh: môi trường, người lao động, cộng đồng, sản phẩm (khách hàng). Do đó có 5 biến bao gồm chỉ số CSR tổng thể và 4 chỉ số CSR thành phần. Để đánh giá tổng thể trách nhiệm xã hội và trách nhiệm xã hội với mỗi khía cạnh của công ty, tác giả thực hiện theo 3 bước: Xây dựng bảng hỏi cho các biến CSR thành phần; Chấm điểm các tiêu chí CSR; Tính toán từng chỉ số CSR thành phần và CSR tổng thể.

3.2. Kết quả của mô hình

Đa cộng tuyến là hiện tượng dùng để kiểm định xem giữa các biến độc lập trong mô hình liệu có xảy ra với nhau không hay đa cộng tuyến có xuất hiện trông mô hình không. Nếu như có hiện tượng đa cộng tuyến sẽ khiến cho kết quả bị sai lệch gây ảnh hưởng tới quá trình kiểm định.

Bang1

Từ bảng 1, chúng ta có thể thấy được hệ số VIF đều nhỏ hơn 2.5, độ sai biệt lớn hơn 0.5 khẳng định rằng đa cộng tuyến không xảy ra trong mô hình và không phải vấn đề nghiêm trọng khi chạy mô hình hồi quyKiểm định F-test để kiểm tra giữa mô hình OLS hay mô hình FEM phù hợp hơn. Bảng 2 cho thấy mô hình FEM là mô hình phù hợp hơn (Pvalue = 0.0000 < 0.05). Đối với kiểm định Hausment test, chấp nhận giả thuyết H0: mô hình REM phù hợp hơn mô hình FEM (Pvalue = 0.5236 > 0.05). Sau khi kiểm tra tiếp bằng Breusch-Pagan Lagrange (LM) test cho ra kết mô hình REM phù hợp hơn với mô hình OLS (Pvalue = 0.0000 < 0.05). Cuối cùng, mô hình phù hợp nhất là mô hình REM.

4. Thảo luận kết quả của mô hình và hàm ý chính sách

Với mức ý nghĩa 1% chúng ta thấy được có mối quan hệ cùng chiều giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, khi xét đơn biến thì chỉ có ảnh hưởng của trách nhiệm xã hôi lên thước đo kế toán của hiệu quả tài chính (ROA).

Bảng 2 chỉ ra rằng chỉ có LEV có ảnh hưởng lên hiệu quả tài chính với mức ý nghĩa 1%. Khi doanh nghiệp sử dụng nợ vay nhiều điều đó sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được gánh nặng thuế từ đó sẽ làm tăng hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều chứng tỏ doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, gây ra kiệt quệ tài chính, giảm hiệu quả của công ty. Tỷ lệ nợ quá cao cũng sẽ dẫn đến doanh nghiệp phá sản. Do đó, yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình hoạt động phải quản trị rủi ro một cách có hiệu quả để cân bằng tỷ lệ nợ của mình. Ngược lại, ở bảng 2 có thể nhận ra có sự ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội ảnh hưởng lên thước đo kế toán của hiệu quả tài chính (ROA). Khi trách nhiệm xã hội tổng thể tăng lên 1 đơn vị thì ROA sẽ tăng lên 0.0469 đơn vị với mức ý nghĩa 1%.

Như vậy, kết quả hồi quy cho thấy rằng việc thực hiện trách nhiệm xã hội có tác động tích cực lên hiệu quả tài chính với dữ liệu kế toán nhưng lại không có tác động lên hiệu quả tài chính với dữ liệu thị trường. 

Điều này cũng phản ánh rằng, trách nhiệm xã hội chưa phải là tác động quan trọng để các nhà đầu tư quan tâm đưa ra quyết định của mình trong thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó việc nhận thức về trách nhiệm xã hội của đa số các nhà đầu tư chưa tiếp cận rộng rãi, và đầy đủ cũng như việc thực hiện trách nhiệm xã hội là mang tính tự nguyện và chủ yếu các công ty niêm yết có quy mô lớn, có vị thế trên thị trường thực hiện. Những lý do trên phần nào giải thích được vì sao lợi ích mà trách nhiệm xã hội đem lại không ảnh hưởng lên hiệu quả tài chính thị trường.

Qua phân tích, có những khía cạnh của trách nhiệm xã hội có tác động tích cực lên hiệu quả tài chính của công ty trong bối cảnh Việt Nam. Vì vậy, việc trách nhiệm xã hội đang là một xu hướng mới bên cạnh các biện pháp truyền thống làm tăng giá trị công ty đang thu hút nhiều sự chú ý của các tổ chức. Do đó, việc thực hiện các chính sách trách nhiệm xã hội là rất quan trọng đối với các tổ chức kinh doanh trong quá trình hội nhập thị trường vì nó không những mang lại lợi ích cho công ty mà còn cho cả xã hội, đặc biệt là làm tăng tính cạnh tranh của chính các công ty.

Trong phạm vi bài báo này, tác giả đưa ra 2 hàm ý chính sách với chính phủ như sau:

Thứ nhất, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Hệ thống pháp luật sẽ đặt ra khuôn khổ cho các doanh nghiệp không chỉ trong các hoạt động kinh doanh mà còn trong cả việc áp dụng thực hiện trách nhiệm xã hội Tuy nhiên khung pháp lý hiện tại của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót và bất cập đã tạo điều kiện cho các tổ chức có thể lợi dụng các kẽ hở pháp lý để tránh các nghĩa vụ đạo đức và trách nhiệm xã hội.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và có chính sách khuyến khích và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm xã hội trong hoạt động kinh doanh của tổ chức. Nhận thức được đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội là cần thiết vì nhận thức đúng đắn dẫn đến hành động đúng cho các tổ chức.

Tài liệu tham khảo:

1. Peters, Richard, Xenophon Koufteros, and Shawn Berman. "Corporate social responsibility and the chief executive officer: determinants of a positive strategic intention towards corporate social responsibility." International Journal of Management and Enterprise Development 6.1 (2009): 38-54.

2. Freeman, R. E. (1984). Strategic management: A stakeholder approach. Marshfield, MA: Pitman Publishing Inc.

TS. Lê Thu Hương

Trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần CAND

Tạp chí in số tháng 9/2021
Bạn đang đọc bài viết Bằng chứng từ các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2017- 2019 tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan