Tổng quan nghiên cứu về chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán và một số quy định tại Việt Nam

28/06/2021, 16:28

TCDN - Trên thị trường chứng khoán (TTCK), tội phạm sẽ lợi dụng để rửa tiền bằng cách đưa tiền mặt bất hợp pháp đến các trung tâm giao dịch chứng khoán để mua cổ phiếu chứng khoán, trái phiếu chính phủ.

Tóm tắt

Bên cạnh thị trường hàng hoá, thị trường tài chính và đặc biệt là thị trường chứng khoán cũng tồn tại các hành vi rửa tiền bất hợp pháp. Bài viết cung cấp các nghiên cứu tổng quan về phòng chống rửa tiền nói chung và nói riêng trên thị trường chứng khoán. Qua đó, bài viết cũng tổng hợp một số Luật, quy định cho hành vi rửa tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh thị trường hàng hoá, thị trường tài chính và đặc biệt là thị trường chứng khoán cũng tồn tại các hành vi rửa tiền bất hợp pháp. Bài viết cung cấp các nghiên cứu tổng quan về phòng chống rửa tiền nói chung và nói riêng trên thị trường chứng khoán. Qua đó, bài viết cũng tổng hợp một số Luật, quy định cho hành vi rửa tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

1. Khái quát chung về hoạt động rửa tiền trên thị trường chứng khoán

Rửa tiền là hoạt động được quan tâm và đang trở thành mối đe dọa lớn trên toàn thế giới. Hoạt động rửa tiền có những tác động tiêu cực lên mọi mặt của xã hội từ kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Nó không chỉ khiến cho tội phạm và tham nhũng gia tăng mà còn gây ảnh hưởng xấu đế hoạt động thương mại quốc tế, làm suy yếu hệ thống tài chính trong nước và khiến nền kinh tế bị tổn thương. Các quốc gia càng có tình trạng kinh tế yếu càng là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi sự tác động của hoạt động rửa tiền.

Theo Ioannis P. (2017), hành động che giấu nguồn gốc của tiền thu được bất hợp pháp được gọi là rửa tiền. Ở Việt Nam, Luật phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 định nghĩa như sau: “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

a) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.”

Tóm lại, về bản chất, rửa tiền là hành vi cố tình hợp pháp hóa các thu nhập do phạm tội mà có. Ban đầu hành vi rửa tiền thường được gắn với tiền bất hợp pháp từ buôn bán ma túy, sau đó được gắn với tiền mặt và tài sản tài chính khác thu được từ các hình thức hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả trốn thuế. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cho phép tài sản tài chính phi vật chất được giao dịch nhanh chóng, đặc biệt là khi giao dịch trực tuyến, làm giảm khả năng phát hiện hoạt động rửa tiền của các cơ quan pháp luật. Đặc biệt là trong trường hợp các tài sản như chứng khoán, các giao dịch được đơn giản hoá và diễn ra một cách nhanh chóng.

Rửa tiền thường được mô tả bao gồm ba giai đoạn: Giai đoạn sắp xếp (Placement) là giai đoạn mà tội phạm tìm cách đưa các khoản tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội vào hệ thống tài chính để chuẩn bị thực hiện bước tiếp theo. Giai đoạn phân lớp (Layering) là khi các khoản tiền đã được đưa vào hệ thống tài chính sẽ được chuyển đổi qua lại giữa các tài khoản ngân hàng, các quốc gia, đầu tư dự án, mua bán qua lại... nhằm che giấu nguồn gốc của tài sản. Giai đoạn hoà nhập (Integration) là khi các khoản tiền chính thức nhập vào nền kinh tế hợp pháp và có thể sử dụng cho tất cả các mục đích.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), tội phạm sẽ lợi dụng để rửa tiền bằng cách đưa tiền mặt bất hợp pháp đến các trung tâm giao dịch chứng khoán để mua cổ phiếu chứng khoán, trái phiếu chính phủ. Hoặc tội phạm có thể chỉ cần mua chứng khoán bằng 'tiền bẩn' được giữ trong một hoặc nhiều tài khoản và sau đó sử dụng số tiền thu được từ giao dịch này như một khoản tiền hợp pháp. Để tránh sự chú ý và nghi ngờ của cơ quan quản lý, những lượng tiền mặt lớn có thể được chia thành các khoản tiền nhỏ hơn, ít đáng ngờ hơn và được gửi dần vào các tài khoản chứng khoán khác nhau. Hay TTCK cũng có thể trở thành nơi rửa tiền cho các doanh nghiệp, tổ chức niêm yết được lập ra với mục đích rửa tiền. Mục đích là đưa ‘tiền bẩn’ dưới dạng dòng tiền vào thị trường tài chính và nhận lại ‘tiền sạch’ khi kết thúc giao dịch. Ngoài ra, tội phạm có thể lợi dụng sơ hở liên quan đến việc nhận diện khách hàng. Theo quy định, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ không được giao dịch tiền mặt với khách hàng, khách hàng phải thực hiện nộp, rút, chuyển tiền thông qua các ngân hàng thương mại, khiến việc xác định các giao dịch đáng ngờ khó khăn hơn do không nhận biết được người thực hiện giao dịch nộp, rút, chuyển tiền có phải là chủ tài khoản sở hữu chứng khoán hay không.

Rửa tiền gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng cho các quốc gia, đặc biệt là những các quốc gia đang phát triển có hệ thống tài chính yếu kém, với những tác động chủ yếu sau: (1) Làm mất sự kiểm soát các chính sách kinh tế. Tại một số quốc gia mới nổi hay đang trong quá trình chuyển đổi, những khoản tiền bất hợp pháp này làm cho ngân quỹ của Chính phủ bị thu hẹp lại do bị thất thoát từ nguồn thu thuế. Kết quả là Chính phủ rơi vào tình trạng mất kiểm soát các chính sách kinh tế; (2) Làm suy yếu khu vực kinh tế tư nhân. Tội phạm rửa tiền thường sử dụng những công ty ngụy trang để trộn lẫn những khoản tiền bất hợp pháp với những khoản tiền hợp pháp. Với những khoản tiền bất hợp pháp, công ty ngụy trang có thể đưa ra những sản phẩm với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Điều này làm cho những doanh nghiệp hợp pháp rất khó khăn trong việc cạnh tranh với công ty ngụy trang, và có thể dẫn đến phá sản; (3) Lũng đoạn hệ thống tài chính. Rửa tiền gây nên những hậu quả tai hại cho các định chế tài chính, như gánh chịu các rủi ro về uy tín, nghiệp vụ, pháp lý. Một TTCK tồn tại hành vi rửa tiền sẽ gây ảnh hưởng đến tính thanh khoản của toàn bộ thị trường cũng như uy tín đối với nhà đầu tư.

Các tiêu chí để đánh giá một quốc gia tích cực đấu tranh phòng, chống rửa tiền (PCRT) là quốc gia đó phải: (i) Công nhận và tham gia ký kết các công ước quốc tế về PCRT; (ii) Có hệ thống pháp luật về PCRT được xây dựng trên các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF); (iii) Có tổ chức chuyên trách về đấu tranh PCRT và tổ chức tốt cuộc đấu tranh này. Nếu không có những điều kiện trên và để cho hoạt động rửa tiền phát triển thì quốc gia đó không phải là một đối tác tin cậy và không thể tham gia thị trường tài chính thế giới một cách toàn diện.

2. Một số quy định về chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực PCRT, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế về PCRT. Song song với đó là Nghị định số 116/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Cụ thể trong lĩnh vực chứng khoán, theo quy định tại khoản 5, Điều 22, Luật Phòng, chống rửa tiền, các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm: Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam; Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc; Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi; Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng; Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền của Quốc hội, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán...; Thanh tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo thuộc lĩnh vực chứng khoán...

Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, trong đó Điều 45 quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Theo khoản 1 Điều 45, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền; Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, biện pháp đánh giá tăng cường quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền, không báo cáo các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại khoản 5 Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền; Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Theo khoản 2 Điều 45, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định về kiểm toán nội bộ, rà soát khách hàng trong phòng, chống rửa tiền thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi không rà soát khách hàng và các bên liên quan theo các danh sách cảnh báo trước khi thiết lập mối quan hệ hoặc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng; Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi có khách hàng và bên có liên quan nằm trong các danh sách cảnh báo; không thực hiện kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 3 Điều 45, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền sau đây: Không ban hành và tuân thủ quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền; Không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật; không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Theo khoản 4 Điều 45, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền thì bị xử phạt tiền: Từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền; Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền; Từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh, tài khoản sử dụng tên giả theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền; Từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, tham gia hoặc tạo Điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền.

Theo khoản 5 Điều 45, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con không lưu giữ và cập nhật thông tin cơ bản về cơ cấu tổ chức, người sáng lập, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp niêm yết theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Theo khoản 6 Điều 45, Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định về chống tài trợ khủng bố thì bị xử phạt tiền: Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống khủng bố; Từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không tố giác tài trợ khủng bố.

Theo khoản 7 Điều 45, ngoài các mức xử phạt cụ thể như trên, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán cũng sẽ phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều 45 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Vũ Thị Thúy Vân

Đỗ Thị Thu Thủy

Đào Thị Nhật Lệ

Đại học Kinh tế quốc dân

Tạp chí in số tháng 6/2021
Bạn đang đọc bài viết Tổng quan nghiên cứu về chống rửa tiền trên thị trường chứng khoán và một số quy định tại Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan