Đại dịch Covid-19 tác động thế nào đến nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam

03/10/2021, 15:29

TCDN - Theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến năm 2020, khối lượng và giá trị giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đạt mức khoảng 80% trên tổng giá trị giao dịch, và con số này đạt 86% vào nửa cuối năm 2020.

Empty

Tóm tắt

Bài viết nhận định tầm quan trọng của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Nêu thực trạng của nhà đầu tư trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19. Từ những hạn chế cũng như tích cực của của thị trường ảnh hưởng đến nhà đầu tư cá nhân hiện tại, bài viết đưa ra khuyến nghị góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.

1. Đặt vấn đề

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường trong suốt thời gian qua. Theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến năm 2020, khối lượng và giá trị giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đạt mức khoảng 80% trên tổng giá trị giao dịch, và con số này đạt 86% vào nửa cuối năm 2020. Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), nhà đầu tư trong nước mở mới gần 621.000 tài khoản chứng khoán chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả 2 năm 2020 và 2019. Thanh khoản thị trường liên tục lập kỷ lục với nhiều phiên lên đến 23.000 - 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), thậm chí có phiên lên đến gần 30.000 tỷ đồng, hơn thế nửa trong tháng 8/2021 vừa qua có những phiên giao dịch với tổng giá trị đạt con số tương đương 2 tỷ USD.

2. Thực trạng đầu tư của nhà đầu tư chứng khoán trong giai đoạn vừa qua

2.1. Sự tăng trưởng mạnh trong thanh khoản

Sự tăng trưởng của TTCK trong năm 2020 và đến hết tháng 08/2021 bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp như hiện nay, có thể giải thích bởi một số lý do là:

Một là, đại dịch Covid-19 bùng phát lên nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam khiến hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội ở nhiều Tỉnh Thành nước ta dừng lại. Qua đó, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân công, thu hẹp hoạt động kinh doanh, đầu tư và cũng như ngưng hết mọi hoạt động. Nếu nhìn ở góc độ tiêu cực thì dịch bệnh và các lệnh phong tỏa, giãn cách làm người dân cả nước phải ở nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, đó lại là thuận lợi vì họ có nhiều thời gian rảnh rỗi muốn tìm kiếm thêm thu nhập thì khó tìm được kênh đầu tư nào tiện lợi hơn chứng khoán, việc đó có thể thực hiện giao dịch đặt lệnh online và đây được gọi là hiệu ứng TINA (There Is No Alternative -không có lựa chọn nào khác).

Hai là, Việt Nam cũng thực hiện điều chỉnh các loại lãi suất hiện hành để hỗ trợ nền kinh tế, mặt bằng lãi suất giảm khiến các kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn vì có mức sinh lời rất thấp. Do đó, cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. Ngoài ra, TTCK thường được xem là tấm gương phản ánh nền kinh tế. Có một điều trái ngược là đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả, trong khi kinh tế Mỹ và nhiều nước rơi vào suy thoái thì chứng khoán lại thăng hoa.

Ba là, hiệu ứng TINA xuất hiện ở Việt Nam năm 2020 khiến cho VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới, đạt hơn 1.200 điểm trong tháng 01/2021 và đạt mốc hơn 1.400 vào cuối tháng 06/2021. Nếu so với thời điểm năm 2007 có tình trạng nhà nhà, người người nói về chứng khoán, nhưng lượng vốn vào thị trường vẫn không quá đột biến so với giai đoạn trước đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết và quy mô TTCK khi ấy còn nhỏ so với nền kinh tế. Dòng tiền chảy vào chứng khoán khiến giá nhiều cổ phiếu lúc đó liên tục gia tăng và khi đó tạo ra cảm giác cho những người chậm đầu tư cảm thấy sốt ruột hơn, và hiệu ứng Fomo (Fear Of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ) phát huy tác dụng lên từng cổ phiếu riêng lẻ và phát huy lên toàn bộ TTCK.

Bốn là, thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong thời gian ngắn thay vì là trung và dài hạn như trước do những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid -19, nền kinh tế nói chung cũng như TTCK thế giới và trong nước nói riêng đều có thể xuất hiện những biến động không thể lường trước được. Do đó, việc nhanh chóng mua vào và bán ra cổ phiếu để chốt lời trong ngắn hạn là việc làm tất yếu nhằm giảm thiểu rủi ro trước diễn biến thị trường là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư.

2.2. Dư địa tăng giá cổ phiếu trong thời gian đến hết năm 2021

Hiện nay, lãi suất dự báo vẫn được duy trì thấp trong năm 2021 cộng hưởng với việc hệ thống giao dịch nâng cấp của HOSE được vận hành từ ngày 5/7/2021, ngoài ra, tình trạng dư nợ cho vay ký quỹ cao sẽ được giải quyết nhờ việc các công ty chứng khoán đang đẩy nhanh quá trình tăng vốn chủ sở hữu thì đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021.

2.3. Chính sách ưu tiên phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh chưa từng có đến kinh tế toàn cầu nói chung và của từng quốc gia nói riêng (theo nhandan.com.vn). Chính phủ tất cả các nước đều thực hiện các giải pháp chính sách vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế, trong đó yếu tố thực hiện cải cách cải thiện môi trường kinh doanh được coi là một trong các giải pháp chủ yếu. Đồng thời, theo Viện chiến lược và chính sách tài chính đã nêu: một môi trường kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sức chống chịu lâu dài của nền kinh tế và giúp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng.

Trên thực tế, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chịu tác động mạnh, phải đóng cửa, giải thể. Do đó, rất cần sự bảo đảm quyền tài sản và thực thi hợp đồng sau đại dịch, và điều đó cũng làm gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư. Ngoài ra, theo Bộ Công thương ngày 06/09/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp và qua đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

3. Một số khuyến nghị đối với nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn hiện nay

Một là, thật cẩn trọng hơn với rủi ro mặc dù tại Việt Nam kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vừa qua có những biện pháp tầm soát toàn dân tích cực và việc đẩy mạnh tiêm chủng tốt. Tuy nhiên, điều này không cam kết sự an toàn với những diễn biến bất thường của các biến thể SAR-CoV-2 mới trong thời gian sắp tới. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng hơn nửa tại Việt Nam và trên thế giới, những tác động tiêu cực tới nền kinh tế là không tránh khỏi. Tâm lý đám đông, hiệu ứng TINA hay FOMO đôi khi khiến người ta quên mất việc phòng ngừa rủi ro vì đang say với chiến thắng. Do đó, thị trường đang lên là lúc thị trường cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất

Hai là, cần cập nhật các kiến thức về thị trường, thông tin của của các cổ phiếu trên TTCK, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân phần lớn nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường (F0) còn hạn chế về kiến thức tài chính cũng như việc thiếu kinh nghiệm để xử lý những tình huống. Do đó, rất dễ gặp rủi ro trong quá trình đầu tư ban đầu, và khả năng xử lý cũng chưa phù hợp. Để nắm bắt được cơ hội đầu tư thì mỗi nhà đầu tư cá nhân cần trang bị kiến thức tài chính căn bản, hiểu về TTCK cũng như các thông tin đối với những thời điềm đầu tư phù hợp

Ba là, cẩn trọng với bong bóng chứng khoán, đặc điểm có thể nhận biết là chưa có dấu hiệu rõ ràng nhưng dòng tiền đổ vào chứng khoán lớn trong thời gian qua rất dễ tạo nên bong bóng cho chứng khoán.Việc quá nhiều NĐT tham gia trong thời gian ngắn với lượng tiền lớn dễ đẩy giá chứng khoán vượt quá giá trị thật. Tâm lý lướt sóng sẽ không bền mà nên kết hợp cả những mã cổ phiếu nắm giữ lâu dài

Bốn là, NĐT phải thận trọng với việc sử dụng tỷ lệ Margin cao. Đặc biệt, khi Margin đang ở mức cao, một số công ty chứng khoán đã vượt trần cho vay ký quỹ. Nếu NĐT sử dụng Margin cao sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn khi thị trường điều chỉnh. Do đó, NĐT chỉ nên sử dụng Margin khi có dòng tiền ổn định.

Tài liệu tham khảo:

1. Diễn biến, kinh nghiệm và bài học ứng phó đại dịch Covid-19.

2. Viện chiến lược và chính sách tài chính ngày 02/8/021. Cải cách môi trường kinh doanh để vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế.

3. Bộ công thương, ngày 04/8/2021. Nền kinh tế Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 như thế nào?

ThS. Nguyễn Minh Trí

Công ty TNHH Viễn thông NTT Việt Nam

Tạp chí in số tháng 9/2021
Bạn đang đọc bài viết Đại dịch Covid-19 tác động thế nào đến nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Digital Banking là loại hình ngân hàng kỹ thuật số đòi hỏi cao về công nghệ bao gồm sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng bao gồm: Các chiến lược di động, kỹ thuật số, AI, thanh toán, RegTech, dữ liệu, blockchain, API, kênh phân phối và công nghệ...