"Có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng tại Việt Nam"

03/09/2021, 10:36

TCDN - Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 đã làm đảo chiều một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng và có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng, gây tổn hại uy tín về khu vực sản xuất an toàn của Việt Nam.

Hàng loạt chuỗi cung ứng đứt gãy

Nhóm nghiên cứu cho hay, từ 13/6/2021, bùng phát dịch tại Tp.HCM, trong vòng 2 tháng, số ca nhiễm và tử vong tăng vọt, cao hơn tất cả các đợt khác cộng lại. Nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 + buộc phải phong tỏa toàn thành phố. dẫn đến nhiều công ty và doanh nghiệp ở Tp.HCM, Bình Dương, các tỉnh miền tây, Hà Nội… phải tạm dừng hoạt động.

Đặc biệt, lệnh hạn chế đi lại mỗi khu vực và địa phương thực hiện một kiểu dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất và nhiều doanh nghiệp không phản ứng kịp khi thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu,… Quan niệm “hàng thiết yếu” mỗi nơi mỗi khác nên gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, doanh thu các doanh nghiệp bị giảm sút, các đơn hàng suy giảm và luân chuyển vốn khó khăn, năng lực giảm mạnh khi các khoản chi bất thường do đại dịch tăng lên như chi phí hỗ trợ lương nghỉ dịch, chi phí xét nghiệm, chi phí nhiên liệu do thay đổi cung đường… khi thực hiện yêu cầu về 3 tại chỗ “ăn, nghỉ, làm” tại chỗ gây khó khăn cho doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở.

Hàng loạt chuỗi cung ứng bị đứt gãy. (Ảnh minh họa)

Hàng loạt chuỗi cung ứng bị đứt gãy. (Ảnh minh họa)

Nhóm nghiên cứu cho rằng, giải pháp “1 cung đường 2 hay 3 điểm đến” cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi không phải tất cả lực lượng lao động trên một cung đường hay điểm đón. Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng … nơi bị phong tỏa bị chốt chặt nên không thể đến nơi làm việc.

Vì vậy hàng loạt các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Cụ thể, chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh, như thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt các chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp công nghệ cao (điện, điện tử, ôtô…) gần như không bị ảnh hưởng. Chuỗi cung ứng ngành ôtô có bị ảnh hưởng tuy nhiên nguyên nhân không phải do covid, mà nguyên nhân là do hạn chế thương mại của Mỹ đối với các nhà sản xuất chip, vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản do lao động bị cách ly, giãn cách, còn chuỗi mặt hàng nông sản do đình trệ lưu thông, thông tin thị trường và lao động lái xe. Việc nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển gây ra đứt gãy.

Chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị giãn cách, điều kiện sản xuất 3 tại chỗ, hay 1 cung đường 2 hoặc 3 điểm đón chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau và bối cảnh giãn cách theo Chỉ thị 16+.

Bỏ quy định về hàng hóa thiết yếu trong Chỉ thị 16

Nhóm nghiên cứu đưa ra hàng loạt kiến nghị trong ngắn hạn và dài hạn đối với chính phủ và ban ngành trung ương.

Trước mắt, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Ban ngành Trung ương và địa phương thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

Cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ hai mũi vắc-xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư. Đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với (1) nhân lực logistics, (2) nhân lực sản xuất, (3) dân cư toàn xã hội.

Nhóm nghiên cứu đề xuất nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.

Nhóm nghiên cứu đề xuất nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.

Đặc biệt, nên bỏ quy định về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay vào đó, cần quy định các hàng hóa và dịch vụ không được phép lưu hành.

Thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương. Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.

Xây dựng ứng dụng điện tử (App) “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn.

Chính phủ tăng cường đối thoại chính sách và quy định với các bên liên quan, đặc biệt là các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ giãn cách do dịch Covid-19.

Về giải pháp lâu dài hơn để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, theo nhóm nghiên cứu cần phải có tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định, thực thi chiến lược phòng chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các yếu tố vật chất và con người cho phòng chống dịch Covid-19. Chiến lược phòng chống dịch Covid-19 phải đi kèm chiến lược hậu cần-logistics một cách thống nhất.

Chính phủ và các bộ cần hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường trong mọi tình huống; bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp logistics thông qua xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp này với tất cả các loại hình vận tải.

Bên cạnh đó, đổi mới toàn diện hệ thống dự trữ quốc gia để nâng cao hơn nữa vai trò, sứ mệnh, công cụ dự trữ quốc gia trong hệ thống logistics trước những biến động khó lường. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics (bao gồm các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics, cụm logistics…) đồng bộ, hiện đại, tiến tới xây dựng thị trường bất động sản logistics Việt Nam.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết "Có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng tại Việt Nam" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chuyển dịch chuỗi cung ứng giúp phục hồi kinh tế Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Làm sạch khu công nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất lớn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điều quan trọng hàng đầu phải rà soát từng doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp, những DN bảo đảm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh được phép quay lại sản xuất, nhất là những DN thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung...