Chuyển dịch chuỗi cung ứng giúp phục hồi kinh tế Việt Nam
TCDN - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Sáng 20/1, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025: Phục hồi và tăng tốc”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng Covid-19 trong năm 2020 đang mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo 2021-2025. Nhiều xu hướng mới xuất hiện, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.
"Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025", Thứ trưởng nhấn mạnh.
TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF khẳng định, năm 2020 sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam tương đối tốt, được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới.
NCIF đưa ra dự báo kịch bản kinh tế. Năm 2021, theo kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8% diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch Covid-19 dần được khống chế.
“Ở kịch bản này, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Tăng trưởng Mỹ giả địch đạt 3-3.5%; kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức 5%. Giá dầu giữ ở mức thấp, tương ứng năm 2020 là 45USD/thùng. Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%. Đóng góp của khu vực FDI dự kiến tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô”, TS Đặng Đức Anh cho hay.
Tuy nhiên các yếu tố rủi ro, thách thức khá lớn, vấn đề đầu tư công có thể không thể còn mạnh mẽ như năm 2020. Năm 2020 là năm cuối thời kỳ kế hoạch. Thị trường thế giới xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Tiêu dùng kiểm soát được dịch bệnh. Nếu trong bối cảnh hiện nay vẫn giãn cách xã hội, giao lưu giữa Việt Nam và thế giới vẫn ngăn cách thì tổng mức bán lẻ cũng chưa tăng đột biến.
Với kịch bản khả quan tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%. Kịch bản diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Kinh tế Mỹ tăng trưởng trên 3,5%. Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6-8% Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021. Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực nhà nước đạt 8%.
Theo nhận định của lãnh đạo NCIF, những năm tiếp theo của giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thể thực sự bứt phá, bởi nhiều khó khăn nội tại chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn sau thời gian đại dịch Covid-19.
NCIF cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,3% với kịch bản cơ sở và tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 6,8% với kịch bản khả quan.
TS Đặng Đức Anh cho rằng trong năm 2021 Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế như giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Cụ thể nên thực hiện sớm chính sách miễn, giảm các loại phí, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một số ngành xuát khẩu nhằm dịch chuyển lên mức giá trị cao hơn trong chuỗi…
Thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường: tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm các công trình giao thông có quy mô lớn; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào thị trường EU; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh….
email: [email protected], hotline: 086 508 6899