Cơ chế nào thúc đẩy sự phát triển của Ngân hàng VDB?

05/07/2023, 15:04

TCDN - Quy định của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ quyết định một mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hằng năm và áp dụng cho toàn bộ dư nợ của các hợp đồng vay vốn ký kết.

07-1643-167929977299990969610

Không còn ưu đãi dựa vào lãi suất

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy những năm tiếp theo, nền kinh tế sẽ cần huy động một lượng vốn lớn từ các kênh khác nhau để phục vụ hoạt động đầu tư phát triển, trong đó bao gồm cả nguồn vốn từ hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Thực tế, trong thời gian năm gần đây, quy mô tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước hàng năm có xu hướng sụt giảm. Nếu như năm 2015, số vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giải ngân trong năm là 25.947 tỷ đồng và dư nợ tín dụng đầu tư cuối năm đạt tới 142.823 tỷ đồng, thì đến năm 2020, con số tương ứng chỉ còn lại lần lượt là 872 tỷ đồng và 91.986 tỷ đồng. So với năm 2015, dư nợ tín dụng đầu tư của Nhà nước năm 2020 tại VDB chỉ bằng 64,4%.

Đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước về cơ bản đã không còn yếu tố ưu đãi dựa vào lãi suất, với việc Chính phủ đặt ra nguyên tắc lãi suất cho vay nguồn vốn này phải tiến tới đủ bù đắp chi phí về vốn, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động của cơ quan thực thi chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước (theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP).

Định hướng hoạt động của VDB đã được Bộ Chính trị phê duyệt cũng nêu rõ: Đối với hoạt động cho vay mới, VDB cho vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực kết cấu hạ tầng KTXH theo nguyên tắc Nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý; khoản cho vay phải được thẩm định và bảo đảm tiền vay, lãi suất đủ bù đắp chi phí nguồn vốn, quản lý và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ như NHTM; thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, điều chỉnh lãi suất, miễn giảm lãi căn cứ vào tình hình tài chính của VDB; thực hiện xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu phát sinh từ hoạt động cho vay mới tương tự như quy định đối với các NHTM.

Đối với dư nợ cho vay trước đây, VDB tập trung tối đa mọi nguồn lực để đôn đốc, thu hồi nợ; điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các khoản vay lãi suất cao về mức lãi suất cho vay tại thời điểm điều chỉnh; xóa và dừng tính lãi phạt trên lãi chậm trả; gia hạn thời gian trả nợ cho các dự án phù hợp với tiến độ dự án và khả năng tài chính của VDB; xử lý nợ xấu theo nguyên tắc tuân thủ cơ chế xử lý rủi ro tại VDB, sử dụng nguồn lực từ khách hàng trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ và quỹ dự phòng rủi ro tín dụng.

VDB quyết định một mức lãi suất chung hằng năm

Để phù hợp với chủ trương VDB tự chủ hoạt động, NSNN không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với khoản cho vay mới của VDB, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP nội dung về lãi suất cho vay đã được điều chỉnh.

Theo đó, dự thảo quy định theo hướng mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước được xác định hằng năm đảm bảo bù đắp chi phí huy động vốn, chi phí quản lý và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của hệ thống NHTM trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này. Vì vậy, sẽ có một mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư do VDB công bố.

Nguyên tắc xác định lãi suất vẫn là đảm bảo bù đắp chi phí huy động vốn, chi phí quản lý và chi phí trích lập dự phòng rủi ro, không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của hệ thống NHTM và ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định theo hướng VDB tự quyết định mức lãi suất cho vay theo từng khoản nợ vay để VDB chủ động trong quyết định lãi suất. Đối với các NHTM thì lãi suất cho vay cũng được xác định theo từng phân nhóm khách hàng và mức độ rủi ro khác nhau.

Còn VDB cho rằng quy định theo hướng nêu trên sẽ dẫn tới khó khăn cho ngân hàng này trong quá trình triển khai thực hiện do khó tính toán chi phí, xác định lãi suất phù hợp cho riêng từng khoản nợ vay. Bên cạnh đó, VDB cũng cần thời gian để đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu xếp hạng, phân nhóm khách hàng như các NHTM.

Ngoài ra, NHNN cũng có ý kiến việc không có một mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư chung cho từng giai đoạn sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả, tính đồng bộ của các văn bản pháp luật, do hiện nay nhiều cơ chế, chính sách phát triển của Nhà nước đang sử dụng mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước làm tham chiếu.

Tiếp thu ý kiến trên, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi quy định về lãi suất cho vay theo hướng VDB sẽ quyết định một mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước chung hằng năm và mức lãi suất này áp dụng chung cho toàn bộ dư nợ của các hợp đồng vay vốn ký kết sau ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, do thị trường tài chính trong thời gian gần đây biến động mạnh, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định cho phù hợp với thực tiễn như sau: “Trường hợp trong năm lãi suất cho vay của các NHTM trong nước có biến động lớn, VDB báo cáo Bộ Tài chính có văn bản gửi NHNN đề nghị cung cấp lãi suất cho vay bình quân của các NHTM trong nước tại thời điểm đề xuất để VDB quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước”.

Một số chuyên gia cho rằng để có thể mở rộng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước cần được đổi mới trên nhiều phương diện, bao gồm cả chính sách về tín dụng đầu tư của Nhà nước, cũng như quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực thi chính sách này. Với yêu cầu đó, VDB và các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ thực hiện một số giải pháp.

Cụ thể như: sửa đổi các quy định về điều kiện vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo hướng cho phép VDB được thực hiện chính sách phân biệt lãi suất cho vay và tỷ lệ bảo đảm tiền vay theo khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín và có dự án hiệu quả được vay vốn với lãi suất thấp hơn và tỷ lệ bảo đảm tiền vay nhỏ hơn so với các doanh nghiệp khác. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay đối với mỗi khoản vay do VDB quyết định và chịu trách nhiệm theo mức độ rủi ro của khoản vay.

Bên cạnh đó, ưu tiên để VDB được huy động các nguồn vốn có lãi suất thấp từ các quỹ tài chính nhà nước hoặc xem xét cấp bảo lãnh để VDB huy động vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế trong trường hợp VDB tìm được nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức này. Đồng thời, Chính phủ tạo điều kiện cho VDB phát hành trái phiếu kỳ hạn phù hợp với yêu cầu cho vay đối với các dự án đầu tư có thời hạn thu hồi vốn dài thuộc đối tượng sử dụng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Đặc biệt, cần bố trí ngân sách nhà nước để cấp đủ vốn điều lệ của VDB theo lộ trình đã được phê duyệt tại Chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm sớm đạt mức vốn điều lệ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; thanh toán đủ số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý còn thiếu cho VDB trong thời gian qua, đồng thời không để tình trạng nợ đọng xảy ra trong các năm tiếp theo.

Mặt khác, đổi mới mô hình hoạt động của VDB theo hướng nâng cao tính tự chủ, trên cơ sở tính đủ chi phí huy động vốn và các chi phí quản lý hoạt động vào lãi suất cho vay, cùng với việc cho phép VDB cung ứng thêm một số dịch vụ ngân hàng có thu phí để tạo nguồn thu nhằm giảm dần số cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý từ ngân sách nhà nước.

Hoàng Hà
Bạn đang đọc bài viết Cơ chế nào thúc đẩy sự phát triển của Ngân hàng VDB? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ông Lương Hải Sinh tiếp tục làm Chủ tịch VDB
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1518/QĐ-TTg bổ nhiệm lại ông Lương Hải Sinh giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chính phủ đề xuất cấp 2.500 tỷ cho VDB
Sáng 11/11, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), với số tiền 2.500 tỷ đồng, để bù đắp chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho ngân hàng này.