Chính phủ đề xuất cấp 2.500 tỷ cho VDB
TCDN - Sáng 11/11, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), với số tiền 2.500 tỷ đồng, để bù đắp chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho ngân hàng này.
Về sự cần thiết và mức dự kiến bố trí vốn, theo ông Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, vì thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021”.
Ngoài ra, Chính phủ đã rà soát, báo cáo số phải thanh toán, số đã bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư, số còn thiếu trong kế hoạch vốn đầu tư và nguồn lực thực hiện, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc thanh toán số vốn thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương, do chưa bố trí đủ để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 của VDB theo quy định của pháp luật là cần thiết để bảo đảm thanh khoản và an toàn hoạt động của VDB.
Về nguồn lực đảm bảo, theo tờ trình của Chính phủ, trong dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Chính phủ đã bố trí 2.500 tỷ đồng cho VDB nên đề xuất của Chính phủ không làm tăng bội chi NSNN. Vì vậy, đa số các ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành việc trình Quốc hội cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB. Đồng thời, các thành viên ủy ban này đề nghị việc thanh toán phải căn cứ vào số liệu được Kiểm toán Nhà nước xác nhận.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bố trí để thanh toán dứt điểm số tiền NSNN cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý còn thiếu đến ngày 31/12/2018 đối với VDB là 7.225,093 tỷ đồng.
“Từ những ý kiến nêu trên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và đề nghị đưa nội dung này vào nghị quyết về dự toán NSNN năm 2021”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho VDB.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, thực hiện khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung giao kế hoạch trung hạn cho VDB.
“Nội dung này đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 xem xét, quyết định việc sử dụng 2.500 tỷ đồng, trong tổng số 9.015 tỷ đồng dự kiến cấp vốn điều lệ cho VDB, để thanh toán phần còn thiếu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 cho VDB” - ông Nguyễn Đức Hải nói.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021”. Chính phủ đã xác định chênh lệch lãi suất và phí quản lý thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương phải cấp bù cho VDB.
Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho VDB là thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng thẩm quyền.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước mới đây, hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của ngân hàng này âm hơn 866 tỷ đồng. Đáng chú ý, lỗ lũy kế của VDB đến 31/12/2018 lên tới hơn 4.800 tỷ đồng và nợ xấu hơn 46.100 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ.
Trong khi đó, việc trích lập dự phòng rủi ro của VDB là 5.790 tỷ đồng, chỉ bằng 12,5% tổng nợ xấu. Theo KTNN, việc trích dự phòng rủi ro quá thấp đã và đang tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động của ngân hàng này. Đặc biệt, hiện nay chênh lệch lãi suất mà ngân sách Nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn, lên tới 13.496 tỷ đồng.
Liên quan tới khoản vay không có khả năng thu hồi, KTNN đã chuyển hồ sơ 02 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại VDB.
Đó là CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng cũng vay vốn từ VDB, nhưng đến nay không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số 12 dự án ngàn tỷ đồng đắp chiếu của ngành Công thương, VDB cho vay tới 16.800 tỷ đồng trên tổng số 41.800 tỷ đồng.
VDB cũng đầu tư tài chính không hiệu quả khi góp 3.690 tỉ đồng vào Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam để đầu tư Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhưng dự án chưa cân đối được dòng tiền, VDB không thu được lợi nhuận kể từ khi góp vốn năm 2007.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899