Cổ phần hóa doanh nghiệp mới đạt gần 28% kế hoạch

06/08/2020, 14:20
báo nói -

TCDN - Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hoá 127 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới đạt được gần 28%.

Ngày 6/8, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN) cho thấy, tiến độ thoái vốn Nhà nước tại DN chậm so với kế hoạch đề ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, thì giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 348 DN. Tuy nhiên, mới thoái vốn Nhà nước tại 92 DN, đạt 26,4% kế hoạch.

Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hoá 127 DN, nhưng đến nay mới đạt được gần 28%.

Việc cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra còn chậm chạp

Việc cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra còn chậm chạp

Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định 126, Nghị định 167 và Nghị định 32 của Chính phủ.

Cụ thể, việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN thực hiện cổ phần hoá gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp. Một số nội dung chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất mà DN cổ phần hoá phải lập theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về cổ phần hoá.

Ngoài ra, việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hoá, lịch sử… quy định tại Nghị định 32 để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn. Nghị định này đã có hướng dẫn nhưng chưa có nội dung cụ thể, cách hiểu còn khác nhau, dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện.

Để thực hiện hiệu quả trong những tháng cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ đề xuất xâỵ dựng Nghị định về quản lý sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, hoàn thiện các nghị định, khẩn trương trình Chính phủ ban hành; chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, đôn đốc việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm trong việc chậm, không thực hiện. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát các quy định về đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này. Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc.

Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu việc xử lý tài chính, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp theo hướng giao một cơ quan phân loại đất đai thuộc sở hữu của các doanh nghiệp, đất nào không còn sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì tập trung hết về một đầu mối quản lý để có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả...

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Cổ phần hóa doanh nghiệp mới đạt gần 28% kế hoạch tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2020: Kế hoạch khó khả thi, tập trung khâu thực hiện
Theo Quyết định 908/QĐ-TTg, năm 2020 cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp. Chưa kể, 28 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn năm 2020 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Tuy nhiên, 06 tháng đầu năm 2020, chỉ có 07 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg.
Một số giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tập trung vào những lĩnh vực then chốt, quan trọng và có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cổ phần hóa DNNN là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN giai đoạn này.
Cổ phần hóa doanh nghiệp ngành Xây dựng: Thua lỗ, chỉ lo bán 'đất vàng'?
So với nhiều bộ ngành khác, Bộ Xây dựng là đơn vị có nhiều tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện cổ phần hoá. Tiến trình này đã được đẩy nhanh, tuy nhiên kết quả không được như kỳ vọng. Hàng loạt doanh nghiệp “con cưng” của Bộ Xây dựng CPH xong đã rơi vào tình cảnh làm ăn thất bại, bết bát.