Bài 3: Cần công cụ chuyên biệt để thu thuế giao dịch hoa lan đột biến
TCDN - Các thương vụ mua bán lan đột biến gene với giá bạc tỷ diễn ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên muốn thu được thuế cần có công cụ chuyên biệt. Chuyên gia Nguyễn Văn Được - Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín chia sẻ.
PV: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về các giao dịch lan đột biến trị giá hàng tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Được: Hoa lan không thuộc đối tượng bình ổn giá hoặc không phải áp giá sàn hoặc giá trần. Vì vậy giao dịch của các bên dựa trên quan hệ của pháp luật dân sự hoặc thương mại là hợp pháp ngoại trừ có những sự kiện khác đằng sau giao dịch mua bán, chuyển nhượng này.
Thoạt nhìn nếu như giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoa lan đột biến gene vài chục tỷ đồng là điều đáng mừng cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng… Bởi lẽ giá trị sản xuất nông nghiệp có hàm lượng, chất lượng cao như vậy đáng được nhìn nhận và cần nhân rộng mô hình này nếu như giao dịch mua bán, chuyển nhượng đó thực tế xảy ra trên thị trường.
Tuy nhiên, đằng sau giao dịch lan đột biến gene này có hay không giao dịch giả tạo nhằm che đậy giao dịch hoặc hành vi mờ ám bất hợp pháp? Có hay không hiện tượng bóp méo sự thật để tạo scandal cũng như hiệu ứng truyền thông hay marketing hay chỉ là những giao dịch nhằm mục đích hợp thức hóa dòng tiền... Sự thật về những giao dịch này như thế nào phải để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét một cách cẩn trọng và đúng bản chất.
Do đó chúng ta phải hết sức tỉnh táo để nhìn nhận sự việc đúng bản chất tránh sự thật bị bóp méo gây ra những hậu quả không tốt cho nền kinh tế và xã hội đặc biệt là người dân và doanh nghiệp…
Mua đi bán lại thì phải nộp thuế
PV: Đối với những giao dịch như trên, việc quản lý thuế hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Được: Tổng thể mà nói giao dịch chuyển nhượng hoa lan thuộc lĩnh vực nông nghiệp đang được nhà nước hỗ trợ và ưu đãi thuế. Tuy nhiên tùy theo từng trường hợp và mô hình sản xuất kinh doanh cũng như đối tượng tham gia là người sản xuất, người bán và người mua là tổ chức hay cá nhân sẽ có những chính sách thuế khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất: Người sản xuất hoặc người bán là cá nhân
Nếu người bán là hộ, cá nhân trực tiếp trồng lan bán ra thì không phải nộp Thuế giá trị gia tăng (GTGT) bởi đây là sản phẩm trồng trọt chưa qua sơ chế thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định tại khoản 1 điều 4 thông tư số 219/2013/TT-BTC;
Đồng thời thu nhập bán lan của hộ, cá nhân này cũng thuộc đối tượng được miễn thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 3 thông tư số 111/2013/TT-BTC (tuy nhiên hộ, cá nhân sản xuất nông nghiệp này phải đáp ứng đồng thời 3 điều kiện theo quy định).
Nếu người bán là hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp trồng lan tức là chỉ mua đi bán lại (thương mại) thì phải nộp thuế GTGT là 1% trên doanh thu theo quy định tại khoản 5 điều 5 thông tư 219;
Đồng thời phải nộp thuế TNCN 0.5% trên doanh thu theo quy định tại phụ lục số 01 thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Thứ 2: Người sản xuất hoặc người bán là doanh nghiệp, hợp tác xã (tổ chức)
Nếu người bán là tổ chức trực tiếp trồng hoa lan bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định tại khoản 1 điều 4 thông tư 219 như đã nêu trên;
Người bán là hợp tác xã trực tiếp trồng hoa lan bán hoặc; doanh nghiệp trực tiếp trồng hoa lan bán ra tại địa bàn được ưu đãi thuế thì thu nhập này được miễn thuế TNDN theo quy định tại khoản 1 điều 8 thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại điều 6 thông tư số 96/2015/TT-BTC hoặc được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng quy định của luật công nghề cao theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 19 thông tư số 78 được sửa đổi bổ sung tại điều 11 thông tư số 96.
Nếu người bán hoa lan không trực tiếp trồng lan chỉ mua đi bán lại thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ khi bán lan cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thì thuộc đối tượng không phải kê khai nộp thuế theo quy định tại khoản 5 điều 5 thông tư 219 nêu trên nhưng;
Nếu bán cho tổ chức, cá nhân khác không phải doanh nghiệp, hợp tác xã thì phải chịu thuế GTGT 5%.
Nếu người bán nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì phải chịu thuế GTGT 1% tương tự cá nhân không phân biệt người mua là tổ chức hay cá nhân.
Thuế TNDN của tổ chức mua đi bán lại hoa lan về cơ bản sẽ thực hiện như các doanh nghiệp thông thường ngoại trừ trường hợp thuộc địa bàn ưu đãi thuế.
Nhiều lỗ hổng cần xem xét
PV: Thực tế hiện nay, hầu hết các thương vụ chuyển nhượng lan đột biến cơ quan nhà nước chưa thu được thuế. Vậy theo ông có cần xem xét điều chỉnh chính sách thuế hiện hành?
Ông Nguyễn Văn Được: Rõ ràng nhìn nhận từ góc độ chính sách thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp nói chung và hoạt động chuyển nhượng hoa lan nói riêng chúng ta thấy được nhà nước đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi đối với ngành này nhằm hướng tới một nền nông nghiệp có hàm lượng và chất lượng cao. Tuy nhiên đây cũng có thể là môi trường thuận lợi để một số tổ chức, cá nhân trục lợi chính sách.
Về cơ bản đối tượng nào phải chịu thuế như phân tích ở trên thì các bên phải có nghĩa vụ kê khai nộp thuế đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên xuất phát từ mô hình kinh doanh và đặc thù của sản phẩm hoa lan phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân là chủ yếu (C2C hoặc B2C) vì vậy các bên có điều kiện thuận lợi để gian lận hoặc không kê khai nộp thuế… Vì vậy nhà nước phải có các công cụ chuyên biệt để tiến hành thu thuế đối tượng này cho đầy đủ đảm bảo tính công bằng góp phần hạn chế những tiêu cực do hành vi đẩy giá, thổi giá làm lũng loạn thị trường cũng như các hành vi lừa đảo…
Về thuế GTGT cơ bản đã hoàn thiện khi chúng ta thiết kế bổ sung điều 5 thông tư 219 về đối tượng không phải kê khai nộp thuế đối với sản phẩm nông, lâm, ngư, nghiệp chưa qua sơ chế hoặc chỉ qua sơ chế thông thường để bịt lỗ hổng hoàn thuế GTGT khống đã xảy ra trước đây.
Ngược lại dưới góc nhìn về thuế TNDN chúng ta vẫn cần phải cân nhắc bởi lẽ bên bán được miễn thuế TNCN hoặc chịu thuế TNCN 0,5% hoặc thu nhập chịu thuế TNDN được miễn hoặc thuế suất TNDN 10% thuế trong 15 năm… trong khi bên mua vào là các doanh nghiệp thông thường sẽ hình thành tài sản cố định hoặc chi phí, hàng hóa được trừ chi phí với thuế suất 20%. Do đó cũng có thể có hiện tượng đẩy khống giá trị hoa lan lên gấp nhiều lần nhằm tính vào chi phí của bên mua.
Bên cạnh đó sự vận động của hàng hóa và hóa đơn chứng từ trong lĩnh vực này chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ nên có thể có nhiều lỗ hổng cần phải xem xét.
Như vậy nếu như giao dịch hoa lan được đẩy giá gấp nhiều lần thì ngân sách nhà nước có khả năng bị thất thu là không tránh khỏi do mức chênh lệch thuế suất giữa bên bán và bên mua giao động từ 15% đến 20% đồng thời sự vận đồng của hàng hóa và hóa đơn chứng từ các khâu nào chưa được quản lý chặt chẽ...
Ngoài vấn đề thuế nêu trên chúng ta cũng cần lưu ý đối với các giao dịch này có thể là cơ hội để thực hiện các giao dịch ngầm nào đó như hợp thức hóa dòng tiền hay có thể tạo hiệu ứng sau đó bom hàng lừa đảo (đẩy giá cao đột ngột không mua) như một số hiện tượng đã xảy ra trước đây mà các cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và người dân.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Phương thực hiện
email: [email protected], hotline: 086 508 6899