Bài 2: Lan đột biến dù giao dịch tiền tỷ vẫn khó thu thuế
TCDN - Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Công Hiếu, Giám đốc Công ty Luật TNHH TechCo, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội với PV Tài chính Doanh nghiệp liên quan đến các thương vụ giao dịch lan đột biến hàng tỷ đồng diễn ra thời gian qua.
Coi chừng bị lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
PV: Thời gian gần đây, trên thị trường xôn xao trước các cuộc mua bán lan đột biến trị giá đến hàng chục tỷ đồng. Những thương vụ đó liệu có rủi ro gì không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Công Hiếu: Hoa lan là một sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tùy thuộc vào từng chủng loại có giá trị khác nhau. Tuy nhiên, hoa lan với giá cả tỷ đồng tôi chỉ được biết qua các thông tin trên báo chí và mạng xã hội.
Giá hoa lan đột biến hiện nay đang được đẩy lên quá cao, có hiệu ứng “làm giá” để đánh vào lòng tham của nhiều người muốn kinh doanh mặt hàng này. Những thông tin về các cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ thường rất mập mờ. Thông tin về người bán và người mua cũng không được kiểm chứng. Không thể loại trừ đó là cuộc thổi giá của một nhóm nào đó, nhằm đẩy giá hoa lan trong bối cảnh trầm lắng suốt thời gian dài. Khi hoa lan bão hòa chỉ một thời gian ngắn sau giá sẽ đi xuống, người mua lan bỏ tiền tỷ sau cùng sẽ là người phải ôm trái đắng.
Trong lịch sử thế giới đã từng có cuộc khủng hoảng hoa tulip tại Hà Lan vào thế kỷ XVII. Năm 1637, giá hoa tulip lên đến đỉnh điểm, giá của Switsers, một loại củ hoa tulip phổ biến, tăng hơn gấp 10 lần từ mức 125 florin/pound ở thời điểm ngày 31/12/1636 lên đến lên 1.500 florin vào ngày 3/2/1637. Cuộc khủng hoảng hoa tulip đã tạo ra hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Hà Lan thế kỷ XVII.
Tương tự như vậy, nếu như có một cuộc khủng hoảng giá hoa lan đột biến thì sẽ tạo ra hậu quả nặng nề cho những người mua, chơi hoa lan, kéo theo là những hệ lụy nặng nề khác như nợ xấu, nảy sinh các tội phạm chiếm đoạt tài sản, bất ổn xã hội…
PV: Vừa qua, Công an tỉnh Tuyên Quang đã có cảnh báo về hoạt động mua bán lan đột biến gene, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Công Hiếu: Tôi cho rằng, việc Công an tỉnh Tuyên Quang ban hành văn bản cảnh báo về hoạt động mua bán hoa lan đột biến là rất kịp thời, hết sức cần thiết. Điều đó có tác dụng cảnh báo người dân cần phải hết sức tỉnh táo khi tham gia các giao dịch mua bán hoa lan đột biến, tránh bị lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Có hành lang pháp lý song khó thực hiện trên thực tế
PV: Dưới góc độ luật, xin ông cho biết giao dịch trên có phải đóng thuế thu nhập hay không?
Luật sư Nguyễn Công Hiếu: Theo Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân, người có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu các cá nhân tham gia giao dịch mua bán lan là những người kinh doanh thường xuyên, có phát sinh thu nhập chịu thuế thì họ thuộc đối tượng phải nộp thuế theo quy định tại Điều 10 Luật thuế thu nhập cá nhân, cụ thể:
“1. Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
2. Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
Tuy nhiên, phải loại trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân về trường hợp được miễn nộp thuế thu nhập cá nhân là “Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường”. Do vậy nếu người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sản xuất ra sản phẩm và bán sản phẩm nông nghiệp (hoa, cây cảnh) thì giao dịch mua bán nêu trên lại không phải chịu thuế.
Vì vậy để xác định được việc mua bán, chuyển nhượng giò lan đột biến có thuộc đối tượng chịu thuế hay không, không phải chỉ căn cứ vào những hình ảnh, clip, lời trình bày của người tham gia mua bán, về điều kiện sản xuất của các đối tượng. Trong trường hợp này, cơ quan thuế cần làm việc với các bên có liên quan, đồng thời có biện pháp xác minh, kiểm tra thông tin, từ đó mới kết luận được là thu nhập của cá nhân có được từ giao dịch mua bán hoa lan đột biến có thuộc trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không.
PV: Có ý kiến cho rằng, hầu hết các giao dịch này thực hiện trên mạng xã hội, cơ quan thuế không có thông tin chính xác nên khó cho việc thu thuế. Xin ông cho biết quan điểm của mình?
Luật sư Nguyễn Công Hiếu: Cá nhân tôi đánh giá rằng hiện nay cơ quan thuế sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh thu nhập của cá nhân có được từ giao dịch mua bán hoa lan đột biến có thuộc trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay không do thiếu điều kiện xác minh, thiếu các dữ liệu và thông tin để đối chiếu nhằm xác định thu nhập chịu thuế. Do vậy, dù luật đã có cơ sở và hành lang pháp lý để có thể thu thuế từ các giao dịch nhưng rất khó thực hiện trên thực tế.
Tuy vậy, hoạt động chơi lan đột biến cần phải quản lý về mặt thu nhập theo đúng quy định của pháp luật để tránh trường hợp thổi giá ảo làm ảnh hưởng tới thị trường cũng như người trồng lan. Điều đó góp phần tạo công bằng đối với ngành thuế và tạo môi trường chơi cây lành mạnh.
Xin cảm ơn ông!
Bài 3: Cần công cụ chuyên biệt để tiến hành thu thuế
email: [email protected], hotline: 086 508 6899