Một số giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN

23/06/2020, 16:08

TCDN - Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tập trung vào những lĩnh vực then chốt, quan trọng và có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cổ phần hóa DNNN là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN giai đoạn này.

3-1

Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản, nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Việc cổ phần hóa DNNN gắn với bán đấu giá cổ phần và đăng ký giao dịch/niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Theo kế hoạch tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 phải cổ phần hóa 128 doanh nghiệp.

Thực tế triển khai công tác cổ phần hóa từ năm 2016 đến hết năm 2019 đã có 171 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.090 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.719 tỷ đồng.

Một số Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp; Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - Becamex; Tổng công ty Thương mại Hà Nội...

Tuy nhiên, trong 171 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm.

Để hoàn thành công tác cổ phần hóa theo đúng kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2019-2020, ngay những ngày đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ đã được nêu trong Chỉ thị số 01/CT-TTg, để tiến hành cổ phần hóa đúng các quy định và kế hoạch đề ra các đơn vị liên quan cần chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp như:

Một là, khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định, cụ thể:

(1) Theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trong đó gồm cả doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa và doanh nghiệp không thuộc diện cổ phần hóa) phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Việc các doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất được duyệt theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là một trong những điều kiện tiên quyết phải có để triển khai các bước tiếp theo của quá trình cổ phần hóa.

Trường hợp không yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công sẽ gây khó khăn cho quá trình cổ phần hóa vì không có cơ sở để xác định được diện tích đất nào doanh nghiệp tiếp tục được giữ lại sử dụng, từ đó không có cơ sở xác định giá trị đất (trong trường hợp giao đất) vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Đồng thời việc không có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là cũng không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội và Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội trong việc đẩy mạnh công tác rà soát diện tích đang quản lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương lập, rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Theo quy định phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất có thẩm quyền phê duyệt là Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Tài chính (đối với nhà, đất của doanh nghiệp thuộc Trung ương) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với nhà, đất của doanh nghiệp thuộc địa phương) và theo quy trình cụ thể tại pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

(2) Căn cứ Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt nêu trên và lộ trình, kế hoạch cổ phần hóa đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định thời điểm cổ phần hóa, trong đó có lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa cho phù hợp (khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính quý hoặc năm gần nhất sau thời điểm quyết định cổ phần hóa).

Trong hồ sơ chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa là tập hợp các đề xuất về hình thức sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt và công bố của các diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

(3) Sau khi lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định, căn cứ Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt (tại điểm 1 nêu trên), nhu cầu sử dụng đất để cho doanh nghiệp sử dụng sau khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan gửi đến từng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) đề nghị có ý kiến đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.

(4) Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp theo phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến về các diện tích đất trên địa bàn mà doanh nghiệp tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa, cụ thể:

- Thống nhất phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa đối với các diện tích đất không có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

- Có ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), hình thức sử dụng đất, mục đích sử dụng đất của các diện tích đất có thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt; các diện tích đất doanh nghiệp được giao, nhận chuyển nhượng và thuê đất theo quy định của pháp luật phát sinh từ sau thời điểm phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Trường hợp đề xuất phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có) hoặc khác với mục đích sử dụng đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sử dụng đất đối với các diện tích đất này cho phù hợp. Trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh lại phương án sử dụng đất đối với các diện tích đất này thì phải trả lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai để sử dụng vào mục đích khác.

- Giá đất cụ thể tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 114 của Luật đất đai đối với những diện tích đất được giao theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.

Hai là, các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chủ động xử lý các tồn tại về tài chính trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp đang triển khai cổ phần hóa chấp hành nghiêm quy định trong việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Ba là, đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết (nếu đủ điều kiện) trên thị trường chứng khoán theo quy định. Ủy ban chứng khoán Nhà nước tổng hợp, rà soát, công bố công khai danh sách các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán và tổ chức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BTC ngày 17/02/2017 của Bộ Tài chính quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết.

Các Bộ, ngành, địa phương, DNNN chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và tổ chức bãi nhiệm, miễn nhiệm, thay thế người đại diện vốn đã không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết (nếu đủ điều kiện) trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa và xác định số phải nộp về Quỹ (nếu có), trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Bốn là, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần.

Năm là, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, Tổng công ty, DNNN định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp với giá trị lớn theo công văn số 991/TTg-ĐMDN

- Bộ Công Thương cổ phần hóa 08 đơn vị (chiếm 7% tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020), trong đó bao gồm 02 Tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) trong năm 2019, 02 Tổng công ty trực thuộc Bộ (Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam) trong năm 2017 và 03 Tổng công ty Phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm 2017, 2018.

- Bộ Xây dựng cổ phần hóa 04 Tổng công ty, gồm: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam trong năm 2017.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cổ phần hóa 04 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 03 Tổng công ty là Tổng công ty Lương thực Miền Nam trong năm 2017 và Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Cà phê Việt Nam trong năm 2019.

- Bộ Thông tin và Truyền thông cổ phần hóa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam trong năm 2019 và 02 Tổng công ty là Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện trong năm 2018.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm 2019.

- Đài truyền hình Việt Nam cổ phần hóa Tổng công ty truyền hình Cáp Việt Nam trong năm 2017.

- Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 15 doanh nghiệp trong 02 năm 2017 - 2018 (chiếm 12% tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020), trong đó bao gồm 05 tổng công ty là Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị.

- Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 39 doanh nghiệp trong năm 2018 (chiếm 31% tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020), trong đó gồm 11 tổng công ty là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, Tổng công ty Công nghiệp In Bao bì Liksin, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn.

- Tỉnh Khánh Hòa cổ phần hóa Tổng công ty Khánh Việt trong năm 2017.

- Tỉnh Đồng Nai cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai trong năm 2019.

- Tỉnh Bình Dương cổ phần hóa 02 Tổng công ty trong năm 2017 là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp và Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ.

ThS. Nguyễn Duy Long

Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính

Bạn đang đọc bài viết Một số giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cổ phần hóa doanh nghiệp ngành Xây dựng: Thua lỗ, chỉ lo bán 'đất vàng'?
So với nhiều bộ ngành khác, Bộ Xây dựng là đơn vị có nhiều tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện cổ phần hoá. Tiến trình này đã được đẩy nhanh, tuy nhiên kết quả không được như kỳ vọng. Hàng loạt doanh nghiệp “con cưng” của Bộ Xây dựng CPH xong đã rơi vào tình cảnh làm ăn thất bại, bết bát.