Rủi ro chuỗi cung ứng: Trường hợp nghiên cứu ngành gỗ Việt Nam
TCDN - Các biến quan sát ban đầu có sự hội tụ ở 06 nhân tố, các nhân tố này biểu diễn được sự biến thiên của dữ liệu khảo sát, các nhân tố đảm bảo được khả năng đại diện cho dữ liệu khảo sát ban đầu. Trong đó, nhóm rủi ro môi trường và rủi ro thông tin hội tụ ở một nhân tố.
TÓM TẮT
Bài viết trình bày nghiên cứu về chuỗi cung ứng đồ gỗ Việt Nam và được thực hiện khảo sát trên phạm vi các doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm (1) phân tích rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam; (2) làm rõ các nhóm rủi ro và mức độ tác động của các nhóm rủi ro tới rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng đồ gỗ tại Việt Nam. Các dữ liệu sơ cấp được tập hợp, thông qua kết quả định lượng, từ đó đưa ra hàm ý chính sách phù hợp với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đồ gỗ tại Việt Nam.
1. Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lí thuyết
1.1. Khái niệm Rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng ngành gỗ Việt Nam
Liên quan tới rủi ro tổng thể chuỗi cung ứng, các nghiên cứu Lee et al. (2004), Zsidisin (2004) rủi ro chuỗi cung ứng gồm hai nhóm: rủi ro nội bộ và rủi ro bên ngoài. Tuy nhiên, phương pháp phân loại này được cho rằng không còn phù hợp đối với bối cảnh ngày nay. Để khắc phục nhược điểm này Punniyamoorthy et al. (2013); Wang et al. (2014),) đã nghiên cứu và chỉ ra rằng rủi ro tổng thể của chuỗi cung ứng bao gồm rủi ro cung ứng, rủi ro vận hành, rủi ro nhu cầu, rủi ro hậu cần, rủi ro thông tin và rủi ro môi trường.
Tại Việt Nam có tương đối ít nghiên cứu rủi ro trong chuỗi cung ứng. Nghiên cứu nổi bật nhất được kể đến là Hung (2008) đã chia rủi ro chuỗi cung ứng thành 6 nhóm chính bao gồm: mức độ sẵn có, chi phí và chất lượng nguồn nhân lực, các vấn đề pháp lý, mức độ tin cậy nhà cung cấp, sự biến động giá cả của nguyên vật liệu và sự biến động của tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, cách phân chia này được cho là không phù hợp do đặc trưng của ngành gỗ phụ thuộc vào yếu tố môi trường và yếu tố hậu cần.
Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả định nghĩa “rủi ro” trong chuỗi cung ứng đồ gỗ là tất cả những sự kiện khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và trong môi trường ngành bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, nghiên cứu phát triển dựa trên nghiên cứu Punniyamoorthy et al. (2013) để đo lường rủi ro trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đồ gỗ tại Việt Nam. Theo đó, rủi ro tổng thể sẽ bao gồm 6 nhóm rủi ro được đồng tình trong các nghiên cứu trước đây: rủi ro cung ứng, rủi ro vận hành, rủi ro nhu cầu, rủi ro hậu cần, rủi ro thông tin, rủi ro môi trường.
1.2. Các nhân tố phản ánh rủi ro tổng thể chuỗi cung ứng ngành gỗ tại Việt Nam
Rủi ro cung ứng
Trong phạm vi bài nghiên cứu này, Rủi ro cung ứng được hiểu là những kết quả bất lợi làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Rủi ro cung ứng là một trong những nhân tố được nhắc đến thường xuyên nhất trong các nghiên cứu về rủi ro trong chuỗi cung ứng như Mentzer et al. (2001); Jia et al. (2005). Các kết quả cho rằng rủi ro cung ứng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới rủi ro tổng thể.
H1: Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro cung ứng
Rủi ro vận hành
Rủi ro vận hành được hiểu là những kết quả, rủi ro liên quan tới sự kém hiệu quả trong quá trình quản lý, hoạt đông của công ty tham gia vào chuỗi cung ứng. Các hoạt động nội bộ của công ty của công t như thay đổi trong quy trình sản xuất, năng lực sản đóng vai trò như là một trong những nguyên nhân gây ra rủi ro vận hành cũng như rủi ro trong chuỗi cung ứng xuất (Olson & Wu ,2006).
H2: Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro vận hành
Rủi ro nhu cầu
Rủi ro nhu cầu là hệ quả của sự gián đoạn do sự chênh lệch giữa dự đoán của công ty và nhu cầu thực tế, gây nên những ảnh hưởng tới hoạt động của chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất luôn cố gắng giả định, đo lường và ước lượng lượng cầu của người tiêu dùng cũng như những sai sót có thể xảy ra trong việc dự đoán các nhu cầu của người tiêu dùng (Gan et al., 2004; Ellegaard, 2008). Như vậy, rủi ro trong nhu cầu được xem như là một trong những yếu tố phản ánh rủi ro tổng thể.
H3: Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro nhu cầu
Rủi ro hậu cần
Rủi ro hậu cần được hiểu là những kết quả bất lợi xảy ra trong quá trình vận chuyển, lưu trữ và cung ứng hàng hóa giữa các bộ phận trong chuỗi cung ứng. Wang et al. (2009) chỉ ra rằng sự dao động, không chắc chắn xảy ra trong chuỗi cung ứng được cho là một trong những biểu hiện của vấn đề bỏ qua rủi ro hậu cần. Do vậy, rủi ro hậu cần được coi là một trong những nhân tố phản ánh rủi ro tổng thể.
H4: Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro hậu cần
Rủi ro thông tin
Rủi ro đến từ sự bất cân xứng thông tin và thông tin sai dẫn đến sự hoạt động không hiệu quả của chuỗi cung ứng nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Theo Chopra & Sodhi (2004); Hung et al. (2008), rủi ro thông tin có thể xảy ra giữa các bộ phận có thể gây ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng; vì thế, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của chuỗi cung ứng. Do vậy, rủi ro thông tin được coi là một trong những nhân tố phản ánh rủi ro tổng thể.
H5: Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro thông tin
Rủi ro môi trường
Rủi ro môi trường được hiểu là những sự kiện xảy ra do môi trường bên ngoài (thảm họa tự nhiên, quy định, chính trị...) gây ảnh hưởng tới sự vận hành của toàn bộ hệ thống. Wagner & Bode (2008); Dani (2008) đưa ra những dẫn chứng về rủi ro môi trường, đặc biệt là các thảm họa tự nhiên gây ra đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, rủi ro môi trường là một trong những nhóm rủi ro phản ánh rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng.
H6: Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro môi trường
Tổng hợp từ những giả thuyết trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình:
2. Phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu
2.1. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này kết hợp cả hai phương pháp là nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Cụ thể như sau:
- Trên cơ sở tổng hợp và phát triển các lý thuyết từ các nghiên cứu trước cũng như các lý thuyết rủi ro cung ứng, phỏng vấn các chuyên gia có liên quan nhằm hoàn thiện lý thuyết và giải thích các kết quả.
- Nghiên cứu kết hợp phương pháp định lượng, mô hình hóa những dữ liệu điều tra về các doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam để có những thông tin về rủi ro cung ứng của đối tượng nghiên cứu.
Nghiên cứu nhận được 326 quan sát phù hợp trên tổng số 420 quan sát được nhận về từ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi cung ứng đồ gỗ, là doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, được pháp luật công nhận hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong khoảng thời gian từ 01/2019 đến tháng 03/2020.
2.2. Kết quả phân tích dữ liệu
Tác động của các yếu tố nội hàm tác động đến rủi ro tổng thể
Kết quả, hệ số KMO =0.736 Sig=0.00 đều cho thấy rằng kết quả phân tích nhân tố khám phá là có sự tin cậy cao. Như vậy, các biến quan sát ban đầu có sự hội tụ ở 06 nhân tố, các nhân tố này biểu diễn được sự biến thiên của dữ liệu khảo sát, các nhân tố đảm bảo được khả năng đại diện cho dữ liệu khảo sát ban đầu. Trong đó, nhóm rủi ro môi trường và rủi ro thông tin hội tụ ở một nhân tố, gọi là “Rủi ro thông tin và môi trường”. Nhóm rủi ro cung cấp được tách ra thành 2 nhóm rủi ro: Rủi ro cung ứng 1 (Rủi ro cung ứng do ảnh hưởng từ nhà cung cấp) và Rủi ro cung ứng 2 (Rủi ro cung ứng do hoạt động của doanh nghiệp).
Độ tin cậy: các nhân tố đều có hệ số tin cậy đạt yêu cầu (CR>0.5). Với các hệ số CR>0.8 cho thấy tính đồng hướng của các biến quan sát trong cùng một nhân tố cao.
Giá trị hội tụ: các hệ số phương sai trích (AVE) dao động trong khoảng từ 32.2% đến 74.3%, chứng tỏ sự thay đổi của các biến quan sát giải thích được trên 32.2% sự thay đổi của biến tiềm ẩn. Tuy nhỏ hơn 0.5 nhưng các giá trị này vẫn nằm trong giá trị có thể chấp nhận được.
Giá trị phân biệt: Khi phân tích đối với 6 nhân tố trên, các giá trị MSV đều nhỏ hơn giá trị AVE, cho thấy các giá trị biến quan sát đạt giá trị phân biệt.
Kết quả kiểm định sự phù hợp của mô hình cho thấy mô hình khá phù hợp cho phân tích (CMIN/ DF < 3, GFI, TLI,CFI > 0,9 và RMSEA < 0.08…). Kết quả là cả 6 nhân tố trên đều phản ánh rủi ro tổng thể.
3. Thảo luận kết quả nghiên cứu và hàm ý chính sách
3.1. Thảo luận kết quả nghiên cứu
Thứ nhất, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro cung ứng”.
Kết quả cho thấy hệ số tương quan giữa “Rủi ro cung ứng 1” và “Rủi ro cung ứng 2 đối với “Rủi ro tổng thể” là 0.66 và 0.67 và hệ số Sig = 0.000 <0.05. Điều này cho thấy nhóm nhân tố “Rủi ro cung ứng” được chia thành 2 nhóm nhân tố riêng biệt và phản ánh nhân tố “Rủi ro tổng thể”, hay có nghĩa rằng giả thuyết H1: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro cung ứng” được chấp nhận. Đây cũng là kết quả của các nghiên cứu Zsidisin et al., (2004); Olson & Wu (2011). Như vậy, những kết quả liên quan đến những sự kiện bất lợi của nguồn cung đầu vào của doanh nghiệp sản xuất gỗ càng lớn thì rủi ro tổng thể của chuỗi cung ứng nói chung hay rủi ro về khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và thị trường nói riêng càng lớn.
Thứ hai, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro môi trường và thông tin”.
Kết quả cho thấy hệ số tương quan giữa “Rủi ro môi trường và thông tin” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0.36 và hệ số Sig = 0.000 <0.05. Điều này cho thấy rằng giả thuyết H6: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro môi trường” và giả thuyết H5: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro thông tin” được chấp nhận. Đây cũng là kết quả của các nghiên cứu như: Hoenig (2009), Colicchia et al. (2012). Từ các số liệu kết quả nghiên cứu, rủi ro môi trường và rủi ro thông tin làm gia tăng rủi ro tổng thể trong chuỗi cung ứng đồ gỗ tại Việt Nam. Rủi ro từ thông tin bất cân xứng hoặc các thông tin sai lệch trên thị trường có thể được tạo ra do các yếu tố từ ngoại cảnh (Khủng hoảng kinh tế vĩ mô, dự đoán sai lệch về các thiên tai...) và ngược lại.
Thứ ba, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro vận hành”.
Kết quả cho thấy, hệ số tương quan giữa “Rủi ro vận hành” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0.13 và hệ số Sig = 0.000 <0.05. Điều này cho thấy giả thuyết H2: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro vận hành” được chấp nhận. Đây cũng là kết quả của các nghiên cứu sau: Gaudenzi & Borghesi (2006); Lopez et al. (2017). Kết quả từ mô hình trên đồng nghĩa với quan điểm tác động cùng chiều của Rủi ro vận hành đối với Rủi ro tổng thể. Điều này phù hợp với điều kiện tại Việt Nam khi mà các doanh nghiệp sản xuất gỗ luôn cố gắng trong việc tăng hiệu suất của chính doanh nghiệp mình (Trần Quang Trung, 2015).
Thứ tư, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro nhu cầu”.
Kết quả cho thấy hệ số tương quan giữa “Rủi ro nhu cầu” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0.12 và hệ số Sig = 0.000 <0.05. Điều này cho thấy giả thuyết H3: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro nhu cầu” được chấp nhận. Đây cũng là kết quả của các nghiên cứu như Ho et al.(2015). Điều này có nghĩa rằng khả năng xảy ra một sự kiện liện quan bên ngoài xảy ra làm thay đổi các nhu cầu của khách hàng hay thị trường đối với các sản phẩm gỗ làm ảnh hưởng tới khả năng bán hàng hay cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp.
Thứ năm, “Rủi ro tổng thể” được phản ánh thông qua “Rủi ro hậu cần”.
Kết quả cứu cho thấy hệ số tương quan giữa “Rủi ro hậu cần” đối với “Rủi ro tổng thể” là 0.10 và hệ số Sig = 0.000 <0.05. Điều này cho thấy giả thuyết H4: “Rủi ro tổng thể được phản ánh qua rủi ro hậu cần” được chấp nhận. Đây cũng là kết quả của các nghiên cứu như:Vanany et al. (2009), Hoenig (2011).
3.2. Hàm ý chính sách
Về rủi ro cung ứng
Nhà nước định kỳ công bố danh sách các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp được phép khai thác và sử dụng gỗ theo quy định hiện hành. Hoạt động truy xuất nguồn gốc gỗ được đẩy mạnh, cùng với các biện pháp hỗ trợ các nhà rừng như hỗ trợ ngân sách, ưu tiên đầu tư khoa học kỹ thuật từ công tác chọn giống cũng như công tác tập huấn, đào tạo nghiệp vụ trồng và khai thác rừng góp phần ổn định nguồn cung gỗ tại Việt Nam.
Về rủi ro vận hành
Nhà nước đi đầu trong chủ trương áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua các gói vay ưu đãi hay thông qua các biện pháp như giảm thuế nhập khẩu, thuê tiêu thụ đặc biệt. Đối với doanh nghiệp vận hành, một trong những biện pháp hữu hiệu là sử dụng các nền tảng nhằm theo dõi, quản lý gỗ cũng như vào việc vận hành doanh nghiệp.
Về rủi ro nhu cầu
Rủi ro nhu cầu có thể được giảm thiểu thông qua một kênh phân phối đảm bảo các tiêu chuẩn riêng của ngành, để đảm bảo chất lượng cũng như thời gian sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra của chính doanh nghiệp mình và tiếp cận gần hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường cũng chính là một trong những biện pháp hữu hiệu.
Về rủi ro hậu cần
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống Một cửa ASEAN và Một cửa Quốc gia tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp giảm thủ tục hành chính; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cao cấp cho người dân và các doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Hậu cần Việt Nam (VLA) nên thúc đẩy hơn nữa việc học tập kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao kỹ thuật từ các nền kinh tế đi trước và hiệu chỉnh để phù hợp khi áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng như ứng dụng khoa học công nghệ cao, Blockchain vào các hoạt động hậu cần doanh nghiệp và hệ thống của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Hậu cần.
Về rủi ro thông tin
Vấn đề thông tin sai lệch và bất cân xứng thông tin gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng gỗ. Vì vậy, nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng. Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các thông tin nhanh chóng và kịp thời đến với các doanh nghiệp hội viên giúp các doanh nghiệp ngày càng bình đẳng hơn trong việc tiếp nhận và sử lý thông tin, từ đó nâng cao tính chủ động và đưa ra những biện pháp phòng ngừa rủi ro.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Colicchia, C. and Strozzi, F. (2012). Supply chain risk management: a new methodology for a systematic literature review. Supply Chain Management: An International Journal, Vol. 17 No. 4, pp. 403- 418.
2. Dani, S. (n.d.). 2008. in Supply Chain Risk: A Handbook of Assessment, Management and Performance, Ritchie, R.L. and Zsidisin, G. (Eds), Springer.
3. George Zsidisin, Lisa M. Ellram, Joseph R. Carter, Joseph L. Cavinato. (2004). An Analysis of Supply Risk Assessment Techniques. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management.
4. Hoenig, D. (2009). An empirical analysis of supply chain risk management in the German automotive industry. International Journal of Production Economics, Vol. 131 No. 1, pp. 242-249.
5. Hung, K.T. and Ryu, S. (2008). Changing risk preferences in supply chain inventory decisions. Production Planning and Control, Vol. 19 No. 8, pp.770-780.
ThS. Lê Thu Hương
ThS. Nguyễn Duy Thanh
Công ty TNHH Xây Dựng Và Trang Trí Nội Thất Thanh Phương
email: [email protected], hotline: 086 508 6899