Hiệu quả kinh tế của việc sử dụng chế phẩm hóa học đối với sầu riêng sau thu hoạch tại Tiền Giang

28/04/2020, 14:15

TCDN - Việc ứng dụng chế phẩm hóa học cho nhu cầu nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn với môi trường sống. Nhiều nhà khoa học cho rằng việc sử dụng Ethephon là ứng dụng công nghệ vào quá trình sau thu hoạch và được sử dụng tại nhiều quốc gia.

Tóm tắt

Việc ứng dụng chế phẩm hóa học cho nhu cầu nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn với môi trường sống. Nhiều nhà khoa học cho rằng việc sử dụng Ethephon là ứng dụng công nghệ vào quá trình sau thu hoạch và được sử dụng tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng chất chín trái với thành phần chủ yếu là Ethephon để giúp trái chín đồng loạt và kiểm soát thời gian trái chín chưa được đăng ký sử dụng trong bảo quản nông sản. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, ảnh hướng nhất định đến giá thành trái sầu riêng, các hộ nông dân và thương lái đang sử dụng cũng không hoàn toàn yên tâm khi sử dụng chất này.

Trong bài viết này, nhóm tác giả tiến hành khảo sát 175 nông dân trồng sầu riêng và thương lái tại Tiền Giang nhằm giải thích lý do người nông dân và thương lái sử dụng chất chín trái. Kết quả khảo sát cho thấy rằng có sự đồng thuận cao trong nhận định về việc sử dụng chất này giúp trái chín ngon hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây sầu riêng. Nếu kiểm soát tốt việc sử dụng Ethephon sẽ không gây hại cho người tiêu dùng và nên khuyến khích sử dụng để giúp cho quá trình thu hoạch trái sầu riêng thuận lợi, góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp. Khi đó, chúng ta có thể tìm kiếm những thị trường mới cho trái sầu riêng, giúp trái sầu riêng không rơi vào tình trạng được mùa mất giá.

12-1

1. Giới thiệu

Diện tích sầu riêng chuyên canh ở Tiền Giang trên 9.000 ha, tập trung tại Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và các huyện lân cận đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Sầu riêng có năng suất khoảng 20 tấn/ha, với giá sầu riêng dao động từ 70 - 90 nghìn/kg, nông dân sẽ đạt lãi ròng không dưới 1 tỷ/ha. Khi trồng với số lượng lớn, nông dân không thể thu hoạch bằng cách chờ rụng từng trái chín. Hơn nữa, trong xuất khẩu sẽ cần thời gian vận chuyển, nếu trái chín rụng tự nhiên khi đến nơi tiêu thụ sẽ quá chín và giảm chất lượng. Thông thường nông dân sẽ thu hoạch đồng loạt khi trái sắp chín, sau đó sử dụng chất chín trái để giúp trái chín đồng loạt và kiểm soát thời gian trái chín. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định nếu sử dụng Ethephon đúng liều lượng, đúng giai đoạn, sử dụng sản phẩm có thương hiệu, và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ không gây độc hại. Ethephon đã được một số nước cho phép sử dụng sau thu hoạch tại Úc và nhiều nước trên thế giới. 

Tại tọa đàm khoa học về Ethephon do Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại Việt Nam phối hợp với Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng Ethephon không gây hại cho người tiêu dùng khi được kiểm soát tốt và nên khuyến khích sử dụng để giúp cho quá trình thu hoạch trái sầu riêng thuận lợi, góp phần hiện đại hóa nền nông nghiệp. Xét trên khía cạnh đó, việc sử dụng Ethephon có thể xem là áp dụng khoa học công nghệ, cụ thể là công nghệ sau thu hoạch.

Nhóm tác giả sử dụng mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) để phân tích việc sử dụng Ethephon cho trái sầu riêng. Mô hình này được đề xuất đầu tiên bởi Davis và cộng sự (1989) để đánh giá sự chấp nhận ứng dụng sản phẩm công nghệ thông tin gồm các yếu tố: hiệu quả mong đợi, dễ áp dụng và thái độ hướng tới kỹ thuật.

Sau đó, mô hình này được mở rộng và gọi là lý thuyết hợp nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT: Unified Theory of Acceptance and Use of Technology) được đề xuất bởi Venkatesh và cộng sự (2003) để kiểm tra sự chấp nhận công nghệ. Đây là sự kết hợp của nhiều mô hình trước và bổ sung 2 yếu tố là điều kiện thuận lợi và ảnh hưởng của xã hội so với mô hình TAM. Mô hình này vẫn đang được áp dụng rộng rãi và nghiên cứu hiệu chỉnh cho phù hợp hơn ở hiện tại.

Một số nghiên cứu đã khẳng định việc sử dụng các loại chế phẩm hóa học có công dụng thúc chín trái sầu riêng khá phổ biến để giúp trái chín đồng loạt và đảm bảo chất lượng. Hiện nay ở Việt Nam, chưa có đơn vị nào đăng ký sử dụng chất này trong giai đoạn sau thu hoạch, hay nói cách khác việc sử dụng chất này là chưa được phép. Điều này làm cho người tiêu dùng không an tâm, các hộ nông dân và thương lái đang sử dụng cũng không hoàn toàn yên tâm khi sử dụng chất này. Bài báo này thực hiện khảo sát định lượng 175 nông dân và thương lái tại Tiền Giang, chủ yếu tại Cai Lậy, Cái Bè và Châu Thành nhằm giải thích lý do sử dụng Ethephon cho trái sầu riêng. Từ đó, đề xuất một số giải pháp trong việc sử dụng Ethephon mang lại lợi ích kinh tế cho trái sầu riêng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

2. Kết quả nghiên cứu

Phần này trình bày kết quả khảo sát định lượng 155 hộ nông dân và 20 thương lái, sử dụng thang đo Likert 5 mức. Kết quả thống kê mô tả gồm trị trung bình thể hiện mức độ đồng thuận đối với các câu hỏi khảo sát và phương sai thể hiện quan điểm khác nhau của người tham gia khảo sát. Các câu hỏi khảo sát được xây dựng dựa trên mô hình UTAUT gồm các yếu tố: hiệu quả mong đợi, dễ sử dụng, thái độ hướng tới kỹ thuật, điều kiện thuận lợi, ảnh hưởng của xã hội và các rủi ro khi ứng dụng công nghệ. 

Trong mô hình UTAUT, hiệu quả kỳ vọng đo lường sự hiệu quả khi sử dụng sản phẩm công nghệ gồm hiệu quả đối với công việc, thực hiện nhanh công việc, tăng sản lượng và cơ hội. Sử dụng chế phẩm hóa học cho trái sầu riêng có thể mang lại hiệu quả kinh tế gồm sự hữu ích, tăng chất lượng, giúp trái chín nhanh hơn, ngon hơn, và đảm bảo an toàn.

Bảng 1 trình bày kết quả khảo sát và cho thấy những người tham gia đánh giá cao hiệu quả kỳ vọng của chất chín trái. Nổi bật nhất là yếu tố giúp trái chín ngon hơn khi có trị trung bình là 4,66/5. Phương sai của yếu tố không gây độc cho người tiêu dùng đạt khá cao (1,7) cho thấy quan điểm khác nhau về mức độ gây độc cho người tiêu dùng. Giá trị trung bình của yếu tố này là 2,71 gần bằng trị trung bình (2,50) cho thấy người khảo sát rất phân vân về việc liệu chất này có độc cho người tiêu dùng hay không.

12_Bang1

Khả năng áp dụng sản phẩm công nghệ trong mô hình UTAUT gồm yếu tố dễ sử dụng, dễ tương tác với hệ thống, các kỹ năng sử dụng dễ dàng, và học hệ thống dễ dàng. Trong sử dụng chế phẩm hóa học, các yếu tố này tương tự và kết quả như Bảng 2. Nhìn chung, mọi người tham gia khảo sát đánh giá việc sử dụng chế phẩm hóa học khá dễ dàng khi có đến 4 yếu tố đạt mức gần 4 trở lên. Điều này cho thấy việc sử dụng chế phẩm hóa học để nâng cao hiệu quả kinh tế cho trái sầu riêng khá dễ dàng.

12_Bang2

Thái độ hướng tới kỹ thuật trong sử dụng sản phẩm công nghệ gồm việc sử dụng sản phẩm là một ý tưởng hay, giúp làm việc hứng thú, vui vẻ, và thích làm việc với hệ thống. Dựa trên cơ sở này, chúng tôi xây dựng bảng câu hỏi gồm các yếu tố như Bảng 3. Kết quả cho thấy người tham gia khảo sát đánh giá rất cao việc sử dụng chất chín trái là một ý tưởng hay (4,34/5). Điều này cho thấy nông dân và thương lái có thái độ tích cực trong việc sử dụng chế phẩm hóa học cho trái sầu riêng.

12_Bang3

Các rủi ro trong sử dụng chế phẩm hóa học cho sầu riêng gồm sử dụng không đúng cách, không hiệu quả, và người tiêu dùng không mua. Kết quả được trình bày như Bảng 4. Người tham gia khảo sát lo ngại lớn nhất là người tiêu dùng không mua (3,77/5). Hai yếu tố lo ngại bị tố giác và bị phạt có phương sai cao tương ứng là 1,18 và 1,22. Điều này cho thấy quan điểm khác nhau về tính hợp pháp trong việc sử dụng chế phẩm hóa học. Người sử dụng có những lo lắng nhất định khi sử dụng chế phẩm hóa học cho trái sầu riêng.

12_Bang4

Điều kiện thuận lợi trong chấp nhận sản phẩm công nghệ là sự tin tưởng vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ để sử dụng hệ thống. Đối với việc sử dụng chế phẩm hóa học, các yếu tố khảo sát gồm tôi có kiến thức, sử dụng không phiền phức và dễ mua. Kết quả khảo sát như Bảng 5. Kết quả cho thấy nông dân và thương lái có điều kiện thuận lợi để sử dụng chất chín trái khi các yếu tố đạt gần 4 trở lên.

12_Bang5

Ảnh hưởng của xã hội bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng chế phẩm hóa học là do người khác tác động. Các yếu tố này có thể do mọi người xung quanh, người tiêu dùng thích trái chín ngon, và sự hướng dẫn của người bán thuốc chín trái. Kết quả cho thấy yếu tố người tiêu dùng thích trái chín ngon có trị trung bình rất cao 4,49 như Bảng 6. Khi đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, giá trị kinh tế của trái sầu riêng sẽ nâng cao hơn.

12_Bang6

Từ kết quả khảo sát, có thể rút ra hai điểm quan trọng. Thứ nhất, ba yếu tố có trị trung bình cao nhất là giúp trái chín ngon hơn (4,66), người tiêu dùng thích trái chín ngon (4,49) và việc sử dụng chất chín trái là một ý tưởng hay (4,34). Điều này cho thấy người nông dân và thương lái sử dụng Ethephon nhằm giúp trái chín ngon hơn để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trái sầu riêng. Thứ hai, những yếu tố có phương sai lớn hơn 1 cho thấy người tham gia khảo sát có quan điểm khác nhau về các yếu tố liệu chất chín trái có độc hay không, lo ngại sẽ bị phạt, hoặc tố giác.

3. Một số đề xuất

Thứ nhất, các đơn vị có trách nhiệm cần khẳng định tính hợp pháp của việc sử dụng chất này và hướng dẫn cụ thể cho người sử dụng. Nếu chất ngày không độc, các cơ quan chức năng cần xem xét đưa Ethephon vào danh mục được sử dụng sau thu hoạch để tiện việc quản lý. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, người nông dân cần phải để trái sầu riêng đủ già, và sử dụng đúng liều lượng như qui định. Khi đó, người tiêu dùng sẽ an tâm hơn khi sử dụng trái sầu riêng, giúp nâng cao giá trị kinh tế cho cây sầu riêng. Theo đó, chúng ta cần có giải pháp truy xuất nguồn gốc nhằm kiểm soát việc sử dụng Ethephon đúng giai đoạn và liều lượng phù hợp. Đồng thời, có thể phát triển các thiết bị kiểm tra tồn dư Ethephon để thực hiện hậu kiểm trước khi bán trái sầu riêng đến người tiêu dùng. 

Thứ hai, việc sử dụng Ethephon tuân theo qui luật cung cầu của thị trường. Người tiêu dùng thích trái chín ngon, trong khi Ethephon là một giải pháp hay nhằm giúp trái chín ngon hơn. Nếu việc sử dụng chất này không độc khi được kiểm soát chặt chẽ, thì nên công khai sử dụng. Các cơ quan ngôn luận cần có cái nhìn khoa học, khách quan tránh gây hiểu lầm, làm thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người nông dân trồng sầu riêng và làm người tiêu dùng lo lắng. Chất lượng trái sầu riêng được đảm bảo sẽ góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng, nâng cao vị thế trái sầu riêng, giúp nâng cao giá trị kinh tế của trái sầu riêng.

4. Kết luận

Bài viết này đã khảo sát các nông dân và thương lái về việc sử dụng chế phẩm hóa học sau thu hoạch đối với trái sầu riêng dựa trên lý thuyết hợp nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ gồm các yếu tố: hiệu quả mong đợi, dễ sử dụng, thái độ hướng đến sử dụng kỹ thuật, rủi ro, điều kiện thuận lợi và ảnh hưởng của xã hội. Kết quả cho thấy nông dân và thương lái vẫn còn phân vân nhất định về mức độ an toàn của chế phẩm hóa học cho trái sầu riêng và quan điểm này cũng khác nhau giữa các người tham gia khảo sát. Cuối cùng là việc sử dụng chế phẩm hóa học sau thu hoạch mang lại hiệu quà kinh tế khi đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng giúp trái chín ngon hơn. Nếu chất này không độc và thực tế đã được sử dụng khá phổ biến trong thời gian qua thì rất khó để thuyết phục họ không sử dụng. Thay vào đó chúng ta nên có cơ chế kiểm soát phù hợp để mang lại lợi ích kinh tế chính đáng cho trái sầu riêng cũng như là tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.

ThS. Bùi Thị Kim Hoàng - ThS. Phạm Thùy Dung

ThS. Lê Thành Hưng

Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh

Tạp chí in số tháng 4/2020
Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả kinh tế của việc sử dụng chế phẩm hóa học đối với sầu riêng sau thu hoạch tại Tiền Giang tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Ước lượng giá trị kinh tế di sản văn hoá trong tiến trình phát triển
Trong giai đoạn đầu của lịch sử lý thuyết về giá trị, giá trị trao đổi của hàng hóa được đo lường dựa vào chi phí sản xuất. Đến cuối thế kỷ 19, lý thuyết giá trị dựa trên chi phí sản xuất đã được thay thế bởi lý thuyết kinh tế dựa vào độ thỏa dụng của các cá nhân.
Cơ sở kinh tế ảnh hưởng của cách mạng công nghệ 4.0 đến phân phối tài nguyên đất nông nghiệp và phúc lợi XH
Trong cuộc cách mạng thứ tư này, chúng ta đang hưởng lợi, với một loạt các công nghệ mới kết nối vạn vật, kỹ thuật số và sinh học. Những công nghệ mới này sẽ tác động đến tất cả các ngành, nền kinh tế và công nghiệp, kết nối hàng tỷ người với website, cải thiện đáng kể hiệu quả của doanh nghiệp.
Chuyển dịch cơ cấu  kinh tế nông nghiệp Việt Nam
Bộ NN&PTNT cho biết 5 năm qua, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi hơn về nhiều mặt.