Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Việt Nam
TCDN - Bộ NN&PTNT cho biết 5 năm qua, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi hơn về nhiều mặt.
Đặt vấn đề
Qua 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt nam đã hội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế, đạt mức tăng trưởng cao và ổn định trong một thời gian dài; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực; khẳng định vai trò quan trọng và trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp đã trở thành “trụ đỡ” cho nền kinh tế cả nước và là nền tảng cho công nghiệp dịch vụ phát triển. Mặc dù, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về trình độ và quy mô, nhưng theo xu hướng phát triển chung của các nền kinh tế tiên tiến, khi kinh tế phát triển thì tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp sẽ thu hẹp, đóng góp của công nghiệp và dịch vụ sẽ gia tăng và đó cũng là mục tiêu của cơ cấu lại nền kinh tế cả nước. Vì vậy, tỷ trọng GDP nông nghiệp trong GDP chung của cả nước đã giảm từ 38,1% năm 1986 xuống 24,5% năm 2000 và 17% năm 2015.
Thực trạng
Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, sản lượng lúa cả năm 2018 ước tính đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn so với năm 2017. Nuôi trồng thủy sản tăng khá, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính cả năm đạt 4,2 triệu tấn, tăng 6,7%.
Bộ NN&PTNT cho biết 5 năm qua, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỉ trọng đóng góp cho tăng trưởng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, 5 năm qua, đã chuyển đổi khoảng 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh thâm canh phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất.
Sản lượng, chất lượng các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế đều tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng mạnh xuất khẩu. Sau 5 năm, giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập trên 1 ha tăng 4,8%; cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ mức 12% năm 2012 lên gần 32% năm 2017; các cây công nghiệp có giá trị cao đóng góp 43% cho tăng trưởng trồng trọt, tăng gần 16%.
Chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Đàn giống được cải thiện đáng kể, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao với kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào sản xuất phổ biến. Sau 5 năm thực hiện cơ cấu lại, sản lượng thịt hơi các loại tăng 30%; thịt gia cầm tăng bình quân 17%; thịt lợn, thịt bò tăng 12,7%; thịt dê, cừu tăng 14%, sữa tươi tăng 47%; trứng gia cầm tăng 18,7%...
Trong lĩnh vực thuỷ sản, đã chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành nuôi tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất trên biển và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo quản hải sản đánh bắt từ 7 ngày lên trên 20 ngày. Trong 5 năm qua, tổng sản lượng thủy sản tăng từ 5,92 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,7%/năm, giá trị tăng thêm đạt 4,3%/năm. Giá trị trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 206,8 triệu tấn, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2012.
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, tăng trưởng có xu hướng giảm. Cụ thể, trong cơ cấu kinh tế toàn ngành, tỷ trọng giá trị nông nghiệp còn lớn (73,6%); chăn nuôi chưa trở thành nền kinh tế mũi nhọn; thủy sản sau thời gian tăng trưởng nhanh đang có xu hướng chững lại; lâm nghiệp gần đây tăng trưởng nhanh hơn, nhưng tỷ trọng giá trị trong toàn ngành thấp (2,9%).
Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ, lẻ và trình độ thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao; chậm chuyển biến theo hướng hiện đại, quy mô sản xuất còn nhỏ, năng suất chất lượng, giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản còn thấp, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP ngành có xu hướng giảm (giai đoạn 1995 - 2000 đạt 4%/năm, xuống còn 3,83%/năm giai đoạn 2001 - 2005, 3,3%/năm trong giai đoạn 2006-2010, 3,1% giai đoạn 2011-2015).
Nông nghiệp vẫn tăng trưởng theo chiều rộng là chủ yếu, trong khi các nguồn tài nguyên chính cho tăng trưởng như đất đai, nước, lao động ngày càng giảm và phải cạnh tranh gay gắt với các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Một số giải pháp
Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững bao gồm:
1. Tiếp tục rà soát quy hoạch, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất
Chuyển hẳn cách tiếp cận nặng về đạt mục tiêu số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm; xác định lựa chọn 7 những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo các phân tầng sản phẩm: (1) Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; (2) Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chiến lược và giải pháp để mở rộng quy mô, sức cạnh tranh để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; (3) Nhóm sản phẩm vùng/miền là đặc sản của các địa phương, có chỉ dẫn địa lý cụ thể, nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”.
Định hướng điều chỉnh cơ cấu sản xuất trong điều kiện thị trường tiêu thụ và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như sau:
- Trồng trọt: Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát diện tích lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (ngô, rau màu hoặc cây ăn trái) và sang nuôi trồng thủy sản. Phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau hoa theo hướng công nghệ cao.
- Chăn nuôi: Tiếp tục tập trung cải tạo giống và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp, tiếp tục duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
- Thủy sản: Phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản, giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ; đầu tư trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả khai thác.
Đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương. Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận với các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể,…); phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Lâm nghiệp: Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm đặc sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Diêm nghiệp: cải tạo, nâng cấp và hiện đại hóa các đồng muối, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng sản lượng muối công nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành muối. Nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch, giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
- Công nghiệp bảo quản, chế biến: là công đoạn mang nhiều giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm, còn nhiều dư địa. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp phụ trợ, tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp.
- Thủy lợi: Tập trung phát triển thủy lợi đa mục tiêu; ưu tiên phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và cây trồng cạn có giá trị cao; ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước.
2. Đổi mới, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách
Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn then chốt, tạo động lực cho sản xuất:
- Nhóm chính sách về đất đai: Chính sách về tạo thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất (phải sửa Luật đất đai): tăng hạn điền, bỏ hạn chế đối tượng được nhận chuyển nhượng, điều chỉnh lại chính sách thuế, phí,...
- Nhóm Chính sách thu hút đầu tư xã hội cho NN-NT, bao gồm: CS khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chính sách phát triển hợp tác xã NN, chính sách phát triển kinh tế trang trại và phát triển kinh tế hộ.
- Chính sách về hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp cơ giới hóa trong nông nghiệp...
- Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn: thời gian qua đã được quan tâm, ban hành ngày càng sát thực tiễn của ngành, nhưng vẫn còn vướng về tài sản phải chứng minh (không gọi là thế chấp nhưng cũng tương tự: cần được chính quyền xác nhận) hoặc đề nghị được sử dụng tài sản hình thành trong quá trình đầu tư (nhà lưới, nhà kính) để làm tài sản thế chấp.
3. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị; đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn
Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi; trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Tổng kết, tuyên truyền và nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản ra toàn quốc.
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước; đổi mới lâm trường quốc doanh; tổ chức lại hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã; tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia trại, trang trại, doanh nghiệp tư nhân.
4. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ
Tích cực đổi mới cơ chế chính sách, tăng cường tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập; đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN) theo hướng chuyển từ quản lý theo nhiệm vụ KH&CN sang khoán, đặt hàng sản phẩm KH&CN; sắp xếp, hoàn thiện hệ thống và ổn định tổ chức nghiên cứu khoa học nông nghiệp và PTNT theo hướng chuyên lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp) và theo hướng đa lĩnh vực (quy hoạch, chiến lược và chính sách, cơ điện và sau thu hoạch). Xác định khoa học công nghệ phải là khâu then chốt để tạo đột phá trong thực hiện cơ cấu lại ngành; tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức thiết của ngành; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất, quản lý nông nghiệp. Các nhiệm vụ khoa học công nghệ tập trung theo hướng xây dựng các bộ giống quốc gia về cây trồng, vật nuôi để có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, được lựa chọn xây dựng thương hiệu quốc gia.
5. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai
Phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa chức năng để phục vụ nuôi trông thủy sản, tưới cho cây trồng cạn và các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất công nghiệp; đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh các hệ thống công trình thủy lợi đã có nhưng chưa được hoàn thiện.
Rà soát, bổ sung và tổ chức thực hiện nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa; từng bước nâng mức đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế cho hồ chứa lớn; tăng cường năng lực dự báo về biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai và thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, nâng cao mức đảm bảo tiêu, thoát nước, chống úng ngập, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
6. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, tăng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, nông thôn
Thực hiện đào tạo nghề cho nông dân theo đề án, dự án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng NTM, đảm bảo cho người làm nghề nông nắm vững khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng cần thiết, để nông dân trở thành nông dân “chuyên nghiệp”, có thể làm chủ được quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong đào tạo nghề cho nông dân khi tham gia các hợp đồng liên kết. Thực hiện chương trình đưa trí thức trẻ về công tác tại tuyến xã. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn.
NCS. Lê Thanh Dung
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
email: [email protected], hotline: 086 508 6899