Có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, 172 doanh nghiệp được vinh danh
TCDN - Tại Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai” có 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm có chất lượng và uy tín được ghi nhận và vinh danh.
Tối 2/11/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai”.
Theo Ban tổ chức, 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129.000 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600.000 lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Thủ tướng nêu rõ, đây là nguồn lực của từng doanh nghiệp nhưng cũng là của quốc gia nên việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.
Thủ tướng yêu cầu, tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị cho xã hội.
Đồng thời cần phải xây dựng được niềm tin của xã hội, của nhân dân và cộng đồng quốc tế với thương hiệu Việt Nam, niềm tin đó được kết hợp bởi nhiều nhân tố, như chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh, chuẩn mực, hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp tốt, tính nhân văn của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội, với đất nước, các đối tác.
Cùng đó, Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đảm bảo và không ngững củng cố nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của sản phẩm thương hiệu thông qua hệ thống sản xuất, quản trị tiên tiến và hoạt động tài chính công khai minh bạch, bền vững.
Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như đi đầu trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ thiên nhiên, môi trường…
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.
"Với tinh thần trách nhiệm cao, với khí thế và niềm tin của cả nước và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899