Công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2021 -2022

15/12/2021, 15:37

TCDN - Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị "Triển khai công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2021 -2022 các tỉnh trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ".

unnamed

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ Đông Xuân hàng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ. Gia súc, gia cầm bị chết do bị đói, rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kèm theo điều kiện về chuồng trại, vệ sinh môi trường không tốt làm phát sinh dịch bệnh.

Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già yếu, bê nghé ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn.

Vụ đông xuân 2020-2021 rét đậm, rét hại kéo dài, số gia súc bị thiệt hại là 2.271 con và gia cầm là 335 con. Nguyên nhân chủ yếu do rét đậm thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian này, người chăn nuôi chuẩn bị Tết, buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc.

Người chăn nuôi không chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng, chống rét cho đàn gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; không nhốt đàn gia súc khi mùa đông giá rét đến; chuồng trại không được giữ khô sạch trong mùa đông là nguyên nhân quan trọng làm trâu, bò bị chết.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, nhờ sự chủ động trong chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi từ Trung ương đến địa phương nên số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại do đói, rét đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây.

Nếu như vụ Đông Xuân năm 2007-2008 rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong 34 ngày gây thiệt hại trên 200.000 gia súc (chủ yếu là trâu, bò) thì sau hơn 10 năm, rét đậm, rét hại Đông Xuân 2017-2018 chỉ thiệt hại khoảng 7.100 con gia súc. Trong đó, vụ Đông Xuân năm 2013-2014 có thời tiết cực đoan nhất từ trước đến nay với hơn 30 ngày nhiệt độ dưới  0 độ C ở một số nơi nhưng chỉ có khoảng 2.800 con trâu, bò bị chết.

Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) đã triển khai nhiều dự án về trồng và chế biến bảo quản thức ăn phục vụ phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm hiệu quả tại các địa phương.

Theo các đại biểu, khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ địa hình đồi núi, nhiều đồng cỏ, có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh, nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao về cả số lượng vật nuôi và sản lượng sản phẩm chăn nuôi; trình độ dân trí không đồng đều, việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm; đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư... dẫn đến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn phức tạp.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao các dự án, mô hình phòng, chống đói rét cho gia súc gia cầm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai, thực hiện trong thời gian vừa qua, đồng thời cho rằng để giữ được đà chăn nuôi tăng trưởng 4% cho năm sau phụ thuộc rất lớn vào công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trong vụ Đông Xuân này.

phong-chong-ret-trau-bo-700x405

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông Xuân năm 2021-2022 có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn cần đánh giá mức độ rủi ro về các đợt rét đậm, rét hại, từ đó các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra và hướng dẫn người chăn nuôi phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó quan trọng nhất là thông tin kịp thời và thường xuyên về các đợt rét đậm, rét hại để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Hướng dẫn che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C; dự trữ thức ăn thô xanh cũng như bổ sung thêm thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.., để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

PV
Bạn đang đọc bài viết Công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2021 -2022 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải pháp phát triển nuôi cá tra trong thời gian tới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022”. Hội nghị có sự tham gia của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp và các địa phương trọng điểm nuôi cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nông dân Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, các nông dân Việt Nam xuất sắc cần đi đầu trong công cuộc chuyển đối số.