Công ty Chè Phú Đa bị “rỗng ruột” hàng nghìn ha đất

04/09/2020, 10:55

TCDN - Công ty Chè Phú Đa được UBND tỉnh Phú Thọ ra quyết định giao cho hơn 3.500 ha đất từ năm 2002 để trồng và chế biến chè, nhưng đến nay đơn vị này đã bị “rỗng ruột” hơn 1.000 ha đất.

Công ty Chè Phú Đa - Nhà máy Chè Phú Long (tại huyện Tân Sơn - Phú Thọ)

Công ty Chè Phú Đa - Nhà máy Chè Phú Long (tại huyện Tân Sơn - Phú Thọ)

Năm 2002, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định Số: 570/QĐ-UB Về việc thu hồi, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Công ty Chè Phú Đa thuê để trồng và chế biến chè, tại địa bàn huyện Thanh Sơn, huyện Tam Nông, huyện Yên Lập.

Theo đó, Quyết định nêu: Thu hồi 35.736.109 m2 (3.573.610,9ha) đất chè, đất lúa, đất mạ, đất cây lâu năm, đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng và chuyên dùng của Xí nghiệp chè Tân Phú, Xí nghiệp chè Thanh Niên và Xí nghiệp chè Phú Sơn, thuộc địa bàn 12 xã (huyện Thanh Sơn, xã Tề Lễ (huyện Tam Nông), xã Ngọc Lập (huyện Yên Lập); Vị trí, diện tích thu hồi xác định trơng giới hạn mầu, thể hiện trên các bản vẽ tỷ lệ 1/500 và tỷ lệ 1/10000, do Trung tâm Kỹ thuật công nghệ Địa chính đo vẽ năm 2001, có xác nhận của UBND 14 xã; đã được UBND huyện Thanh Sơn, UBND huyện Tam Nông, UBND huyện Yên Lập, Sở Địa chính thẩm định và thống nhất trình duyệt.

Bao gồm: Diện tích thuộc địa bàn huyện Thanh Sơn là: 28.747.713 m2; Diện tích thuộc địa bàn huyện Tam Nông là: 5.381.600 m2; Diện tích thuộc địa bàn huyện Yên Lập là: 1.606.796 m2.

Quyết định Số: 570/QĐ-UB ngày 05/02/2002 của UBND tỉnh Phú Thọ

Quyết định Số: 570/QĐ-UB ngày 05/02/2002 của UBND tỉnh Phú Thọ

Trong đó: Giao 14.808.971m2 đất, trong tổng số diện tích đất thu hồi nói trên cho Công ty Chè Phú Đa để trồng và chế biến chè theo Giấy phép đầu tư Số: 2106/GP ngày 07/01/1999 (Diện tích đất đã trồng chè là: 11.194.000 m2; Diện tích đất trồng mới cây chè là: 3.500.000 m2; Diện tích đất chuyên dùng (XDCB) là: 114.971 m2);

Giao 20.927.138 m2 đất còn lại thể hiện trên cùng bản vẽ thu hồi nói trên cho Công ty Chè Phú Đa quản lý và nộp thuế sử dụng đất hàng năm theo giá đất hiện hành để sử dụng vào sản xuất nông lâm nghiệp.

Tiền thuê đất được thực hiện theo quy định trong Giấy phép đầu tư Số: 2106/GP ngày 07/01/1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và theo mức giá quy định tại Quyết định số 2012/QĐ-UB ngày 08/8/2000 của UBND tỉnh Phú Thọ; Thời gian cho thuê đất là 50 năm (Năm mươi năm) tính từ ngày được cấp giấy phép đầu tư.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Chè Phú Đa trên tổng diện tích 35.736.109 m2 đất được giao tại địa bàn 3 huyện như sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số T-767201 cấp cho Công ty trên diện tích 28.747.713 m2 đất, tại địa bàn 12 xã thuộc huyện Thanh Sơn (xã Địch Quả, Sơn Hùng, Thục Luyện, thị trấn Thanh Sơn, Giáp Lai, Tân Phú, Mỹ Thuận, Minh Đài, Long Cốc, Văn Luông, Văn Miếu, Tam Thanh).

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số T-767202 cấp cho Công ty trên diện tích 5.381.600 m2 đất, tại địa bàn xã Tề Lễ huyện Tam Nông.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có số T-767203 cấp cho Công ty trên diện tích 1.606.796 m2 đất, tại địa bàn xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập.

Công ty Chè Phú Đa đang quản lý

Công ty Chè Phú Đa đang quản lý "trên danh nghĩa" là hơn 3.500ha đất

Tuy nhiên, theo báo cáo của ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng giám đốc Công ty Chè Phú Đa tại cuộc họp ngày 16/6/2020 do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với UBND các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Công ty Chè Phú Đa trong việc phối hợp thực hiện kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất của Công ty Chè Phú Đa.

Ông Nguyễn Hồng Anh cho biết: Sau khi có Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty đã tiến hành kiểm tra, rào soát: Ngày 05/2/2002, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Số: 570/QĐ-UB Về việc thu hồi, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Chè Phú Đa thuê để trồng và chế biến chè, tại địa bàn huyện Thanh Sơn, huyện Tam Nông, huyện Yên Lập.

Theo Quyết định: Thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất chuyên dùng thuộc các công ty, xí nghiệp Phú Sơn, Tân Phú, Thanh Niên tổng diện tích 35.736.109 m2 (3.573.610,9ha), giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Chè Phú Đa, cụ thể trên địa bàn huyện Thanh Sơn GCNQSDĐ số T-767201, diện tích 28.747.713 m2; Trên địa bàn huyện Tam Nông GCNQSDĐ số T-767202, diện tích 5.381.600 m2; Trên địa bàn huyện Yên Lập GCNQSDĐ số T-767203, diện tích 1.606.796 m2.

Công ty Chè Phú Đa đã trả lại diện tích đất cho địa phương quản lý tại 25 Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Phú Thọ từ năm 2002 - 2019, tổng diện tích là 1.067,352ha. Diện tích Công ty đang quản lý là 2.508,96ha, giao khoán theo hợp đồng cho các hộ là 1.621,57ha; diện tích giao trùng là 67,01ha; diện tích cấp trùng là 148,91ha (289 hộ), diện tích bị lấn chiếm 390,18ha… Công ty đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, xã trong quá trình ra soát.

Đồng thời, ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng giám đốc Công ty Chè Phú Đa cũng đề nghị: Để có số liệu rà soát chính xác, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí lập dự toán đo đạc, cắm mốc giới. Để giải quyết những tồn tại liên quan đến việc giao trùng, cấp trùng, lấn chiếm với các hộ dân địa phương đề nghị UBND các huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã tiếp tục phối hợp với Công ty để hoàn thành việc rà soát, đặc biệt là cung cấp bản phô tô các Giấy chứng nhận bản vẽ, … đối với diện tích cấp trùng.

Công ty Chè Phú Đa - Nhà máy Chè Phú Sơn (tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ)

Công ty Chè Phú Đa - Nhà máy Chè Phú Sơn (tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ)

Như vậy, đến thời điểm hiện tại Công ty Chè Phú Đa chỉ được giao quản lý, sử dụng hơn 3.500ha đất trên danh nghĩa (phục vụ cho việc trồng và chế biến chè). Do đó, ngoài việc Công ty Chè Phú Đa đã bị “rỗng ruột” hơn 1.000 ha đất thì những tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng của đơn vị này như: giao trùng, cấp trùng và bị lấn chiếm với diện tích là bao nhiêu vẫn là con số còn đang bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, việc giao khoán theo hợp đồng cho các hộ là 1.621,57ha của Công ty Chè Phú Đa là như thế nào, thực tế hiện nay diện tích này có được sử dụng đúng mục đích vào canh tác và sản xuất chè nguyên liệu cho Nhà máy hay không… Đồng thời, các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Phú Thọ cũng cần làm rõ thông tin về tình trạng “phát canh thu tô” như nghi ngờ của dư luận đối với Công ty Chè Phú Đa, trên diện tích hàng nghìn ha… 

Trước đó, trên cơ sở kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc thực thi pháp luật về đất đai, đồng thời để chấn chỉnh tình trạng trên và có cơ sở dữ liệu rõ ràng cho việc quản lý đất đai được chặt chẽ, minh bạch. Ngày 21/10/2019 UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Văn bản số 4803/UBND-KTN, về việc xử lý tồn tại trong quá trình quản lý sử dụng đất theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ. Tiếp đó, ngày 25/11/2019 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành Văn bản số 3077/TNMT-TTr, về việc kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất của Công ty Chè Phú Đa...

Công ty Chè Phú Đa là doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và Iraq, phía Việt Nam là Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP (Vinatea Jsc.,) và phía Iraq là Công ty Thương mại thực phẩm Nhà nước Baghdad, Iraq (State Company for Foodstuff Trading, Baghdad Iraq); Nhiệm vụ chính của Công ty Chè Phú Đa là trồng và chế biến chè đen xuất khẩu.

Vốn pháp định của Công ty Chè Phú Đa là 15.100.000 USD, trong đó phía Việt Nam góp 45%, phía nước ngoài góp 55%. Công ty Chè Phú Đa bắt đầu hoạt động từ năm 1999 theo giấy phép số 2106/GP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp, thời gian hoạt động là 50 năm (đến năm 2049).

Công ty Chè Phú Đa có trụ sở chính đặt tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Năm 2002, Liên doanh Công ty Chè Phú Đa được UBND tỉnh Phú Thọ cấp cho hơn 3.500 ha đất để trồng chè nguyên liệu và chế biến chè đen xuất khẩu.

Năm 2019, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua giao dịch cổ phiếu đã nâng mức sở hữu tại GTNfoods với tỷ lệ 40,68% cổ phần. Trong khi đó, GTNfoods là đơn vị giữ đến 95% cổ phần tại Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea).

Khánh Trình
Bạn đang đọc bài viết Công ty Chè Phú Đa bị “rỗng ruột” hàng nghìn ha đất tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan