Công ty Thủy điện Thiên Tân phải tạm nộp hơn 21 tỷ đồng do sai phạm

08/03/2022, 15:35

TCDN - Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại Dự án Thủy điện Đắk Re, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, do Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư. Dự án đã xảy ra nhiều sai phạm, buộc phải nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ hơn 21 tỷ đồng.

Trong quá trình đầu tư xây dựng Dự án Thủy điện Đắk Re tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân (chủ đầu tư dự án) đã để xảy ra nhiều sai phạm, do đó buộc phải nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ hơn 21 tỷ đồng.

Dự án Thủy điện Đắk Re đã được điều chỉnh tiến độ thực hiện tới 4 lần, nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Dự án Thủy điện Đắk Re đã được điều chỉnh tiến độ thực hiện tới 4 lần, nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Dự án Thủy điện Đắk Re như:

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 38121000014 ngày 05/5/2008 (GCN đầu tư lần đầu): quy mô của dự án là 30MW, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2010 với số tiền ký quỹ là 90.000 USD (tương đương 1,5 tỷ đồng, theo Văn bản số 1133/UBND-TH ngày 12/6/2007 của UBND tỉnh Kon Tum); Sau đó, CĐT xin điều chỉnh lần 1: quy mô dự án tăng lên gấp đôi lần đầu (lên 60MW) và thời gian thực hiện từ 2011-2014, tiền ký quỹ là 180.000 USD (tương đương 3,6 tỷ đồng); điều chỉnh lần 2 và lần 3 là xin điều chỉnh về tiến độ thời gian thực hiện từ 2014 - 2017 - 2019, tiền ký quỹ phải nộp theo quy định của Luật đầu tư là 18 tỷ 597,490 triệu đồng;...Đến tháng 4 năm 2020 UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư bằng việc ban hành Quyết định số 297/QĐ-UBND ngày 01/4/2020, qua đó thời gian, tiến độ thực hiện là từ năm 2007 - 2021 và diện tích sử dụng đất là 192,155ha (trong đó, Kon Tum 171,609ha; Quảng Ngãi 20,546ha), tăng 17,110ha .

Từ kết luận Thanh tra, thì Dự án Thủy điện Đắk Re đã được điều chỉnh tiến độ thời gian 4 lần với tổng thời gian điều chỉnh là 10 năm. Song trên thực tế, dự án này đã thực hiện tới 12 năm và đến nay vẫn còn dang dở nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum không có phương án nào nhằm theo dõi, giám sát (phải gọi là buông lỏng quản lý) đầu tư đối với dự án.

Chưa kể, vào cuối năm 2020 dự án này cũng đã không đảm bảo được mức độ an toàn khi thi công gây sạt lở đất đai, mất trắng hoa màu của 73 hộ dân, trong đó nhiều diện tích ruộng lúa của người dân bị sạt lở, vùi lấp hoàn toàn, không thể canh tác.

Dự án thủy điện Đak Re từng gây sạt lở đất đai và làm mất trắng hoa màu của 73 hộ dân sống xung quanh khu vực.

Dự án thủy điện Đak Re từng gây sạt lở đất đai và làm mất trắng hoa màu của 73 hộ dân sống xung quanh khu vực.

Hơn thế, Dự án được triển khai thi công từ năm 2016 khi chưa đủ điều kiện khởi công là hành vi chiếm đất, vi phạm Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng 2014 nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý đã thể hiện sự yếu kém trong quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng. Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án chủ đầu tư còn có một số vi phạm như: chiếm dụng đất trái phép để thi công: đường dây điện 22KV từ nhà máy tới đập trên đất rừng (chưa được chuyển đổi), khoảng 147 móng trụ (4m3/móng) khi chưa được cho thuê đất và cấp phép xây dựng; công trinh ngầm (cửa nhận nước và tuyến đường hầm dẫn nước), chưa được cho thuê đất; chiếm dụng đất làm bãi trữ đã số 1, 2 và thi công ống dẫn nước từ vị trí lòng hồ 3 để dâng nước về kênh thông hồ (nằm trong lòng dòng chảy của Suối Đăk So Rach), vi phạm Khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013.

Tại thời điểm thanh tra năm 2021 (Luật Đầu tư năm 2020 chưa có hiệu lực), dự án chậm tiến độ, đủ điều kiện thu hồi tiền ký quỹ nhưng cơ quan chức năng không thu hồi tiền ký quỹ là thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng Văn bản số 1133/UBND-TH ngày 12/6/2007 của UBND tỉnh Kon Tum (90, vi phạm quy định tại Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ CP. Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ với tổng số tiền là 21 tỷ 492,61 triệu đồng (tiền ký quỹ các lần điều chỉnh).

Chưa hết, Việc UBND tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án khi chủ đầu tư không thực hiện ký quỹ là vi phạm điểm b Khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013. Mặt khác, theo Giấy chứng nhận đầu tư, diện tích sử dụng đất là 175,045ha (trong đó, Kon Tum 146,19ha, Quảng Ngãi 28,855ha), đến ngày 11/11/2019 UBND tỉnh Kon Tum giao đất, cho thuê đất 171,61ha (tăng 25,42ha so với Giấy chứng nhận đầu tư) là việc làm tuỳ tiện, vi phạm khoản Điều 52 Luật Đất đai 2013, thể hiện sự buông lỏng quản lý về quản lý đất đai, đến ngày 01/4/2020 UBND tỉnh mới điều chỉnh chủ trương đầu tư (Quyết định số 297/QĐ-UBND), có dấu hiệu hợp thức hóa cho việc cho thuê đất vượt nhu cầu của dự án.

Chuyển đổi hơn 100ha đất rừng để phục vụ thi công công trình

Dự án thủy điện Đăk Re do Công ty CP thuỷ điện Thiên Tân làm chủ đầu tư, xây dựng trên địa bàn H. Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và H. Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi). Để làm thuỷ điện này, UBND tỉnh Kon Tum đã có 3 quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để cho Công ty CP thủy điện Thiên Tân thuê đất để xây dựng, trong đó có hơn 100ha đất rừng.

Quyết định thứ nhất là ngày 16/3/2016, trong đó thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của hơn 95ha héc-ta đất rừng sản xuất do Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham quản lý để cho thuỷ điện Đăk Re thuê, thời hạn cho thuê đất đến ngày 5/5/2048.

Ngày 27/6/2016, UBND tỉnh Kon Tum ký tiếp tuyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty CP thuỷ điện Thiên Tân thuê đất xây dựng công trình thuỷ điện Đăk Re. Lần này là cho thuê 2,8ha đất rừng tự nhiên sản xuất do Công ty TNHH MTV Kon Plông quản lý.

Lần gần nhất là vào ngày 16/9/2019, UBND tỉnh Kon Tum có ký quyết định thu hồi, chuyển mục đích gần 5,6ha đất rừng để cho thuỷ điện Đăk Re thuê. Việc trồng rừng thay thế theo hình thức Công ty CP thuỷ điện Thiên Tân nộp tiền trồng rừng.

Thông tin giới thiệu về dự án của Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân.

Thông tin giới thiệu về dự án của Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân.

Ngoài ra, khi điều chỉnh quy mô dự án từ 30MW lên 60MW, diện tích dự án  từ 175,045ha lên 192,155ha, chủ đầu tư không lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý là vi phạm điểm b, c Khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2014, khoản 6 Điều 1 Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 (sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015) và chủ đầu tư khi thi công kênh thông hồ đã trực tiếp đổ thải tại 02 vị trí thuộc thôn 1 xã Hiếu, huyện Kon Plông không đúng quy định (vị trí đổ thải là đất rừng và đất nương rẫy của các hộ dân), với khối lượng tạm tính gần 110.513 tấn.

Với hành vi vi phạm này của chủ đầu tư UBND tỉnh cần phải chỉ đạo quyết liệt trong việc xác định khối lượng chính xác, sau đó ban hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ CP ngày 18/11/2016, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ và nộp số tiền này về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu Chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng ban đầu và báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ.

Như vậy sau khi kết luận Thanh tra, Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân buộc phải nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ 21 tỷ 492,61 triệu đồng và một khoản tiền nộp phạt do vi phạm đổ thải ra môi trường với khối lượng chất thải tạm tính nêu trên.

Công Phong - Thái Minh
Bạn đang đọc bài viết Công ty Thủy điện Thiên Tân phải tạm nộp hơn 21 tỷ đồng do sai phạm tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủy điện Đăk Pône 2AB Kon Tum bị phạt 160 triệu đồng
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, ngày 19/02/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 83/QĐ-XPHC xử phạt Công ty TNHH Gia Nghi do đã có hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phát điện tại công trình Thủy điện Đăk Pône 2AB (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) nhưng không có giấy phép theo quy định.
Kon Tum: Bắt nguyên Phó giám đốc Trung tâm quỹ đất
Bắt tạm giam đối với bà Hồ Thị Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm quỹ đất TP Kon Tum để điều tra về tội 'Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức' và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".