CPI tháng 1 tăng 0,31% do giá dịch vụ y tế, giá điện và giá gạo

29/01/2024, 10:19

TCDN - Tổng cục Thống kê cho biết, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu... làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 2,72%.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 01/2024 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56%, do giá điện sinh hoạt tháng 1 tăng 1,29% so với tháng trước và nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh; nhóm giao thông tăng 0,41% do chỉ số giá xăng tăng 0,79%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,40%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,38%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%...

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Lạm phát cơ bản tháng 1 năm 2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%) chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/1/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.014,85 USD/ounce, giảm 1,23% so với tháng 12/2023 do đồng USD mạnh lên và thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khó dự đoán. Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán tăng làm chỉ số giá vàng tháng 01/2024 tăng 2,55% so với tháng 12/2023 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thế giới, giá đồng USD Mỹ có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư tiếp tục mua vào đồng bạc xanh với kỳ vọng FED sẽ không sớm cắt giảm lãi suất. Tính đến ngày 25/1/2024, chỉ số giá USD Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,18 điểm, tăng 0,24% so với tháng trước. Trong nước, giá USD Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.555 VND/USD. Chỉ số giá USD Mỹ tháng 01/2024 tăng 0,52% so với tháng 12/2023 và tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo An
Bạn đang đọc bài viết CPI tháng 1 tăng 0,31% do giá dịch vụ y tế, giá điện và giá gạo tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ba kịch bản dự báo tăng CPI năm 2024
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra 3 kịch bản lạm phát năm 2024 với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.
CPI tăng 3,25%, lạm phát tăng 4,16% trong năm 2023
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2023 tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản tăng 4,16%.
Giá dịch vụ y tế, học phí, giá gạo khiến CPI tăng 0,25%
Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước.